Từ phụ phẩm thành sản phẩm cao cấp
Giám đốc điều hành công ty sản xuất da thuộc từ cá Nordic Fish Leather (Iceland) - Hlynur Arsaelsson - cho biết: “Không có nhiều loại da thuộc làm từ da cá trên thế giới”. Công ty của anh chuyên cung cấp da cá đã thuộc cho các công ty dệt may để sản xuất quần áo, giày dép và phụ kiện iPhone. Hầu như tất cả sản phẩm của họ đều sử dụng da cá hồi đến từ công ty Lerøy.
Anne Hilde Midttveit - người đứng đầu bộ phận chất lượng và tính bền vững của tập đoàn hải sản Lerøy (Na Uy) - chia sẻ: “Da cá do chúng tôi sản xuất có thể được sử dụng để tạo nên những sản phẩm mới. Điều đó thực sự thú vị”. Nhóm quản lý sản xuất cá hồi và cá hồi đông lạnh của Lerøy chủ yếu làm việc với thứ vốn được gọi là phụ phẩm - da cá hồi. Thay vì để chúng trở thành rác hoặc thức ăn ủ chua, Lerøy liên tục tìm kiếm các thị trường mới, giúp tận dụng nguồn sản phẩm từ cá hồi một cách tốt nhất có thể.
Do các cấu trúc sợi đan chéo, da cá hồi bền hơn nhiều so với da bò, da heo. Đó là lý do nó được sử dụng như một nguồn nguyên liệu may mặc suốt hàng trăm năm. Những người Viking từ Na Uy đã mang theo kiến thức này khi định cư ở Iceland. Hlynur nói: “Suốt nhiều thế kỷ, người dân Iceland sử dụng da cá để làm những đôi giày đơn giản, bên trong lót len hoặc rơm để giữ ấm”.
Da cá tại Nordic Fish Leather có thể mang nhiều màu khác nhau Ảnh: LERØY |
Gần đây, khi thế giới thiếu hụt hàng hóa do tác động từ đại dịch COVID-19, da cá được sử dụng như một nguồn tài nguyên quan trọng. Dù vậy, công nghệ nhuộm da cá chỉ được thử nghiệm ở quy mô nhỏ cách đây khoảng 20 năm. Nordic Fish Leather đã tiếp tục quá trình này và đạt đến ngưỡng có thể thương mại hóa sản phẩm như một mặt hàng cao cấp.
Tạo thu nhập bền vững
Ở Nam Mỹ, ngư dân và các nhà khoa học đã nghĩ ra một sáng kiến cứu loài cá pirarucu (hải tượng long) khổng lồ, vốn từng sinh trưởng mạnh ở các hồ nước ngọt dọc theo những nhánh sông Amazon. Giờ đây, mọi người có thể tìm thấy chất liệu da cá bền đẹp và độc đáo nơi những chiếc túi cao cấp ở New York, giày cao bồi Texas hay hình ảnh chiếc áo khoác vảy cá màu đỏ treo lơ lửng phía trên bụng ca sĩ Rihanna trong một ấn bản của tạp chí Vogue. Việc bán sản phẩm từ da cá mang lại thu nhập đủ sống cho hàng trăm gia đình tại Amazon. Đáp lại, họ gìn giữ những khu rừng khỏe mạnh, đồng thời bảo vệ sinh kế của chính mình. Da cá là sản phẩm phụ sau khi khai thác thịt cá pirarucu - một loại thực phẩm phổ biến ở Amazon và ngày càng được ưa chuộng tại các thành phố lớn nhất của Brazil. Các cộng đồng bản địa làm việc cùng những người định cư ven sông (không phải là người bản địa) để quản lý số lượng cá pirarucu trong các khu vực được bảo tồn của Amazon. Hầu hết các sản phẩm da cá phục vụ xuất khẩu và Mỹ là thị trường chính.
Palomino-Perez làm việc với một bậc thầy nhuộm chàm truyền thống ở Nhật Bản để nhuộm da cá theo những họa tiết truyền thống - Ảnh: Elisa Palomino-Perez |
Cá pirarucu có thể dài tới 3 mét. Nạn đánh bắt quá mức từng đe dọa tận diệt chúng. Mọi thứ chỉ bắt đầu thay đổi khi một ngư dân định cư, Jorge de Souza Carvalho (Tapioca), và nhà nghiên cứu Leandro Castello cùng hợp tác, đếm số lượng chúng trong hồ ở vùng Mamiraua. Chính phủ đã cho phép đánh bắt có quản lý. Theo luật, chỉ 30% số cá pirarucu trong một khu vực cụ thể có thể được đánh bắt vào năm sau. Kết quả là số lượng cá đang phục hồi ở những khu vực này.
Trong các cộng đồng ven sông, người dân ăn cá, da và các bộ phận khác nhưng tại các lò mổ lớn, da bị loại bỏ. Cách Amazon hàng ngàn cây số, xuôi theo con đường đất đồi núi ở ngoại ô Rio de Janeiro, xưởng thuộc da Nova Kaeru xử lý khoảng 50.000 tấm da từ cá pirarucu hoặc cá arapaima khổng lồ được đánh bắt hợp pháp mỗi năm. Hiệp hội các nhà sản xuất nông thôn của cộng đồng Carauari, vùng Medio Jurua bán mỗi bộ da với giá 37 USD - khoản tiền tương đối lớn ở một quốc gia có mức lương tối thiểu khoảng 237 USD/tháng. Số tiền này trả cho ngư dân 1,6 USD/kg da cá trong khi mức giá lý tưởng là 1,9 USD/kg để trang trải mọi chi phí liên quan đến quản lý việc đánh bắt. Họ hy vọng sẽ kiếm được số tiền đó trong tương lai gần bằng cách xuất khẩu thịt cá pirarucu. Da pirarucu lần đầu tiên xuất hiện ở Texas - được sử dụng để làm giày cao bồi.
Công nhân căng da cá pirarucu để làm khô tại nhà máy thuộc da Nova Kaeru (Brazil) - Ảnh: AP |
Ngành công nghiệp thời trang từ da cá ngày càng được chú ý. Tại thành phố New York, thương hiệu xa xỉ Piper & Skye sử dụng da pirarucu làm túi xách và ví. Sản phẩm được bán với giá lên tới 850 USD. Joanna MacDonald - người sáng lập thương hiệu và giám đốc sáng tạo - chia sẻ: “Cá pirarucu là nguồn thực phẩm cho cộng đồng địa phương, đồng thời cải thiện thu nhập người dân ở những khu vực mà chúng được đánh bắt nhờ khả năng cho ra một vật liệu bền và đẹp. Điều đó thúc đẩy tính tuần hoàn cho nền kinh tế và tránh lãng phí”.
Tương lai cho ngành thời trang
Khi còn nhỏ, Elisa Palomino-Perez tin rằng cô là một nàng tiên cá. Lớn lên ở Cuenca, Tây Ban Nha vào thập niên 1970, cô tập bơi nghệ thuật và rất mê cá. Giờ đây, tình yêu của nhà thiết kế này dành cho vảy cá sáng bóng và đại dương hùng vĩ đã phát triển thành một sứ mệnh mạnh mẽ: thách thức ngành thời trang trở nên bền vững hơn bằng cách sử dụng da cá làm chất liệu. Thời trang cao cấp không còn xa lạ với Palomino-Perez bởi cô đã làm việc với các nhà thiết kế Christian Dior, John Galliano và Moschino trong 30 năm sự nghiệp.Palomino-Perez nhận xét: “Da cá là một vật liệu tuyệt vời nhưng không nhiều người biết về nó”.
Ngư dân nuôi cá pirarucu tại vùng Medio Jurua, bang Amazonia, Brazil - ẢNH: AP |
Các nhóm dân tộc bản địa sống bên bờ biển và sông, trải dài từ Alaska đến Scandinavia và châu Á đã sử dụng da cá trong nhiều thế kỷ. Sự gia tăng mức độ phổ biến của da cá trong thế giới thời trang bền vững đã giúp người bản địa phục hồi truyền thống.
Theo Tạp chí Hakai (Canada), toàn thế giới tiêu thụ khoảng 150 triệu tấn cá phi lê vào năm 2015. Một tấn cá phi lê tương đương 40kg da cá. Chỉ riêng trong năm đó, ngành công nghiệp đã tạo ra khoảng 6 triệu tấn da cá có thể tái chế. Các trang trại sản xuất phi lê cá đông lạnh có thể cung cấp cho các nhà thuộc da sản phẩm phụ từ da cá. Không chỉ Prada, Christian Dior, Louis Vuitton và Puma chọn sử dụng chất liệu trên cho quần áo và phụ kiện, các nhà thiết kế trẻ và các công ty khởi nghiệp hiện đang quan tâm rất nhiều đến chúng. Riêng Palomino-Perez rất mong muốn bình thường hóa việc sử dụng da cá trong ngành thời trang. Cô đã nghiên cứu một kỹ thuật thuộc da từ cộng đồng Hezhen bản địa ở Đông Bắc Trung Quốc, sử dụng hoa bắp để ngâm, loại bỏ dầu của da cá và tạo ra da thuộc. Cô hy vọng trong tương lai, chất liệu này sẽ thay thế các loại da kỳ lạ của ngành thời trang, từ đó cho ra đời những sản phẩm chất lượng cao theo cách tôn trọng bản sắc văn hóa, không gây hại cho môi trường.
Ngọc Hạ
Xem thêm: lmth.3574841a-ial-gnout-auc-gnuv-neb-nohc-aul-ac-ad-gnart-ioht/nv.moc.enilnounuhp.www