Theo kết quả khảo sát mới nhất về kinh tế Ấn Độ, nông nghiệp của nước này chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong tổng thể nền kinh tế, khoảng 15% GDP. Ấn Độ được biết đến là một quốc gia xuất khẩu nhiều sản phẩm nông nghiệp, với các chuyến hàng xuất khẩu ra nước ngoài trong năm 2021-22 đạt mức kỷ lục 50,2 tỷ USD.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 làm cho nhiều lĩnh vực kinh tế sa sút, nhưng nông nghiệp của Ấn Độ vẫn đạt mức tăng trưởng trung bình 4,6% trong nhiều năm liên tiếp. Tuy nhiên, những dấu hiệu đi xuống đã bắt đầu xuất hiện. Riêng năm 2021-2022, nông nghiệp Ấn Độ đã tăng trưởng 3%, giảm chút ít so với mức 3,3% trong năm 2020-2021.
Báo cáo hàng năm về tình trạng của nền kinh tế cho thấy, mặc dù nông nghiệp Ấn Độ đang phát triển tốt, ngành này vẫn cần định hướng lại, trên cơ sở nhận thức đầy đủ các rủi ro ngày càng tăng từ biến đổi khí hậu, đất đai bị chia cắt, mức độ cơ giới hóa thấp và chi phí canh tác tăng cao.
Ngành nông nghiệp của Ấn Độ cần có nhiều biện pháp khuyến khích để thu hút đầu tư và tiếp cận nhiều nguồn "cung cấp tín dụng" hơn nữa. Để làm được, cần có cách tiếp cận hợp lý, kịp thời và toàn diện.
Những năm qua, chính phủ Ấn Độ đã thực hiện nhiều biện pháp để nông dân tiếp cận được các nguồn cung ứng tài chính, tăng năng suất cây trồng và vật nuôi, đảm bảo lợi nhuận chắc chắn cho nông dân. Sản lượng lương thực của nước này chạm mức kỷ lục 315,7 triệu tấn trong năm 2021-22, bất chấp những thách thức từ biến đổi khí hậu. Theo Ước tính cho năm 2022-23 (chỉ riêng vụ hè thu Kharif), tổng sản lượng lương thực của cả nước ước đạt 149,9 triệu tấn, cao hơn sản lượng lương thực trung bình vụ hè thu trong 5 năm trước đó (2016 - 2021). Sự phát triển của nông nghiệp không chỉ tạo nhiều việc làm mà còn góp phần đáng kể vào tăng trưởng của nền kinh tế.
Các chính sách của Ấn Độ như ban hành "Thẻ sức khỏe đất", " Quỹ tưới vi mô và canh tác hữu cơ" đã giúp nông dân tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên và giảm chi phí canh tác. Các Tổ chức Sản xuất Nông nghiệp cũng được khuyến khích, trao nhiều quyền hơn cho nông dân, từ đó, phát triển nguồn nhân lực cho nông nghiệp và góp phần thúc đẩy Thị trường nông nghiệp của cả nước.
Hạ tầng cho nông nghiệp cũng được chú trọng. Nhiều cơ sở hạ tầng nông nghiệp đã được triển khai chuyên nghiệp, như dịch vụ đường sắt Kisan chỉ phục vụ cho việc vận chuyển các mặt hàng nông sản dễ hỏng.
Chính phủ Ấn Độ dự kiến sẽ chi tiêu nhiều hơn trong giai đoạn này cho chương trình trợ cấp lương thực theo Luật An ninh Lương thực Quốc gia và các chương trình phúc lợi khác nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho những người nghèo hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.49603511131203202-or-iur-ueihn-neid-iod-gnuhn-neirt-tahp-peihgn-gnon-od-na/et-hnik/nv.vtv