Nội dung chính:
Tại ngày 31/12/2022, các ngân hàng đang nắm giữ gần 188 nghìn tỷ đồng (gần 8 tỷ USD) trái phiếu doanh nghiệp, giảm 13% so với đầu năm. MBBank, Techcombank, VPBank, TPBank vẫn là những ngân hàng nắm giữ nhiều trái phiếu doanh nghiệp nhất. Các ngân hàng nắm giữ nhiều trái phiếu doanh nghiệp nhất hệ thống vẫn có kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt.
Tính đến cuối năm 2022, 17 trên tổng số 28 ngân hàng được thống kê đang nắm giữ 187,7 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) - tương đương gần 8 tỷ USD, giảm 13% so với cuối năm 2021.
Số lượng ngân hàng đầu tư TPDN cuối năm 2022 giảm so với đầu năm do nhiều ngân hàng đã “xả sạch” toàn bộ TPDN đang nắm giữ như ABBank, Eximbank, PGBank, LienVietPostBank, Bản Việt Bank.
17 ngân hàng đang nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp sẵn sàng để bán tại ngày 31/12/2022. (Nguồn dữ liệu: FiinPro)
10/17 ngân hàng kể trên đã giảm một phần TPDN nắm giữ trong năm 2022. Tuy nhiên, những cái tên đang “ôm” nhiều TPDN nhất không có sự thay đổi đáng kể so với cuối năm 2021.
MBBank trở thành ngân hàng nắm giữ TPDN nhiều nhất hệ thống với hơn 43,6 nghìn tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Techcombank lùi về vị trí á quân sau khi giảm 34,5% giá trị TPDN đang nắm giữ, từ 62,6 nghìn tỷ đồng về còn hơn 41 nghìn tỷ đồng vào cuối năm trước.
Giá trị TPDN mà VPBank và TPBank lần lượt nắm giữ tăng 18% và 16% so với cuối năm 2021, nâng giá trị TPDN đang nắm giữ của 2 ngân hàng này lên xấp xỉ 32,9 nghìn tỷ đồng và 21,6 nghìn tỷ đồng.
5 ngân hàng nắm giữ nhiều trái phiếu doanh nghiệp nhất. (Nguồn dữ liệu: FiinPro)
Trong khi nhiều ngân hàng đang tích cực cắt giảm khoản đầu tư vào TPDN do diễn biến thị trường không thuận lợi, giá trị TPDN được SHB nắm giữ lại bất ngờ tăng gấp đôi đầu năm lên gần 13,2 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2022. Nhờ đó, SHB vượt qua nhiều “ông lớn” khác để giữ hạng 5 trong top các ngân hàng có giá trị TPDN cao nhất.
Tổng giá trị TPDN do top 5 (MBBank, Techcombank, VPBank, TPBank, SHB) nắm giữ đã chiếm đến 81% tổng giá trị của 17 ngân hàng cộng lại.
Theo báo cáo Nhìn lại 2022 & Triển vọng thị trường vốn 2023 của FiinRatings, danh mục trái phiếu doanh nghiệp của một số ngân hàng đang tiềm ẩn rủi ro tín dụng khi thị trường đã xuất hiện một số trường hợp chậm trả lãi và gốc trái phiếu.
Mặc dù chỉ chiếm khoảng 2,2% tổng tài sản sinh lời của các ngân hàng, nhưng khi trái phiếu doanh nghiệp bị “nhảy” nhóm nợ cũng sẽ làm các khoản vay khác của doanh nghiệp đó tại các ngân hàng khác bị phân loại vào nhóm có chất lượng nợ thấp hơn, gia tăng tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống.
Chứng khoán VNDIRECT nhận định “khoảng 46 nghìn tỷ đồng TPDN đáo hạn trong 6 tháng năm 2023 sẽ là một thử thách lớn lên hệ thống tài chính”.
5 ngân hàng nắm giữ nhiều TPDN nhất vẫn tăng trưởng tốt
Nguồn thu nhập của các ngân hàng đến từ TPDN có thể từ khoản lãi trái phiếu được doanh nghiệp trả định kỳ hoặc số tiền chênh lệch khi ngân hàng mua vào và bán lại TPDN cho các cá nhân, tổ chức khác. Phần chênh lệch lãi suất này thông thường ở mức 1 - 2% giá trị trái phiếu, được coi như một khoản hoa hồng khi ngân hàng đóng vai trò trung gian phân phối.
Theo Chứng khoán Yuanta, các ngân hàng đầu tư nhiều vào trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu bất động sản (ví dụ MBBank chiếm 7,5% tổng tài sản, TPBank: 7,1%, Techcombank: 6,5% và VPBank: 6,4%) sẽ gặp rủi ro cao hơn so với các ngân hàng có tỷ lệ trái phiếu thấp (ví dụ ACB: 0%).
Các ngân hàng không hạch toán cụ thể thu nhập lãi từ hoạt động đầu tư TPDN. Nhưng thực tế, các ngân hàng nắm giữ lượng lớn TPDN đều đạt kết quả kinh doanh khả quan.
Lợi nhuận sau thuế của 5 ngân hàng nắm giữ nhiều TPDN nhất. (Nguồn dữ liệu: FiinPro)
MBBank - ngân hàng nắm giữ nhiều TPDN nhất hệ thống - ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm 2022 đạt 18,2 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 37% so với năm 2021.
Techcombank tiếp tục dẫn đầu khối ngân hàng tư nhân về lợi nhuận trong năm qua. Lũy kế cả năm, Techcombank thu về hơn 20,4 nghìn tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 11% so với năm 2021.
Mặc dù đẩy mạnh đầu tư vào TPDN với mức tăng cao nhất trong số 17 ngân hàng, lợi nhuận SHB vẫn tăng trưởng tích cực đạt 7.705 tỷ đồng, tăng 54% so với năm 2021.
Tuy kết quả kinh doanh quý IV/2022 của 5 ngân hàng kể trên đều sụt giảm so với quý III nhưng tổng quan lợi nhuận năm qua vẫn tăng trưởng vượt trội và đạt mức kỷ lục. Ông Phan Lê Thành Long - CEO AFA Group nhận định 2022 là năm có sự phân hóa lớn nhất trong vài năm trở lại đây. Sự phân hóa thể hiện trên báo cáo tài chính năm 2022, phản ánh triển vọng tăng trưởng hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp trong năm 2023.
*Ngân hàng thường phân bổ trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đầu tư vào 2 danh mục: nắm giữ đến ngày đáo hạn và sẵn sàng để bán, nghĩa là ngân hàng có thể nắm giữ đến ngày đáo hạn hoặc bán ngay khi “được giá”. Thuật ngữ TPDN đề cập trong bài viết chỉ tính riêng TPDN sẵn sàng để bán.
Xem thêm: mth.60450558031203202-peihgn-hnaod-ueihp-iart-dsu-yt-8-nag-uig-man-gnah-nagn-cac/nv.ahos