Phóng sự có chủ đề "Xu hướng phát triển trí thông minh nhân tạo tại Việt Nam", thuộc chương trình Cuộc sống tương lai Cafetek phát sóng 8h chủ nhật hằng tuần trên kênh HTV9.
Theo đội ngũ thực hiện chương trình, thay vì cần một biên tập để viết nội dung cho phóng sự, họ quyết định thử để cho AI viết một kịch bản về chính công nghệ này tại Việt Nam.
Kết quả khiến ê kíp bất ngờ khi AI có thể đề xuất được 5 phần chính trong kịch bản và tự viết được hơn 500 chữ cho mỗi phần. Ngoài ra, AI còn đề xuất được những chuyên gia cần phỏng vấn để bổ sung vào bài phóng sự.
Sau khi có được bài viết từ AI, ê kíp tiến hành đưa đi đọc và lồng tiếng, hậu kỳ và dựng clip trên nền văn bản mà công nghệ AI đã viết.
Khi hoàn thành các công đoạn, phóng sự AI viết dễ nghe, đủ thông tin và đúng bố cục từng phần đối với một phóng sự cơ bản, thông qua kiểm duyệt nội dung để chính thức phát sóng.
Nhà báo Ngô Trần Thịnh, chịu trách nhiệm sản xuất chương trình Cafetek, Đài truyền hình TP.HCM, cho biết văn bản AI có thể tự tổng hợp, bố cục và viết bài gần với kết quả của một biên tập viên 1-2 năm tuổi nghề.
"Không quá hay nhưng đầy đủ thông tin và góc nhìn, đủ để phục vụ thông tin cho khán giả. Thời gian để có được một kịch bản như vậy chỉ khoảng 8 phút so với gần một tiếng nếu một biên tập viên bình thường có thể làm", ông Thịnh nhận xét.
Sau khi xem phát sóng trên truyền hình, ông Vũ Anh Tuấn, tổng thư ký Hội Tin học TP.HCM, đánh giá: "Khó có thể nhận ra đây là phóng sự do AI viết nếu ê kíp không thông báo. Những thông tin mà AI tổng hợp trong phóng sự đầy đủ toàn diện trong ngành công nghệ của Việt Nam.
Rõ ràng với lượng dữ liệu lớn và học hỏi liên tục của AI, 'kinh nghiệm' tổng hợp thông tin của công nghệ này thực sự tốt và rút ngắn thời gian cho con người rất nhiều so với cách chúng ta phải lục tìm qua nhiều tư liệu của các nguồn rồi lại phải tổng hợp thủ công, rất mất thời gian".
Tuy nhiên, ông Thịnh cũng cho biết dữ liệu AI cung cấp cho ê kíp chưa thể đưa qua đọc tiếng được ngay mà còn phải qua thêm một lớp rà và chỉnh sửa lại từ ngữ để hợp với góc nhìn phóng sự, sử dụng danh từ chính xác thay cho các từ ngữ do máy học tổng hợp đề xuất.
"Thêm nữa, không phải chỉ đặt một câu hỏi là AI có thể ra được kết quả hoàn thiện ngay mà chúng tôi phải hỏi AI đến 8 câu để dẫn dắt cho AI hiểu được ý của ê kíp biên tập. Ở góc nhìn của tôi, công nghệ này là một công cụ hỗ trợ thực sự đắc lực chứ không thể thay thế được người làm nội dung truyền hình", ông Thịnh nói.
Bà Mira Murati, giám đốc công nghệ (CTO) của OpenAI, công ty tạo ra ChatGPT, cho biết phản hồi của công cụ này không phải lúc nào cũng đúng.
Xem thêm: mth.97634209031203202-man-teiv-iat-hnih-neyurt-us-gnohp-mal-ia-gnud/nv.ertiout