Theo trang Arab News, trong số những người sống sót sau trận động đất mạnh 7,8 độ có cả người thổ nhĩ kỳ, người Syria, người Afghanistan và những người tị nạn từ các quốc gia khác.
Bên cạnh đó, trong số 3,6 triệu người tị nạn Syria đã đăng ký tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ, có khoảng 1,6 triệu người đang sống trong những khu vực động đất.
Thông thường, những người Syria tị nạn phải được sự cho phép của chính quyền cấp tỉnh để ra khỏi thành phố mà họ đăng ký tị nạn, nhưng trong những trường hợp đặc biệt như hiện nay, quy định này được tạm thời vô hiệu hóa.
Như vậy, những người Syria tị nạn đang sống trong khu vực bị động đất tàn phá giờ đây có thể chuyển đến một thành phố khác trong thời gian lên đến 90 ngày ngoại trừ thành phố Istanbul.
Ông Metin Corabatir, chủ tịch Trung tâm nghiên cứu vấn đề tị nạn và di cư (IGAM) có trụ sở tại thành phố Ankara cho biết phần lớn người Syria ở khu vực động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ đều đã mất nhà cửa. Lúc này họ đã trở thành những người vô gia cư, nhiều trẻ em phải lang thang trên đường và đói khát.
Trong bối cảnh đó, người Thổ Nhĩ Kỳ càng trở nên quan tâm đến việc những người Syria bị mất nhà cửa do động đất có thể chuyển đến các thành phố lớn khiến thành phần dân cư bị thay đổi.
Theo ông Corabatir, việc này là điều không thể tránh khỏi bởi những người Syria sống trong các vùng bị động đất chủ yếu làm việc trong các khu công nghiệp nhỏ.
Khi các khu công nghiệp này bị phá hủy, họ sẽ phải tìm việc làm mới ở các thành phố lân cận và từ đó sẽ dẫn đến một làn sóng di cư mới tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Khắp Thổ Nhĩ Kỳ hiện có khoảng 27 trại tị nạn dành cho người Syria tị nạn tạm trú và các nhà chức trách nước này hiện đang nỗ lực mở rộng thêm các trại tị nạn để đón những người Syria từ vùng động đất đến.
Những thông tin xuyên tạc bôi nhọ cộng đồng tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ
Theo quan điểm của tiến sĩ Sinem Adar tại Trung tâm nghiên cứu ứng dụng Thổ Nhĩ Kỳ ở Berlin (Đức), những tàn dư của trận động đất kinh hoàng cũng như những mâu thuẫn giữa các đảng phái chính trị càng khiến những người tị nạn và dân nhập cư trở thành mục tiêu bị loại trừ và thậm chí là bạo lực.
Gần đây, nhiều thông tin sai lệch về cộng đồng người tị nạn như việc một ký túc xá nữ ở tỉnh Mersin chỉ tiếp nhận các nạn nhân động đất người Syria mà không tiếp nhận người Thổ Nhĩ Kỳ, hay thông tin nói những người Syria và Afghanistan cướp bóc khắp nơi đã được lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội.
Để kiểm chứng, một nhà lập pháp Thổ Nhĩ Kỳ đã đích thân đến ký túc xá nữ ở tỉnh Mersin và nhận thấy cả người Syria và người Thổ Nhĩ Kỳ đều đang tạm trú cùng nhau một cách hòa hợp.
“Những câu chuyện xuyên tạc sự thật này chỉ đang khiến người dân thêm sợ hãi và hỗn loạn. Thậm chí còn có tin đồn là người Syria sẽ mua tất cả các tòa nhà bị sập trong trận động đất ở tỉnh Hatay để giành toàn bộ quyền kiểm soát khu vực”, ông Corabatir cho biết.
Những người sống sót sau trận động đất kép tại Thổ Nhĩ Kỳ đã đoàn kết, chia sẻ đồ ăn, nước uống, thuốc men cho nhau để vượt qua thảm họa.