Nhà vệ sinh công cộng thiếu thốn và xuống cấp
TP.HCM là thành phố du lịch nổi bật không chỉ trong nước mà còn trên bản đồ quốc tế. Theo thống kê của Sở Du lịch TP.HCM, trong dịp Tết Quý Mão 2023, khách quốc tế đến TP.HCM đạt khoảng 65.000 lượt. Doanh thu du lịch lữ hành tháng 1-2023 của TP.HCM tăng 98,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, với xếp hạng 67/69 điều kiện nhà vệ sinh công cộng tại các thành phố du lịch trên thế giới đã chỉ ra một thực tế rất đáng buồn và cần các cấp các ngành có sự quan tâm hơn nữa đối với nhà vệ sinh công cộng tại thành phố. Vấn đề nan giải đặt ra là tình trạng vừa thiếu vừa quá tải nhà vệ sinh công cộng ngày càng nghiêm trọng.
Tại các tuyến đường sầm uất như Bùi Viện, Đề Thám (quận 1), Võ Văn Tần, Phạm Ngọc Thạch (quận 3),... đều không có nhà vệ sinh công cộng. Trong khi đó, một số nhà vệ sinh trên đường Tú Xương, Lê Quý Đôn (quận 3) thường xuyên đóng cửa.
Để có thể tìm thấy nhà vệ sinh, du khách và người dân phải để tìm kiếm các khu vực xung quanh hoặc đi nhờ ở những cửa hàng, quán cà phê hoặc trung tâm thương mại.
Không chỉ thiếu, mà nhiều nhà vệ sinh công cộng tại thành phố cũng đang xuống cấp nghiêm trọng. Tại đường Hàm Nghi (quận 1), Lê Hồng Phong (quận 10)..., hệ thống thiết bị hư hỏng, bốc mùi hôi thối khiến ai cũng e dè hoặc ngán ngẩm mỗi khi bước vào.
Đã đến TP.HCM được hơn một tuần, anh Knut Garvik (32 tuổi, đến từ Anh) chia sẻ: Thỉnh thoảng tôi cũng dùng nhà vệ sinh khi có nhu cầu, có cái thì rất tốt, cái thì cũng tạm. Tuy nhiên thật sự rất khó để tìm thấy nhà vệ sinh công cộng. Phải đi rất xa mới có thể tìm được”.
Thậm chí có nhiều khu vực, cả hai, ba tuyến đường, vài kilômét cũng không thể tìm ra được một nhà vệ sinh công cộng nào.
Đi bộ gần 1km để tìm nhà vệ sinh công cộng, anh Christine Chen (23 tuổi, đến từ Đài Loan) cười nói: “Tôi cùng các bạn đến phố đi bộ Bùi Viện để vui chơi, khi có nhu cầu đi vệ sinh nhưng không tìm thấy. Hỏi người dân xung quanh thì họ chỉ tôi một nhà vệ sinh gần nhất tại công viên 23-9, phải đi bộ rất xa mới có thể kịp giải quyết”.
Không những vậy, nhà vệ sinh công cộng cũng khó tìm thấy tại nhiều con đường lớn trong khu vực trung tâm và nội thành như Trường Chinh, Cộng Hòa, Điện Biên Phủ, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt…
Không chỉ du khách khó khăn trong việc tìm nhà vệ sinh, mà người dân cũng rất ngán ngẩm mỗi khi tìm kiếm "nơi giải quyết".
Là một tài xế thường xuyên hoạt động ở trung tâm, anh Nguyễn Tấn Thiện (27 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) nói: “May ra ở quận 1 hoặc quận 3 còn có nhà vệ sinh, chứ nếu chạy ra các quận hay khu lân cận khác thì chắc chắn là phải nhịn thôi. Nhiều lúc 'mắc' quá thì giải quyết ngay các bụi cây ven đường luôn”.
"Mong sao thành phố có thể xây dựng thêm nhiều nhà vệ sinh công cộng sạch đẹp như ở quận 1 để người dân có thể thoải mái sử dụng", anh Thiện chia sẻ thêm.
Đừng để nhà vệ sinh công cộng kìm hãm du lịch
Trong bối cảnh các hoạt động kinh tế, văn hóa… ở thành phố ngày càng khởi sắc sau dịch COVID 19, nhất là lĩnh vực du lịch đang được thành phố chú trọng đẩy mạnh phát triển, việc phát triển mạng lưới nhà vệ sinh công cộng hiện đại và trải đều là yêu cầu cấp thiết.
Tại chương trình Dân hỏi - chính quyền trả lời ngày 12-2, theo ông Lê Trương Hiền Hòa, phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, ngành du lịch thành phố rất quan tâm đến vấn đề nhà vệ sinh công cộng, đặc biệt sau phục hồi từ đại dịch.
Hiện toàn thành phố có 51 khu, điểm nhà vệ sinh và sở cũng liên tục phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá, đầu tư, ưu tiên hình thức xã hội hóa.
Đại diện Công ty Đầu tư và Xây dựng - TNXP cho biết về hoạt động đầu tư và quản lý nhà vệ sinh công cộng, hiện công ty đang quản lý 44 nhà vệ sinh tại các quận huyện trong thành phố. Tại các nhà vệ sinh đều có nhân viên dọn dẹp và vệ sinh hằng ngày để đảm bảo tốt công tác phục vụ.
Công ty cũng thường xuyên lập đoàn kiểm tra, giám sát hoạt động của từng nhà vệ sinh công cộng, lập biên bản xử lý kịp thời các nhà vệ sinh không tuân thủ nội quy. Dự kiến trong năm 2023, công ty sẽ lập ra các đề án và kế hoạch xây dựng thêm nhà vệ sinh công cộng tại các các quận, huyện.
Khu vực vệ sinh ở nhà ga luôn là điều tôi bận tâm mỗi lần đi tàu hỏa. Thật chạnh lòng khi một số nhà ga mở thêm các cửa hàng buôn bán mà quên chăm chút khu vệ sinh dành cho người đi tàu.
Xem thêm: mth.74913011131203202-gnoc-gnoc-hnis-ev-ahn-meht-nac-mch-pt-hcahk-ud-iov-tam-tam-gnohk-ed/nv.ertiout