Đây là kết quả Khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm tài chính 2022, do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) công bố tại Việt Nam chiều 13/2. So với năm 2021, kết quả này tăng 4,7 điểm phần trăm.
"Năm 2021, Việt Nam cũng dẫn đầu ASEAN ở kết quả trên, chứng tỏ doanh nghiệp Nhật Bản rất coi trọng thị trường Việt Nam", ông Matsumoto Nobuyuki, Trưởng đại diện Jetro tại TPHCM, nhận định.
Tính trên tất cả thị trường châu Á - Thái Bình Dương mà Jetro khảo sát, tỷ lệ doanh nghiệp Nhật dự định mở rộng kinh doanh tại Việt Nam chỉ đứng sau Ấn Độ và Bangladesh. Khảo sát được tiến hành từ 22/8 - 21/9/2022.
Có 54,4% doanh nghiệp Nhật thuộc ngành chế tạo muốn mở rộng hoạt động tại Việt Nam, tăng 2,7 điểm phần trăm so với 2021. Trong khi, ngành phi chế tạo là 65,9%, tăng 7,2 điểm phần trăm. Đặc biệt, ngành phi chế tạo quy mô vừa và nhỏ có mong muốn mở rộng tăng mạnh.
Theo Jetro, điểm nổi bật là doanh nghiệp muốn mở rộng chức năng bán hàng khá nhiều, 57,8%, so với 49,1% của năm 2021. Trong khi, tỷ lệ dự định mở rộng chức năng sản xuất ở Việt Nam thấp hơn Thái Lan và Indonesia.
Cũng theo kết quả khảo sát, doanh nghiệp Nhật đánh giá tính hấp dẫn của môi trường kinh doanh Việt Nam là thị trường phát triển và tiềm năng trong tương lai. Tuy nhiên, các rủi ro chính khiến họ e dè là tính hiệu quả trong các thủ tục hành chính; hệ thống thuế, thủ tục thuế; thực trạng hoàn thiện hệ thống pháp luật; thủ tục visa, cấp phép lao động.
"Các doanh nghiệp Nhật rất quan ngại về việc mất nhiều thời gian và chi phí trong thủ tục mở rộng đầu tư kinh doanh cũng như đầu tư mới. Thủ tục hành chính chưa rõ ràng, minh bạch dẫn đến gia tăng chi phí bên cạnh chi phí nhân công ngày càng tăng", ông Matsumoto Nobuyuki nhận xét.
Trong khu vực, Trưởng đại diện Jetro tại TP HCM cho rằng thời gian tới, Việt Nam sẽ thường xuyên được đưa ra để so sánh với Indonesia về tính hấp dẫn trong môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, quy mô nền kinh tế và dân số Indonesia lớn hơn.
"Việt Nam cũng có những rủi ro tương tự với Indonesia hay Thái Lan như lương nhân viên và chi phí tăng cao. Trong tương lai, vấn đề cạnh tranh đơn thuần đặt ra cho Việt Nam không chỉ là chi phí nhân công mà là tăng năng suất lao động", ông Matsumoto Nobuyuki, nói.
Việt Nam cũng chưa tận dụng được thời cơ chuyển dịch chuỗi cung ứng từ Trung Quốc diễn ra thời gian qua. Đơn cử, tỷ lệ thu mua đầu vào tại chỗ ở Việt Nam là 37,3%. Trong đó, thu mua từ riêng doanh nghiệp Việt Nam chỉ là 15%, còn rất thấp so với Thái Lan (23%), Ấn Độ (36%).
"Tốc độ cơ cấu chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu rất tốt nhưng Việt Nam chưa tận dụng được vì chưa cung cấp được nguyên liệu, linh kiện chất lượng làm hài lòng doanh nghiệp Nhật. Bao giờ cung cấp được chất lượng cao và ổn định mới tận dụng được cơ hội này", ông Matsumoto Nobuyuki, đánh giá.
Dự kiến lợi nhuận kinh doanh tại Việt Nam năm 2022 so với 2021, có 47,6% doanh nghiệp Nhật cho là có cải thiện, tăng 16,2 điểm phần trăm. Về triển vọng 2023, 53,6% nói sẽ có cải thiện, so với bình quận ASEAN - đây là "tỷ lệ cao cho thấy triển vọng trong tương lai", theo Jetro.
Tuy nhiên, cuộc khảo sát này tiến hành vào quý III/2022, trước thời điểm xuất khẩu giảm tốc mạnh và tình hình kinh tế có thêm các yếu tố bất lợi. Do vậy, ngoài kết quả báo cáo chính thức, Jetro tại TP HCM cũng ghi nhận một số doanh nghiệp chịu thêm ảnh hưởng bởi xuất khẩu giảm và lạm phát.
Dù vậy, khó khăn trước mắt chưa ảnh hưởng lớn đến mức độ quan tâm của doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam. Ông Matsumoto Nobuyuki dự đoán quy mô dòng vốn đầu tư có thể giảm nhưng số dự án vẫn sẽ tiếp tục tăng. Văn phòng Jetro tại TP HCM thuộc top 3 bận rộn nhất trong khoảng 70 văn phòng của tổ chức trên thế giới.
"Hiện số cuộc gọi đến để tìm hiểu đầu tư thì văn phòng tại Bangkok nhiều nhất, tiếp sau đó chính là Jetro tại TP HCM và Hà Nội", ông Matsumoto Nobuyuki nói.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2022, Nhật Bản đứng đứng thứ ba trên 108 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam về đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 4,78 tỷ USD, chiếm gần 17,3% tổng vốn đầu tư, tăng 22,7% so với cùng kỳ 2021.
Viễn Thông