"Vượn là một loài rất thông minh và môi trường sống khác biệt. Chúng tôi thường nói nơi nào có vượn, nơi đó chắc chắn rừng đang được bảo vệ tốt và ít bị tác động từ con người. Vượn giống như chỉ dấu của một khu rừng còn đang sống", đại diện Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và phát triển (CCD) chia sẻ tại Hà Nội chiều 13-2.
CCD là một trong ba tổ chức vừa nhận được hỗ trợ tài chính đầu tiên từ Quỹ bảo tồn loài thuộc Dự án quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tài trợ.
Hai tổ chức còn lại cũng nhận tài trợ đợt này gồm Trung tâm Con người và thiên nhiên (Panature) và Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet).
Mỗi tổ chức sẽ được nhận số tiền khoảng 50.000 USD cho các dự án kéo dài khoảng một năm.
Dự án của CCD sẽ tập trung vào việc khảo sát toàn bộ Vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh) để đánh giá số lượng vượn má trắng còn trong khu vực. Từ đó sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu, hỗ trợ việc giám sát và bảo tồn loài động vật cực kỳ nguy cấp này.
Tương tự, dự án của GreenViet cũng sẽ điều tra tổng thể quần thể và phân bố của loài chà vá chân xám ở Vườn quốc gia Sông Thanh (tỉnh Quảng Nam) để hỗ trợ việc quản lý và bảo vệ loài.
PanNature thì tập trung vào đánh giá hiện trạng và bảo tồn cá chạch suối cực kỳ nguy cấp ở Vườn quốc gia Bạch Mã và rừng phòng hộ Bắc Hải Vân (tỉnh Thừa Thiên Huế).
Đừng chỉ bảo vệ cá lớn
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online về việc vì sao chọn cá chạch suối, đại diện PanNature cho biết đây là loài cá chưa tìm thấy ở bất kỳ đâu trên thế giới nhưng hiện vẫn chưa rõ tình trạng ra sao. Điều tra gần đây nhất là vào năm 2011 cho thấy loài này đang ở tình trạng nguy cấp.
PanNature cũng mong muốn truyền tải đi thông điệp rằng mọi động vật đều quan trọng và đều cần được bảo tồn, không chỉ nên tập trung vào những loài cá lớn mà còn cả những loài cá bé đặc hữu.
"Bảo vệ được loài cá suối này không chỉ giúp Việt Nam có thêm một loài đặc hữu mà còn giúp cải thiện cả môi trường xung quanh, đem lại lợi ích lớn hơn cho cộng đồng", đại diện PanNature chia sẻ.
Cá sấu xiêm, rùa trong ưu tiên bảo tồn
Quỹ bảo tồn loài được ra mắt đúng vào Ngày Môi trường thế giới tháng 6-2022 với ngân sách ban đầu là 1,4 triệu USD. Các tổ chức đáp ứng tiêu chí sẽ nhận được khoản hỗ trợ lên tới 50.000 USD cho các dự án kéo dài từ 1 - 1,5 năm.
Trong đợt phát động đầu tiên, có 19 tổ chức đăng ký với 24 dự án nhưng chỉ có ba tổ chức nói trên được chọn vì phù hợp các tiêu chí và 28 loài ưu tiên của quỹ.
‘Cần xã hội hóa, nhượng quyền… để có nguồn tài chính cho các khu bảo tồn biển. Đây là yếu tố quyết định đến hiệu quả hoạt động của các khu bảo tồn’.