Tính đến tối 13-2 (theo giờ Việt Nam), số người chết trong trận động đất thảm khốc sáng 6-2 đã lên hơn 36.200 người (hơn 31.600 người ở Thổ Nhĩ Kỳ, gần 4.600 người ở Syria), đài CNN dẫn số liệu từ cơ quan chức năng hai nước. Suốt tuần qua, khu vực xảy ra động đất đã liên tục chứng kiến khoảng 2.000 dư chấn.
Thổ Nhĩ Kỳ nỗ lực đẩy nhanh cứu hộ, cứu trợ
Ngày 13-2, một phụ nữ được cứu sau 177 giờ bị mắc kẹt ở tỉnh Hatay (Thổ Nhĩ Kỳ). 5 tiếng trước đó, lực lượng cứu hộ cũng cứu được một phụ nữ ở tỉnh Gaziantep (Thổ Nhĩ Kỳ). Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng khả năng xảy ra các phép màu như thế này rất hiếm.
Anh Saadet Sendag (ngoài cùng bên trái) vui mừng khi mẹ mình được cứu sau 177 giờ bị chôn dưới đống đổ nát ở tỉnh Hatay (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 13-2. Ảnh: REUTERS |
Trong nỗi đau mất người thân, nhiều người đổ lỗi do chính phủ phản ứng chậm. Từ tuần trước, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã khẳng định rằng các nỗ lực khắc phục thảm họa được thực hiện ở tất cả 10 tỉnh bị ảnh hưởng. Ông thẳng thừng lên án các cáo buộc không có sự giúp đỡ từ các tổ chức nhà nước như quân đội là “dối trá, vu khống, giả tạo”.
Tuy nhiên, ông Erdogan cũng thừa nhận thiếu sót. Các quan chức thừa nhận nỗ lực cứu hộ ở tỉnh Hatay ban đầu rất phức tạp do đường băng của sân bay địa phương bị phá hủy và điều kiện đường sá xấu. Ngày 12-2, Thổ Nhĩ Kỳ đã khôi phục hoạt động sân bay Hatay, hỗ trợ phân phối hàng viện trợ đến các nạn nhân trận động đất ở Hatay và các tỉnh lân cận.
Nhiều người đổ lỗi cho chất lượng công trình. Thổ Nhĩ Kỳ đã có luật bắt buộc nhà cửa xây mới phải kháng được động đất nhưng theo các chuyên gia thì luật không được thực hiện nghiêm. Thổ Nhĩ Kỳ đang điều tra ít nhất 134 người được cho liên quan việc xây dựng các tòa nhà bị sập. Tổng cộng hơn 12.000 tòa nhà bị phá hủy hoặc hư hại nghiêm trọng ở Thổ Nhĩ Kỳ.
CNN ghi nhận có dấu hiệu cho thấy căng thẳng có thể sôi sục hơn. Ông Steven Berger - Giám đốc điều hành nhóm viện trợ I.S.A.R. (Đức) cũng đánh giá “có thể thấy sự đau buồn đang dần nhường chỗ cho sự tức giận” ở các khu vực bị ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ. Rủi ro an ninh là một yếu tố cản trở tiến độ cứu nạn, cứu hộ.
Nhóm cứu hộ của Áo tạm thời gián đoạn công việc ở Hatay vì lo ngại an toàn, song đã tiếp tục sau khi Thổ Nhĩ Kỳ triển khai binh sĩ bảo vệ. Đội cứu hộ của Đức kết thúc hoạt động và về nước. Nhóm tìm kiếm và cứu nạn United Hatzalah của Israel rời Thổ Nhĩ Kỳ sau sáu ngày hoạt động, sau khi nhận thông tin tình báo về “mối đe dọa an ninh nghiêm trọng” nhắm vào nhóm này. Nhóm hỗ trợ thứ hai của Israel là IsraAid tiếp tục hoạt động ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Nóng ruột viện trợ cho Syria
Tại Syria, các hoạt động cứu hộ đã kết thúc tại các khu vực do phiến quân kiểm soát. Việc vận chuyển hàng tiếp tế khẩn cấp tới các khu vực bị động đất rất phức tạp do nội chiến kéo dài giữa các lực lượng đối lập và chính phủ Syria.
“Các cuộc khủng hoảng hỗn hợp của xung đột, COVID-19, dịch tả, suy giảm kinh tế và giờ là trận động đất đã gây ra những thiệt hại không thể chịu nổi” - Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nói, một ngày sau khi đến thăm Aleppo.
Bộ GTVT Syria cho biết 62 máy bay viện trợ đã hạ cánh ở Syria trong tuần này, nhiều máy bay đang trên đường đến từ Saudi Arabia. Jordan đã nối lại các chuyến bay chở 480 lều tới Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong ngày 12-2, 10 xe tải viện trợ của Liên Hợp Quốc (LHQ) vào Tây Bắc Syria qua cửa khẩu Bab al-Hawa giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày trước đó, 22 xe tải của LHQ chở hàng tiếp tế khẩn cấp cũng đi qua cửa khẩu này. Bab al-Hawa là cửa khẩu duy nhất mà viện trợ quốc tế đến được với người dân ở các khu vực do phiến quân kiểm soát ở Syria sau gần 12 năm nội chiến. Các cửa khẩu khác đang bị đóng.
Ngày 12-2, Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ phê chuẩn mở thêm các cửa khẩu biên giới để chuyển hàng viện trợ. Phó Tổng thư ký LHQ về các vấn đề nhân đạo và điều phối viên cứu trợ khẩn cấp - ông Martin Griffiths nhấn mạnh sự cần thiết phải “mở thêm các điểm tiếp cận” để nhận viện trợ nhanh hơn.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã gặp Tổng thống Bashar Assad trong ngày 12-2 và cho biết nhà lãnh đạo Syria sẵn sàng mở thêm các cửa khẩu biên giới để giúp đưa viện trợ vào khu vực phe nổi dậy kiểm soát, theo hãng tin AFP. Ông Assad mong muốn “hợp tác hiệu quả” hơn nữa với cơ quan của LHQ để cải thiện tình trạng thiếu nguồn cung cấp, thiết bị và thuốc men.
Hiện Damascus đã cho phép các đoàn xe viện trợ đi qua các khu vực của chính phủ, song WHO vẫn phải chờ đèn xanh từ các khu vực do phe nổi dậy kiểm soát trước khi đi vào, theo ông Tedros.•
Giai đoạn phục hồi nhân đạo sau động đất sẽ kéo dài hàng tháng
Trao đổi với CNN, ông Jamie LeSueur, Giám đốc toàn cầu các hoạt động khẩn cấp tại Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, nhận định quá trình phục hồi ở Thổ Nhĩ Kỳ sau trận động đất kinh hoàng hiện đã bước vào “giai đoạn nhân đạo” và có thể kéo dài tới hàng tháng.
Ông cho biết trong quá trình hoạt động tại Thổ Nhĩ Kỳ, nhóm của ông nhận thấy nhu cầu lớn nhất đối với người bị ảnh hưởng là thực phẩm, nước, chăm sóc y tế. Ông LeSueur cho biết đang phối hợp với Trăng lưỡi liềm đỏ Thổ Nhĩ Kỳ chuẩn bị cho mọi tình huống, trong đó có nhu cầu vệ sinh, nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Ông thừa nhận Hội Chữ thập đỏ có thể giải quyết các nhu cầu ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ nhưng sẽ khó hỗ trợ các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề ở Tây Bắc Syria.