vĐồng tin tức tài chính 365

Gia Lai: Mở rộng diện tích, phát triển bền vững cây chanh leo

2023-02-14 07:02

Tây Nguyên hiện là địa bàn trồng chanh dây lớn nhất cả nước với tổng diện tích gần 10.000ha; trong đó, Gia Lai hiện có khoảng 4.500ha trồng cây chanh dây, chiếm diện tích lớn nhất cả nước. Với năng suất bình quân 40 tấn/ha, cây chanh dây cho thu nhập bình quân từ 250-300 triệu đồng/năm.

Dự kiến đến năm 2025, tỉnh Gia Lai sẽ đưa diện tích chanh dây toàn tỉnh lên 20.000ha.(Tỉnh Gia Lai hiện có khoảng 21.500ha cây ăn quả, riêng chanh dây có khoảng 4.500ha).

Không phải ngẫu nhiên mà Gia Lai đặt ra mục tiêu như trên cho cây chanh dây. Với Việt Nam, chanh dây là một loại cây trồng tương đối mới, nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mặc dù “sinh sau đẻ muộn” so với nhiều loại cây trồng khác trên địa bàn, nhưng xuất khẩu chanh dây của Việt Nam đang nằm ở tốp đầu thế giới.

Kinh tế - Gia Lai: Mở rộng diện tích, phát triển bền vững cây chanh leo

 Những năm gần đây, cây chanh dây đã dần khẳng định được vị thế của mình đối với nông dân Gia Lai. Ảnh: Đăng Lâm/ báo Nông nghiệp Việt Nam

Riêng với Gia Lai, thiên nhiên đã biệt đãi cho vùng đất này có điều kiện khí hậu ôn hòa, đất đai rộng lớn và màu mỡ, phù hợp với việc phát triển những cánh đồng chanh dây lớn. Theo đó những năm gần đây, cây chanh dây đã dần khẳng định được vị thế của mình đối với nông dân trên địa bàn tỉnh. Không ít hộ dân đã phất lên nhờ trồng chanh leo.

Thực hiện chuyển đổi 2ha cây trồng hoa màu kém hiệu quả sang trồng chanh dây, gia đình ông Trần Văn Hương (xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang) đã bước đầu thu được “trái ngọt”.

Theo ông Hương, giá trị kinh tế cây chanh dây mang lại rất cao so với các cây trồng truyền thống trong vùng. Bên cạnh đó, việc được hướng dẫn kỹ thuật canh tác, cung ứng giống chất lượng nên người dân rất an tâm sống cùng cây chanh dây.

“Trước đây chỉ trồng hoa màu ngắn ngày, hiệu quả kinh tế rất thấp. Nhưng từ khi chuyển sang trồng chanh dây là hướng đi mới bà con mạnh dạn chuyển đổi để đạt hiệu quả cao. Cách đây 2 năm gia đình tôi trồng hơn 2ha, thu nhập cao, 1ha trừ chi phí thu được từ 200-300 triệu đồng. Tới đây tàn lứa chanh này tôi sẽ trồng tiếp 1-2ha nữa,” ông Hương cho biết.

Cùng nỗ lực phát triển kinh tế với những cây ăn quả giá trị cao như bơ, mít, nhưng do chất đất, điều kiện thổ nhưỡng không ưu ái nên cây bơ, mít không mang lại được cho gia đình ông Nguyễn Văn Thắng (xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang) nguồn thu nhập ổn định.

Vì thế, gia đình ông Thắng quyết định chuyển đổi sang trồng chanh dây. Dù những ngày đầu làm quen với cây chanh dây còn gặp nhiều khó khăn, nhưng về mặt giá trị kinh tế mang lại thì cây chanh dây đã khẳng định được vị thế.

Ông Nguyễn Văn Thắng chia sẻ: Trước đây ông trồng bơ, bưởi và mít nhưng đất không phù hợp nên hiệu quả kinh tế không cao, vì thế ông đã chuyển sang trồng chanh dây. So với cây trồng bưởi, mít, bơ thì cây chanh dây mang lại lợi nhuận cao hơn nhiều, thị trường và giá cả ổn định hơn.

Có thể thấy, chỉ sau một thời gian ngắn có mặt, cây chanh dây đã khẳng định được vị thế của mình trên bản đồ nông nghiệp của tỉnh Gia Lai bằng chính hiệu quả mà nó đem lại. Đặc biệt, từ việc sản phẩm chanh dây được xuất khẩu chính ngạch vào EU, Trung Quốc đã mở ra cơ hội cho loại cây trồng này trở thành “cây trồng triệu đô.”

Được biết, tỉnh Gia Lai đã chủ trương áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP trong tổ chức sản xuất nông nghiệp với diện tích hiện tại khoảng 9.000ha, tập trung vào 2 loại cây chủ lực là chanh dây và chuối. Với cây chanh dây, hiện Gia Lai đã có 51 mã số vùng trồng, 21 cơ sở đóng gói. Cùng đó là những sự đầu tư xây dựng nhà máy, dây chuyền sản xuất đặc thù cho cây chanh dây càng mở ra cơ hội lớn cho cây chanh dây xây dựng vị thế.

“Để cây chanh leo phát triển và đem lại giá trị kinh tế bền vững, trước tiên cần chú ý đến một số vấn đề như mã số vùng trồng, tiêu chuẩn cơ sở; phải tổ chức trồng rải vụ quanh năm để liên tục có sản phẩm phục vụ cho nhà máy chế biến”, ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai,cho biết.

Tỉnh Gia Lai cũng đang nỗ lực cụ thể hóa mục tiêu 20.000ha chanh dây vào năm 2025, ngoài việc khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng giống, thu mua, chế biến sản phẩm, tỉnh Gia Lai còn có nhiều giải pháp đồng bộ như ưu tiên quỹ đất; xây dựng quy trình canh tác hữu cơ, tưới tiết kiệm đến thu hoạch khoa học, bảo quản an toàn... cho cây ăn quả một cách bền vững; trong đó có sản phẩm chanh dây.

Ông Lưu Trung Nghĩa cho biết, để đưa cây chanh dây trở thành "cây trồng triệu đô", trong thời gian tới tỉnh Gia Lai sẽ nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với nhau để tạo vùng nguyên liệu, xây dựng những vùng trồng. Từ đó, các doanh nghiệp, người dân của Gia Lai sản xuất trái chanh dây có trách nhiệm và chất lượng để phục vụ cho việc xuất khẩu. Ngành nông nghiệp cùng với các doanh nghiệp sản xuất các khu giống để phát triển cây chanh dây bền vững.

“Để cây chanh leo phát triển bền vững, có đầu ra ổn định, nhất thiết cần phải chú trọng khâu tổ chức kết nối giữa doanh nghiệp - hợp tác xã với bà con nông dân, từ khâu giống, phân bón, thu mua, chế biến và xuất khẩu”, ông Lưu Trung Nghĩa nhấn mạnh.

Trong những năm gần đây, nhận thức rõ lợi ích của việc sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm trái cây; trong đó có chanh dây, nhiều doanh nghiệp và người dân trong tỉnh đã ưu tiên đầu tư phát triển, ứng dụng công nghệ trong sơ chế, chế biến, bảo quản sau thu hoạch.

Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 25 cơ sở, có công suất thiết kế đảm bảo sơ chế, chế biến, bảo quản từ 150.000-160.000 tấn nguyên liệu trái cây/năm.

Riêng Nhà máy chế biến rau quả của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao - Chi nhánh Gia Lai (Doveco Gia Lai) chế biến sâu sản phẩm chanh dây với công nghệ, thiết bị hiện đại, công suất 52.000 tấn sản phẩm/năm.

Mạng lưới kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm chanh dây của Gia Lai khá đa dạng và phong phú; ngoài tiêu thụ tại các chợ đầu mối và Trung tâm Thương mại Pleiku, sản phẩm chanh dây được thương lái thu mua, cung cấp cho các thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, thông qua doanh nghiệp đã xuất khẩu chanh dây sang các thị trường, điển hình như EU.

Ông Đinh Gia Nghĩa, Giám đốc Doveco Gia Lai cho biết, Doveco Gia Lai rất chú trọng đến việc phát triển vùng nguyên liệu thông qua các hình thức liên doanh, liên kết, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các hợp tác xã, người dân. Đến nay, Doveco Gia Lai đã liên kết với người dân, hợp tác xã trồng hơn 6.000ha chanh dây để đáp ứng đủ sản lượng chanh dây cho nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, Báo Nông nghiệp Việt Nam)

Xem thêm: lmth.693395a-oel-hnahc-yac-gnuv-neb-neirt-tahp-hcit-neid-gnor-om-ial-aig/nv.nitaudiougn.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Gia Lai: Mở rộng diện tích, phát triển bền vững cây chanh leo”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools