Các số liệu từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho thấy, số khoản vay mới tại nước này trong tháng đầu năm đã tăng lên mức cao kỷ lục.
Theo PBOC, các khoản vay mới tại Trung Quốc trong tháng 1 đạt mức 4.900 tỷ NDT (tương đương hơn 720 tỷ USD), cao gấp 3 lần so với tháng 12 năm ngoái. Sự gia tăng mạnh mẽ này diễn ra trong bối cảnh PBOC đang nỗ lực phục hồi nền kinh tế bằng việc đảm bảo thanh khoản dồi dào và giảm chi phí cho vay đối với các doanh nghiệp.
Các nhà phân tích dự đoán PBOC có thể sẽ cắt giảm lãi suất cho vay chuẩn trong quý I/2023, để hỗ trợ hơn nữa các ngành đang gặp nhiều khó khăn.
Ông Zeng Gang, Phó giám đốc Cơ quan Tài chính và Phát triển Quốc gia Trung Quốc, nói: "Trung Quốc đã ghi nhận sự phục hồi đáng kể của hoạt động tiêu dùng và đầu tư doanh nghiệp trong tháng đầu năm. Sự phục hồi của phía cầu đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng nguồn cung tín dụng. Các ngân hàng cũng có xu hướng cấp nhiều khoản vay hơn vào đầu năm để thu hút khách hàng. Các yếu tố của cả cung và cầu đã thúc đẩy hoạt động cho vay, và là khởi đầu tốt để đạt được mức tăng trưởng ổn định trong cả năm".
Đáng chú ý, tỷ lệ các khoản vay trung và dài hạn được giải ngân trong tháng 1 đã tăng lên đáng kể, cho thấy sự cải thiện niềm tin của các doanh nghiệp. Các chuyên gia coi đây là tín hiệu tích cực đối với tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Ông Zeng Gang cho biết thêm: "Tăng trưởng dư nợ trung dài hạn chiếm tỷ trọng khá cao trong tăng trưởng tín dụng tháng 1 bởi chỉ khi doanh nghiệp cảm thấy tự tin vào tương lai, họ mới thực hiện các khoản vay trung dài hạn để đầu tư mở rộng sản xuất. Có thể kỳ vọng rằng, các khoản vay mới sẽ sớm được các doanh nghiệp chuyển thành chi tiêu đầu tư thực tế, từ đó thúc đẩy nhu cầu trong nước và tăng trưởng kinh tế".
Các chuyên gia nhận định, điều kiện tín dụng cải thiện, cùng với chi tiêu cơ sở hạ tầng mạnh mẽ và các biện pháp hỗ trợ có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc lên khoảng 5% trong năm nay, ngay cả trong bối cảnh môi trường toàn cầu xấu đi.
Tuy nhiên, bên cạnh việc đảm bảo nguồn cung tín dụng để hỗ trợ phục hồi kinh tế, giới chức Trung Quốc cũng chú trọng tới việc phòng ngừa rủi ro. Cơ quan quản lý mới đây đã tiến hành thắt chặt các yêu cầu phân loại rủi ro tài sản của ngành ngân hàng nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống tài chính. Quy định mới sẽ bắt đầu được áp dụng từ ngày 1/7 và thời hạn chót để các ngân hàng hoàn thành việc phân loại là năm 2025.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.91150532231203202-couq-gnurt-iat-em-hnam-ioh-cuhp-gnud-nit-uac-uhn/et-hnik/nv.vtv