Từng có nhiều cơ chế, chính sách áp dụng thí điểm tại TP.HCM thành quy định chung cả nước.
Nghị quyết 31 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030 tầm nhìn năm 2045 nêu rõ quan điểm là tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế, chính sách, điều kiện thuận lợi để tạo bước chuyển có tính đột phá… khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, vị trí chiến lược, thúc đẩy TP.HCM phát triển nhanh, bền vững.
* Theo ông, hiện tại TP.HCM cần có những thể chế, chính sách gì để phát triển đột phá và khai thác đúng tiềm năng của thành phố?
- Có hai khái niệm ở đây là khái niệm thể chế và khái niệm chính sách. Thể chế là tổng thể các thiết chế (Đảng, HĐND, UBND, Mặt trận Tổ quốc VN, đoàn thể, tòa án…) và các quy trình vận hành nền quản trị công của thành phố. Chúng ta có thể chế ban hành quyết định (hay còn gọi là thể chế chính trị), thể chế thực thi các quyết định (hay còn gọi là thể chế hành chính - công vụ) và thể chế giải quyết tranh chấp, bảo đảm công lý (hay còn gọi là thể chế tư pháp). Để phát triển đột phá, các thiết chế phải được nâng cao năng lực và các quy trình phải được cải tiến.
Chính sách là hệ thống các ý tưởng dẫn dắt các quyết định để đạt được một mục tiêu nào đó. Các chính sách cơ bản để đạt được sự phát triển đột phá cho TP.HCM đã được nghị quyết 31 của Bộ Chính trị đề ra: 1. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho TP.HCM; 2. Thí điểm chính sách mang tính đột phá để huy động nguồn lực tài chính cho đầu tư phát triển; 3. Cho thử nghiệm có kiểm soát đối với công nghệ Fintech; 4. Thúc đẩy xã hội hóa để thu hút đầu tư; 5. Cho cơ chế cần thiết để xử lý các dự án đầu tư, những công trình tồn đọng nhiều năm do vướng mắc về cơ chế, thủ tục; 6. Sơ kết mô hình chính quyền đô thị để tiếp tục hoàn thiện tổ chức, bộ máy của TP.
Như vậy, theo nghị quyết 31, TP.HCM sẽ phải đi đầu thí điểm rất nhiều cơ chế, chính sách mới. Chính vì thế, một quy chế thí điểm cho TP.HCM là hết sức cần thiết.
Ngoài ra, các thí điểm thành công của TP.HCM sẽ là chứng cứ thuyết phục nhất và cũng là nền tảng đáng tin cậy nhất để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật cho cả nước. Đây cũng sẽ là một đóng góp rất có ý nghĩa của TP.HCM. Trong một bài viết của mình, tôi đã gọi đây là việc TP.HCM đảm nhận vai trò "phòng thử nghiệm thể chế" của đất nước.
* TP.HCM đang thực hiện nghị quyết 54 về thí điểm các cơ chế đặc thù. Tuy nhiên, kết quả của việc áp dụng nghị quyết 54 trên chưa được như mong đợi. Theo ông, nguyên nhân do đâu?
- Một loạt nguyên nhân đã được chỉ ra trong nghị quyết 31 của Bộ Chính trị như "tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, ý thức trách nhiệm của một số cấp ủy, chính quyền… chưa cao. Một số ban, bộ, ngành trung ương chưa thật sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời". Tôi cho rằng các cơ chế đặc thù cho TP.HCM trong nghị quyết 54 của Quốc hội chỉ mới ở mức rất vừa phải, chưa có gì vượt trội và cũng chưa có gì đột phá.
Thứ nhất, các cơ chế, chính sách đặc thù chỉ được quy định cho 4-5 lĩnh vực, trong lúc đó quản lý thành phố có thể có đến cả trăm lĩnh vực.
Thứ hai, trong mỗi lĩnh vực thì phạm vi cơ chế đặc thù cũng rất nhỏ hẹp. Ví dụ trong quản lý đất đai thì cơ chế duy nhất là HĐND TP được quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10ha trở lên.
Thứ ba, cơ chế có thể được nới lỏng trong một lĩnh vực nhưng vẫn bị bó chặt trong các lĩnh vực khác có liên quan. Ví dụ HĐND TP được chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10ha trở lên nhưng vẫn phải phù hợp với quy hoạch. Không điều chỉnh được quy hoạch, khó lòng chuyển đổi được mục đích sử dụng. Trong lúc đó, cơ chế đặc thù cho quản lý quy hoạch TP.HCM lại không có.
* Việc thiết kế thể chế, chính sách để TP.HCM phát triển nên ở dạng nào, áp dụng và vận hành ra sao?
- Như đã nói ở trên, thiết kế thể chế, chính sách đột phá cho TP.HCM nên theo mô hình của một quy chế thí điểm. Và tôi cho rằng đây cũng là cách thiết thực nhất để thể chế hóa kết luận 14 của Bộ Chính trị về việc bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm.
Quốc hội nên ban hành nghị quyết về quy chế thí điểm (hay quy chế Sandbox) cho TP.HCM. Quy chế không nhất thiết phải quy định cụ thể về việc phải thí điểm cái gì và thí điểm như thế nào, mà chỉ quy định về thủ tục và khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thí điểm.
Ví dụ, muốn tiến hành thí điểm thì phải khích hoạt điều khoản thí điểm. Thủ tục kích hoạt có thể theo như trong quy định của kết luận 14 của Bộ Chính trị. Khi điều khoản thí điểm được kích hoạt thì toàn bộ hoạt động thí điểm được coi như ở trong một Sandbox (độc lập với môi trường thể chế ở bên ngoài). Việc thí điểm cơ chế, chính sách gì nên dành quyền cho TP.HCM tự quyết định dựa trên nhu cầu thực tế của thành phố.
Quy chế thí điểm cũng cần quy định về việc tổng kết, đánh giá kết quả của việc thí điểm và khả năng áp dụng cho cả nước.
Khu công nghệ cao TP.HCM, TP. Thủ Đức
* Trước đây, TP.HCM từng áp dụng thí điểm nhiều cơ chế chính sách tiến bộ, sau đó đã trở thành quy định chung cho cả nước. Trong tình hình hiện nay, có nên để TP tiếp tục được thí điểm những cơ chế chính sách mới để khai thác tiềm lực?
- Chắc chắn là nên. Trong thực tế, đổi mới và cải cách thể chế hết sức khó khăn. Nhiều cải cách làm phát sinh vô tận các chi phí nhưng mục đích đề ra vẫn không đạt được. Thí điểm trước là cách làm hợp lý hơn và cũng có trách nhiệm hơn. Cũng chính vì điều này mà nghị quyết 31 của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh về việc cho phép TP thí điểm các chính sách đột phá.
* Để được thí điểm, đi trước thì bản thân TP.HCM phải có những điều kiện cần và đủ gì?
Điều kiện cần là bản lĩnh và sự cam kết của lãnh đạo thành phố cũng như sự ủng hộ của trung ương. Điều kiện đủ là sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của đội ngũ cán bộ, công chức và nhân dân TPHCM.
Xem thêm: mth.6585245101203202-ehc-eht-meihgn-uht-gnohp-al-mch-pt-ed-nen/nv.ertiout