Từ năm ngoái, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã rục rịch tìm kiếm nhà đầu tư mới tham gia tái cơ cấu Pacific Airlines. Sau khi nhận toàn bộ cổ phần từ Qantas tặng lại, Vietnam Airlines đang sở hữu khoảng 98% cổ phần của hãng hàng không này.
Bên cạnh Pacific Airlines, Vietnam Airlines mới đây cũng thông tin muốn bán vốn tại Công ty TNHH MTV Nhiên liệu hàng không Việt Nam (Skypec) - đơn vị cung cấp nhiên liệu bay chính tại thị trường trong nước cùng Petrolimex Aviation. Những thương vụ này có thể giúp hãng hàng không quốc gia giảm bớt một phần khó khăn, cải thiện hoạt động kinh doanh, dòng tiền, từng bước xoá lỗ luỹ kế và tạo nguồn vốn đầu tư phát triển cho công ty mẹ.
Đến hết năm 2022, Vietnam Airlines lỗ luỹ kế gần 34.200 tỷ đồng. Cổ phiếu HVN của hãng đang tiến gần nguy cơ bị huỷ niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM vì âm vốn chủ sở hữu, lỗ ba năm liền.
Sau sự cố của các lãnh đạo cấp cao Tập đoàn FLC, Bamboo Airways cũng muốn tìm thêm nhà đầu tư mới, nhà đầu tư chiến lược để phục vụ các kế hoạch phát triển tham vọng của hãng từ giữa năm ngoái. Đến tháng 10, Bamboo Airways được cho là có sự tham gia của một tập đoàn bất động sản lớn phía Nam. Theo nguồn tin của VnExpress, thương vụ này chưa thành hiện thực và Bamboo Airways đến nay vẫn tiếp tục tìm kiếm thêm nguồn lực từ các nhà đầu tư.
Tương tự, Vietravel Airlines cũng đang mong muốn có thêm sự tham gia đồng hành của các nhà đầu tư. Gần đây, hãng đã trình xin Chính phủ cho tăng vốn đầu tư lên hơn 7.600 tỷ đồng, gấp 6 lần hiện tại, trong đó chủ yếu để tăng quy mô đội tàu bay. Theo kế hoạch đến năm 2030, tổng vốn đầu tư dự án của Vietravel Airlines dự kiến đạt 8.252 tỷ đồng. Trong đó, các chủ sở hữu góp 2.000 tỷ đồng, phần còn lại đến từ nguồn lợi nhuận luỹ kế chưa phân phối và các nhà đầu tư trên thị trường...
Theo Chủ tịch Vietravel Airlines Nguyễn Quốc Kỳ, "hãng cũng may mắn, đang được một số nhà đầu tư quan tâm". Theo ông Kỳ, trong giai đoạn hiện nay, Vietravel Airlines vẫn ưu tiên các nhà đầu tư trong nước và có thể đồng hành lâu dài với doanh nghiệp này.
Hiện tại, mỗi hãng hàng không đều có những lợi thế riêng để hấp dẫn nhà đầu tư. Pacific Airlines thuộc Vietnam Airlines Group và sở hữu các slot bay giờ đẹp tại các sân bay quan trọng như Nội Bài, Tân Sơn Nhất mà các hãng ra đời sau không dễ kiếm được. Trong khi đó, Bamboo Airways lại là hãng hàng không tăng trưởng nhanh nhất khi chỉ sau 4 năm thành lập đã sở hữu đội bay 30 tàu với mạng bay phủ khắp thị trường nội địa và nhiều điểm đến quốc tế. Còn Vietravel Airlines lại gắn liền với hệ sinh thái của Vietravel, có sẵn nguồn khách hàng và các thị trường du lịch.
PGS. TS Nguyễn Hải Quang, Trưởng bộ môn quản trị, Khoa Quản trị kinh doanh (Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TP HCM) nhìn nhận, ba năm qua, đại dịch đã ảnh hưởng nặng nề đến các hãng hàng không và việc họ phải tìm kiếm thêm nhà đầu tư mới là điều tất yếu.
"Kinh doanh vận tải hàng không là một lĩnh vực đòi hỏi vốn và chi phí cố định liên quan đến máy bay rất lớn", ông nói và đánh giá đây là thời điểm tốt để các nhà đầu tư có tiềm lực thực sự tham gia.
Chuyên gia từng làm việc tại Học viện Hàng không này lý giải Việt Nam đang được đánh giá là một trong những thị trường hồi phục nhanh nhất thế giới. Theo dự báo của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) vận tải hàng không toàn cầu sẽ có lãi trở lại vào năm 2023 với tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu vào khoảng 0,4%. Sau đó, ngành hàng không toàn cầu sẽ có triển vọng phát triển như xu hướng trước dịch.
Tuy nhiên, theo ông Quang, dù thị trường phục hồi tốt, các hãng bay Việt Nam vẫn phải đối mặt với một thách thức. Trong đó, đáng chú ý nhất là khả năng hồi phục của thị trường vận tải hàng không quốc tế - điều này phụ thuộc vào việc dỡ bỏ các rào cản hạn chế đi lại do bệnh dịch của các quốc gia. "Chỉ khi thị trường quốc tế trở về như trước dịch thì cung - cầu mới trở lại cân bằng và khi đó kinh doanh vận tải hàng không mới có lãi", ông nói.
Ngoài ra, mức giá nhiên liệu, biến động tỷ giá, tăng trưởng kinh tế toàn cầu, lạm phát... cũng là những yếu tố thách thức cho hiệu quả kinh doanh của các hãng hàng không. Đây cũng là những yếu tố rủi ro cho các nhà đầu tư khi tham gia vào các hãng hàng không ở giai đoạn hiện nay.
Dù vậy, ông Quang vẫn cho rằng các hãng bay sẽ "sáng cửa" tìm thêm được nhà đầu tư mới. "Dài hạn và rủi ro là những đặc điểm của đầu tư. Vì vậy, một nhà đầu tư thực sự họ sẽ nhìn vào triển vọng và những giá trị gia tăng chứ chưa hẳn vì lợi ích trước mắt", ông này nói.
Những năm trước dịch, một số doanh nghiệp nước ngoài cũng tham vọng gia nhập thị trường hàng không Việt Nam thông qua hợp tác với doanh nghiệp trong nước nhưng không thành công như Air Asia. Theo ông Nguyễn Hải Quang, các thương vụ này trước đây chưa thể thực hiện do vướng 2 rào cản về kinh tế và pháp lý, trong đó pháp lý là chủ yếu.
Theo quy định hiện hành, các hãng hàng không có vốn đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện về vốn, tổ chức bộ máy như nhà đầu tư nước ngoài không được chiếm quá 34% vốn điều lệ và thành viên là người nước ngoài không được vượt quá một phần ba tổng thành viên tham gia bộ máy điều hành.
"Có thể quy định này chưa đáp ứng được mong muốn của họ", ông cho hay.
Anh Tú