“Hạ cánh cứng” là một thuật ngữ quen thuộc, đó là khi một cuộc suy thoái toàn diện xảy ra, khiến hàng triệu việc làm bị mất đi. “Hạ cánh mềm” cũng là cụm từ được nhắc lại nhiều trong thời gian gần đây, miêu tả nền kinh tế chậm lại với tốc độ ổn định mà không khiến thị trường lao động khủng hoảng khi lạm phát đi xuống.
Còn giờ đây, một cụm từ khác xuất hiện và được chia sẻ rộng rãi, đó là “rolling recession” (tạm dịch: suy thoái luân phiên). Từ này miêu tả toàn bộ nền kinh tế không suy thoái và thi trường việc làm phần lớn vẫn ổn định. Giáo sư kinh tế Sung Won Sohn của Đại học Loyola Marymouth giải thích rằng đây là khi “các ngành lần lượt trượt dốc, chứ không phải giảm ít hay nhiều cùng 1 lúc.”
“Rolling recession” không thể giải thích cho những gì đang diễn ra với xu hướng khó hiểu của nền kinh tế sau đại dịch, nhưng có thể miêu tả đúng về bất kỳ điều gì mà Mỹ đã trải qua kể từ khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) bắt đầu nâng lãi suất từ 0 vào tháng 3 năm ngoái. Cụm từ này cũng cho thấy khả năng kinh tế Mỹ sẽ “ổn” sau đợt lạm phát tồi tệ nhất kể từ những năm 1970 mà không phải chứng kiến suy thoái.
Lần gần đây nhất kinh tế Mỹ chứng kiến một cuộc suy thoái luân phiên là đầu những năm 1960, khi Fed tăng lãi suất từ 1,75% vào giữa năm 1958 lên 4% vào cuối năm 1959.
Lĩnh vực đầu tiên chịu ảnh hưởng bởi những đợt tăng lãi suất mạnh tay của Fed là bất động sản. Ngành này đặc biệt dễ bị tác động bởi giá nhà đất đã tăng mạnh trong thời kỳ đại dịch, khiến nhiều người Mỹ không thể mua được nhà. Hoạt động xây dựng nhà ở mới đã giảm 4 tháng liên tiếp trong tháng 12 và giảm trong cả năm trước - lần đầu tiên kể từ năm 2009.
Số nhà ở tư nhân mới được xây dựng ở Mỹ.
Tiếp theo đó là sản xuất. Một chỉ số sản xuất của nhà máy được theo dõi sát sao đã giảm liên tiếp 5 tháng cho đến tháng 1. Một trong những nguyên nhân là nhu cầu với hàng hóa xuất khẩu của Mỹ đã hạ nhiệt và người tiêu dùng chuyển từ mua sắm hàng hóa - như xe đạp tập thể dục Peloton hay laptop, sang các dịch vụ như ăn tại nhà hàng và các kỳ nghỉ. 3M Co. - nhà sản xuất mọi thứ từ giấy ghi chú cho đến màn hình cảm ứng, hồi tháng trước cho biết họ có kế hoạch cắt giảm khoảng 2.500 việc làm trong bộ phận sản xuất.
Trong khi đó, các công ty công nghệ làm ăn phát đạt trong thời kỳ đại dịch cũng phải sa thải bớt nhân sự, do doanh số bán hàng và doanh thu quảng cáo trực tuyến sụt giảm. Ngành này đã thông báo cắt giảm hơn 97.000 việc làm vào năm ngoái và đang chuẩn bị vượt qua mức đó vào năm 2023, với 67.000 việc làm bị cắt giảm kể từ ngày 1/1.
Do đó, có thể thấy rằng hoạt động kinh tế đang giảm tốc và lạm phát vẫn ở mức cao nhưng không có cuộc suy thoái trên diện rộng.
Nhờ người tiêu dùng - trụ cột chính của nền kinh tế, nên tình hình không trở nên tồi tệ hơn. Dù năm ngoái, họ chứng kiến giá xăng, trứng và mọi loại hàng hóa tăng cao hơn nhưng không gặp nhiều khó khăn, nhờ khoản tiết kiệm tích lũy được trong thời kỳ đại dịch và lương tăng.
Chênh lệch số lượng việc làm phi nông nghiệp mỗi tháng.
Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ rơi vào tình trạng “suy thoái luân phiên”. Nhà phân tích thị trường tài chính kỳ cựu Ed Yardeni nhớ lại việc cụm từ này được sử dụng vào giữa những năm 1980. Khi đó, đà giảm của giá năng lượng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành dầu mỏ và loại bỏ tín dụng thuế đầu tư khiến thị trường bất động sản thương mại đóng băng. Song, nền kinh tế chậm lại chứ không suy thoái.
Một lần khác là năm 2016, khi đồng USD tăng giá gây thiệt hại cho các nhà xuất khẩu của Mỹ và giá hàng hóa đi xuống làm doanh thu của nông dân, các công ty dầu mỏ sụt giảm. Tuy nhiên, không có cuộc suy thoái nào xảy ra.
Vậy, điều gì đang diễn ra ở nền kinh tế Mỹ? Theo các nhà phân tích của Charles Schwab, Liz Ann Sonders và Kevin Gordon, dựa trên quan điểm của Fed và các nhà đầu tư, kết quả mà họ dự đoán đó là cuộc suy thoái luân phiên. Nếu đúng là như vậy, diễn biến kém khả quan sẽ lan sang lĩnh vực dịch vụ và thị trường việc làm sẽ hạ nhiệt, ngay cả khi thị trường bất động sản và sản xuất ổn định sau đó tăng trưởng trở lại. Kịch bản này sẽ giúp Mỹ tiếp tục tăng trưởng và mở ra cơ hội lạm phát giảm mạnh hơn nữa.
Dấu hiệu của kịch bản này không mấy ổn định. Tháng 1, hoạt động tuyển dụng ở Mỹ bùng nổ, đưa tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp nhất kể từ năm 1969 và khiến các nhà kinh tế ngạc nhiên. Điều này lại dẫn đến một suy đoán khác trên Phố Wall là, kịch bản “không hạ cánh”: Tăng trưởng vẫn mạnh mẽ, lạm phát vẫn tăng và buộc Fed phải mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ hơn và đẩy Mỹ rơi vào suy thoái.
Song, không phải ai cũng tin vào triển vọng ảm đạm đó. Ngày 6/2, chi vài ngày sau khi số liệu việc làm tháng 1 được công bố, nhà kinh tế trưởng Jan Hatzius của Goldman Sachs đã hạ khả năng xảy ra suy thoái trong 12 tháng tời, từ 35% xuống 25%. Trong một lưu ý gửi đến khách hàng, ông chỉ ra rằng tăng trưởng tiền lương chậm lại và lạm phát hạ nhiệt đều là những tin tốt lành với Fed. Trong khi đó, Gordon nhận định, về cơ bản, vấn đề là liệu cuộc suy thoái luân phiên mà Mỹ đang trải qua có tồi tệ hơn hay không.
Tham khảo Bloomberg