Số liệu về trẻ em sử dụng internet đã được đề cập tại buổi chuyên đề “Nâng cao nhận thức và kỹ năng về an toàn thông tin mạng” cho giáo viên các trường THCS và THPT trên địa bàn TP do Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức vào sáng nay, 14-2.
Ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, công nghệ thông tin mang lại nhiều lợi ích cho người sử dụng nhưng cũng có nhiều rủi ro nên cần cẩn trọng khi dùng.
"Về ý kiến phần mềm ChatGPT xấu hay tốt, câu trả lời phụ thuộc vào thái độ của người dùng. Người sử dụng nếu biết điều gì là của mình, điều gì không nên và có thái độ ứng xử hợp lý thì bất kỳ phần mềm hay công cụ hỗ trợ nào đều giúp ích cho người học" - ông Tân nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Đức Trung, chuyên gia phụ trách chương trình ICDL Digital Student chia sẻ tại chuyên đề sáng nay. Ảnh: NQ |
Chia sẻ tại chuyên đề, ông Nguyễn Đức Trung, chuyên gia phụ trách chương trình ICDL Digital Student cho biết, theo nhiều tài liệu nghiên cứu của các tổ chức uy tín trên thế giới, tỷ lệ người dùng internet trên thế giới là 62,5% trong khi đó ở Việt Nam là 73,2%. Trên thế giới số người thường xuyên sử dụng mạng xã hội là 58,4%, trong khi đó Việt Nam là 78,1%.
Năm 2022, 72,1 triệu người Việt Nam dùng internet. Số người dùng internet truy cập bằng điện thoại thông minh là 95,8%. Thời gian sử dụng internet hằng ngày trung bình là 6 giờ 38 phút, trong đó sử dụng mạng xã hội hơn 2 giờ.
Mục đích sử dụng internet là dùng để liên hệ kết nối với bạn bè người thân chiếm 71,4%; tìm kiếm thông tin 69%; theo dõi tin tức và sự kiện 68,4%; xem các đoạn video, chương trình truyền hình, phim ảnh là 59,6%; nghe nhạc 53,5%; giáo dục và học tập 46,4%, kết bạn mới là 43%, chơi game 39,4%.
Ông Trung cho biết thêm, ở Việt Nam, khảo sát của Cục trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho thấy trong quý 3 năm 2022 có 89% trẻ em sử dụng internet, trong đó 87% sử dụng hàng ngày, thời gian 5 đến 7 tiếng/ngày. Tuy nhiên chỉ có 36% trẻ em được giáo dục về an toàn mạng.
Theo ông Trung, internet là nguồn thông tin tri thức và kho tàng giải trí mang lại giá trị cho người sử dụng. Tuy nhiên nếu không có kỹ năng sử dụng nó sẽ đem lại nhiều nguy cơ như bị xâm phạm đời tư cá nhân, bị dụ dỗ, lừa đảo, bị nghiện, thậm chí có khả năng bị xâm hại.
“Vậy đâu là giải pháp để học sinh sử dụng internet an toàn” - ông Nguyễn Văn Nam, Cố vấn cấp cao, ICDL Việt Nam đặt câu hỏi.
Theo ông Nam, thế hệ thầy cô hiện nay chưa từng hoặc rất ít được tiếp xúc với internet khi là sinh viên sư phạm. Trong khi đó, internet phát triển nhanh trong trường học khoảng 5 năm trở lại đây và đã xuất hiện nhiều trào lưu xấu, ảnh hưởng đến học sinh.
Học sinh lứa tuổi nào dễ bị dẫn dụ về những quảng cáo, về những thông tin trên mạng. Một kết quả nghiên cứu, học sinh từ cấp 2 trở lên dễ bị ảnh hưởng. “Chỉ có 36% trẻ em ở độ tuổi 16-17 được đào tạo về sử dụng internet, số lượng còn lại làm sao có kiến thức để sử dụng internet an toàn. Điều này phụ thuộc rất lớn vào nhà trường và gia đình” - ông Nam nói.
Ông Nam cho biết, nhà trường cần tổ chức các hoạt động đào tạo nhằm nâng cao nhận thức của học sinh về an toàn thông tin mạng, qua đó giúp học sinh tránh các rủi ro có thể gặp khi sử dụng mạng.
Bên cạnh đó, trường học cũng nên có những hội thảo dành cho phụ huynh nhằm tăng cường nhận thức về an toàn và bảo mật thông tin, trang bị cho phụ huynh các dấu hiệu nhận biết nguy cơ không an toàn trên mạng cũng như công cụ hỗ trợ để phụ huynh đồng hành cùng con khi sử dụng internet.
Đối với học sinh, cần giáo dục các em về nguyên tắc khi sử dụng internet như không làm quen và trò chuyện với người lạ, không chia sẻ thông tin; hướng dẫn học sinh tối ưu công cụ tìm kiếm, bật chế độ tìm kiếm an toàn, khoá tìm kiếm an toàn.