Ngày 14-2, tại TP Quy Nhơn, báo Tuổi Trẻ đã phối hợp với Bộ NN-PTNMT và UBND tỉnh Bình Định tổ chức hội thảo "Nghề nuôi biển: chuyển đổi từ truyền thống sang công nghiệp".
Quang cảnh buổi hội thảo “Nghề nuôi biển: chuyển đổi từ truyền thống sang công nghiệp” tại Bình Định
Tại hội thảo, các đại biểu đại diện cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp, nhà khoa học, chuyên gia lĩnh vực thủy sản đã chỉ ra những thách thức với nghề nuôi biển tại Việt Nam, trong đó nổi bật là vấn đề chính sách.
Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNMT tỉnh Bình Định, cho biết hiện nghề nuôi biển ở địa phương chủ yếu là nuôi truyền thống, còn nuôi công nghiệp chỉ có 60 ha. Bình Định là vùng biển hở, bị ảnh hưởng trực tiếp của gió bão nhưng chưa phát triển lồng nuôi HDPE có độ bền cao, chống chọi được với sóng to gió lớn. Người nuôi chủ yếu sử dụng thức ăn tươi sống để nuôi cá biển, chưa đảm bảo môi trường, thường bị ô nhiễm vùng nuôi.
Theo ông Trần Công Khôi, Phó vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản), tổng diện tích tiềm năng nuôi biển ở nước ta khoảng 500.000 ha với các đối tượng nuôi biển phong phú gồm các nhóm cá biển, nhóm nhuyễn thể, nhóm giáp xác, nhóm rong tảo biển. Năm 2023, ngành thủy sản đặt mục tiêu diện tích nuôi biển cả nước đạt 85.000ha, với 10 triệu m3 lồng nuôi, sản lượng ước đạt 850.000 tấn.
Theo ông Khôi, hiện có khoảng 7.400 cơ sở nuôi biển với 248.768 lồng/bè, trong đó 6.500 cơ sở gần bờ, còn nuôi xa bờ rất ít. Trong khi đó, các mô hình nuôi biển công nghiệp đòi hỏi vốn lớn nên hiện chỉ có một số ít doanh nghiệp như Australis Việt Nam, Trấn Phú, Marvin, Trường Phát… đầu tư.
Các hộ nuôi tôm hùm trong lồng bè ở TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định
Nói về thực trạng nuôi biển, PGS TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, cho biết 99% cơ sở nuôi biển là quy mô gia đình, do hộ ngư dân là chủ thể, tự phát, manh mún. Công nghệ lạc hậu và thiếu chuỗi liên kết. Hiện chưa có cơ sở nuôi cá biển xa bờ, có dưới 10 doanh nghiệp nuôi biển theo hướng công nghiệp.
Về định hướng chuyển từ nuôi biển thủ công sang công nghiệp, ông Dũng cho biết xu hướng cần di chuyển từ vùng biển kín, ven bờ ra các vùng biển mở, xa bờ. Cần tích hợp nuôi biển với các ngành kinh tế biển khác như du lịch, dầu khí, nhựa, điện gió, vận tải biển…
TS Võ Sĩ Tuấn, thành viên Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ Việt Nam, nguyên viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, cho rằng thời gian qua nghề nuôi biển đã đem lại nguồn thu cho ngư dân nhưng đã đến ngưỡng và không thể tăng được nữa với cách làm cũ, phải chuyển đổi.
Phát biểu tổng kết tại hội thảo, ông Trần Đình Luân - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản – cho biết trong bối cảnh trữ lượng khai thác thủy sản giảm sút, phát triển nuôi biển là một hướng đi tất yếu. "Chúng ta phải xác định rõ "công nghiệp" ở đây là quy mô sản xuất lớn và áp dụng KHCN. Hiện nay, các vấn đề liên quan tới điểm nghẽn mà chúng ta vừa thảo luận thì Tổng cục Thủy sản đang tiếp tục rà soát, xây dựng, trình các cấp cao hơn xem xét, sớm ban hành các quy định, hướng dẫn thúc đẩy phát triển nghề nuôi biển; đồng thời tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện Luật Thủy sản 2017 và các quy định hiện hành trong lĩnh vực thủy sản", ông Luân nói.
Xem thêm: mth.89471115141203202-nol-iohc-iahp-nac-neib-ioun-hnih-om/et-hnik/nv.moc.dln