Quy hoạch phải bền vững, bảo vệ và giữ gìn
Chiều 14/2, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nói về định hướng Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Giang Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh công tác quy hoạch phải bài bản, phải chỉ rõ những khó khăn và đề ra các giải pháp. Theo ông Khánh, với vị trí địa chính trị quan trọng, quy hoạch Hà Giang phục vụ cho phát triển nhưng phải bền vững, bảo vệ và giữ gìn.
Đầu tiên, quy hoạch của tỉnh phải đảm việc bảo vệ hơn 277 km đường biên giới, giữ vững biên cương, đảm bảo quốc phòng an ninh. Thứ hai là giữ dân, Hà Giang có 19 dân tộc anh em, trong đó dân tộc Mông chiếm khoảng 33%, do đời sống khó khăn, nhiều người dân đã phải di cư sang vùng khác. "Bây giờ chúng ta phải đưa dân ra biên giới để giữ dân, giữ biên cương, mỗi người dân là một cột mốc sống", Bí thư Tỉnh uỷ Hà Giang Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh.
Cùng với đó là phải bảo vệ môi trường và giữ gìn bản sắc dân tộc của 19 dân tộc anh em trên địa bàn.
Bí thư Tỉnh uỷ Hà Giang Đặng Quốc Khánh
Để phát triển du lịch, cũng như kinh tế biên mậu của tỉnh, Bí thư Tỉnh uỷ Đặng Quốc Khánh cho biết, đơn vị tư vấn quy hoạch của tỉnh cũng đã nghiên cứu phương án xây dựng sân bay lưỡng dụng để máy bay A320, A321 có thể cất, hạ cánh trên diện tích đất khoảng 500 ha.
Quy hoạch phải đảm bảo bền vững, bảo vệ và giữ gìn
Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh
"Sống trên đá, thoát nghèo trên đá và tiến tới làm giàu trên đá"
Trình bày cụ thể về Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn cho biết tỉnh đặt mục tiêu phát triển xanh, bản sắc, bền vững & toàn diện với phương châm "Sống trên đá, thoát nghèo trên đá và tiến tới làm giàu trên đá".
Trong đó, tỉnh đặt hướng tới mục tiêu tạo không gian phát triển mới, đưa Hà Giang thành vùng du lịch trọng điểm quốc gia - điểm đến của du khách quốc tế. Nông nghiệp phát triển theo hướng nông nghiệp đặc trưng, chất lượng cao, tạo chuỗi giá trị. Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là giao thông đối ngoại (đường cao tốc, sân bay…), hạ tầng biên giới, khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy thành trung tâm xuất nhập khẩu và logistic.
Các đô thị mang bản sắc của vùng, kiến trúc văn hóa của dân tộc trên địa bàn tỉnh. Xây dựng các mô hình sinh kế cho đồng bào các dân tộc phát triển ổn định. Thực hiện giảm nghèo bền vững, đảm bảo anh sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.
Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với phương châm "Sống trên đá, thoát nghèo trên đá và tiến tới làm giàu trên đá"
Tại Quy hoạch, Hà Giang xây dựng kịch bản kinh tế trong đó phấn đấu số lượng vốn huy động khoảng 132.000 tỷ đồng để cải thiện hiệu quả sử dụng vốn cũng như phát triển các ngành kinh tế. Bên cạnh đó là việc đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang kết nối đến cửa khẩu Thanh Thủy hoàn thành đúng tiến độ trong giai đoạn 2022 - 2030. Đưa sân bay Hà Giang vào quy hoạch và kêu gọi đầu tư. Ngoài ra là khả năng phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, tiềm năng phát triển du lịch…
"Hà Giang quy hoạch 2 tuyến cao tốc (Tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đến cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy kết nối với tuyến cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ; tuyến nối Hà Giang với đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai); 08 tuyến quốc lộ. Quy hoạch sân bay Hà Giang tại huyện Bắc Quang. Quy hoạch 18 tuyến đường tỉnh, hoàn thiện hệ thống đường tuần tra biên giới, đường ra các các cột mốc biên giới, các trạm kiểm soát/ đồn biên phòng", Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn cho biết.
Trong quy hoạch, Hà Giang muốn xây 2 tuyến cao tốc dài 126 km và 8 tuyến quốc lộ dài 719 km
Tỉnh cũng đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt trên 8%/năm. Trong đó giai đoạn 2021 - 2025 đạt bình quân 8%/năm và giai đoạn 2026 - 2030 đạt bình quân trên 8%/năm. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đến năm 2030 đạt 95 triệu đồng, tương đương 3.400 USD, bằng 45% so với cả nước. Khách du lịch năm 2030 đạt khoảng 5 triệu lượt người; Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đến năm 2025 giàm còn 24% và đến 2030 còn 10%…
4 trục động lực - 4 cực phát triển
Để cụ thể hoá các mục tiêu nêu trên, trong Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Giang sẽ quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển các đô thị, trung tâm sản xuất, dịch vụ với 4 trục động lực tăng trưởng.
- Trục động lực kinh tế đô thị (cấp tỉnh) - thương mại, dịch vụ - cửa khẩu quốc tế - du lịch: Liên kết phát triển toàn bộ khu vực động lực trung tâm tỉnh; kết nối KKT cửa khẩu Quốc tế Thanh Thuỷ với các huyện Vị Xuyên, TP. Hà Giang, huyện Bắc Quang, Quang Bình.
- Trục động lực kinh tế biên mậu - du lịch - đô thị (cấp huyện): Liên kết phát triển các khu vực cửa khẩu trên tuyến biên giới; các đô thị trung tâm tăng trưởng khu vực phía Tây & phía Bắc của tỉnh; Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn và các khu, cụm, điểm du lịch chính của tỉnh.
- Trục động lực kinh tế đô thị - dịch vụ - công nghiệp: Liên kết phát triển phát triển các đô thị trung tâm tăng trưởng khu vực phía Nam của tỉnh với các khu vực khai thác lâm sản, nông nghiệp, công nghiệp chế biến.
- Trục động lực kinh tế du lịch - dịch vụ: Liên kết phát triển các khu, cụm, điểm du lịch và các đô thị trung tâm tăng trưởng khu vực phía Đông của tỉnh.
Hà Giang cũng xác định 4 cực phát triển cho thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050:
- Thành phố Hà Giang và huyện Vị Xuyên: phát triển đô thị, kinh tế biên mậu, dịch vụ.
- Các huyện vùng cao nguyên đá Đồng Văn, Bắc Mê: phát triển du lịch.
- Huyện Bắc Quang và huyện Quang Bình: phát triển công nghiệp, nông lâm nghiệp; đầu mối giao thông.
- Huyện Hoàng Su Phì và huyện Xín Mần: phát triển nông, lâm nghiệp, du lịch.
Với 4 trục động lực và 4 cực phát triển, Hà Giang xác định đến năm 2025, du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm. Đến năm 2030, phấn đấu hoàn thành xây dựng Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành khu du lịch quốc gia. Tỉnh sẽ tập trung nâng cấp và phát triển các sản phẩm du lịch, gồm: Du lịch cộng đồng (Các làng văn hóa du lịch cộng đồng); Du lịch văn hóa (Các di tích lịch sử, tâm linh); Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng (gắn với điều kiện thiên nhiên, khí hậu)…
4 cực phát triển của Hà Giang trong Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Tại ngành nông nghiệp, tỉnh ưu tiên thúc đẩy phát triển hình thành các chuỗi sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, chất lượng cao theo chuỗi giá trị với các sản phẩm như: Chè Shan tuyết, mật ong bạc hà, bò vàng, lợn đen…
Về kinh tế biên mậu, Hà Giang định hướng phát triển kinh tế cửa khẩu đáp ứng xu hướng mở cửa và hội nhập quốc tế, đầu mối trung chuyển, xuất nhập hàng hóa, giao lưu phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch. Xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực. Xây dựng các khu vực cửa khẩu nằm ngoài Khu kinh tế thành những khu tích hợp đa mục tiêu (Gồm: kinh tế, an ninh, quốc phòng và ngoại giao). Đưa các cửa khẩu phụ Săm Pun, Phố Bảng lên thành cửa khẩu chính….
Với ngành dịch vụ, tỉnh sẽ kết hợp phát triển giữa thương mại truyền thống với thương mại điện tử. Thu hút đầu tư xây dựng Trung tâm hội chợ triển lãm, Trung tâm thương mại tại TP Hà Giang; các Trung tâm logistic tại Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy và khu vực lân cận; chợ đầu mối...
Hà Giang phấn đấu khách du lịch năm 2030 đạt khoảng 5 triệu lượt người
Về nguồn lực cho phát triển, Hà Giang cho biết sẽ tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, các nhà tài trợ để thu hút các nguồn vốn từ ngân sách trung ương, nguồn vốn hỗ trợ ODA và các nguồn vốn hỗ trợ khác để đầu tư các dự án lớn về kết cấu hạ tầng giao thông (đường cao tốc, các tuyến quốc lộ, tuyến giao thông kết nối vùng…). Thu hút các nguồn vốn từ các nhà đầu tư có năng lực vào các ngành, lĩnh vực tỉnh có lợi thế cạnh tranh như du lịch, dịch vụ, nông nghiệp…
Ngoài ra là tăng cường huy động vốn đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động sự nghiệp như y tế, giáo dục, đào tạo nghề, văn hóa, thể thao khoa học công nghệ...
Nhìn từ trên nhìn xuống để vẽ một "bức tranh mới" cho Hà Giang
Đánh giá chung về Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá Hà Giang là tỉnh địa đầu tổ quốc, có vị trí chiến lược quan trọng, có nhiều tiềm năng lợi thế song hành với đó là nhiều thách thức, khó khăn.
Chỉ ra các khó khăn, thách thức, về giao thông, theo Bộ trưởng, Hà Giang có duy nhất giao thông đường bộ với một con đường độc đạo, không có đường sắt, đường thuỷ, hàng không... Bộ trưởng cho biết điều này tạo khó khăn trong lớn trong việc kết nối kinh tế, cũng như dựa vào các vùng kinh tế trọng điểm khác để thúc đẩy kinh tế. Ngoài ra, địa hình chủ yếu đồi núi tạo ra khó khăn trong việc phát triển các khu công nghiệp.
Quy mô nền kinh tế Hà Giang còn nhỏ, công nghiệp, nông nghiệp khó phát triển, du lịch còn sơ khai, có cửa khẩu nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế. Về nguồn nhân lực, 89% đồng bào dân tộc, trình độ nguồn nhân lực thấp.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Do đó Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng công tác quy hoạch là cơ hội để Hà Giang đánh giá lại, tìm ra giải pháp làm thế nào để sắp xếp lại không gian phát triển, tìm kiếm những cơ hội mới, để tìm ra những động lực mới, dựa vào đâu, cách đi thế nào, bao giờ thì đến và đến bằng cách nào.
"Vẽ một bức tranh mới cho Hà Giang là không dễ nhưng không phải là không làm được. Nếu chúng ta theo tinh thần chủ động, sáng tạo biến những hạn chế, thách thức thành tiềm năng, cơ hội chắc chắn sẽ tìm ra giải pháp", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá.
Quy hoạch Hà Giang cần phải "nhìn từ trên xuống"
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng
Đưa ra một số gợi mở về tầm nhìn, Bộ trưởng cho biết đang nghĩ nhiều đến sân bay để làm du lịch, đến cao tốc Phú Thọ - Tuyên Quang - Hà giang - Thanh Thuỷ để nối ra cửa khẩu phục vụ cho phát triển kinh tế. Tuy nhiên nếu có sân bay, cao tốc ra đến cửa khẩu thì phải tiếp cận từ đó để tạo ra cái mới, chứ không phải dựa trên cái sẵn có. Do đó, quy hoạch Hà Giang cần phải "nhìn từ trên xuống".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!