Theo đó, Bộ Xây dựng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà cho công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn.
Chi tiết phân bổ gói này Bộ Xây dựng chưa đề cập trong Báo cáo, nhưng được cho biết sẽ giống gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện trong giai đoạn 2013-2016 khi thị trường gặp khó khăn. Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính phối hợp để xây dựng chi tiết hơn.
Trong đó, đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dành khoảng 50% gói tín dụng, tương đương 55.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư dự án vay ưu đãi, khoảng 50% còn lại cho khách cá nhân là người mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay ưu đãi.
Theo chính sách của gói 30.000 tỷ đồng trước đây, 70% được dành cho những người thuê, mua, thuê mua nhà ở xã hội và thuê mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2 và giá bán dưới 15 triệu đồng mỗi m2. Thời hạn vay tối đa là 10 năm. 30% còn lại dành cho doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, doanh nghiệp nhà thương mại chuyển đổi sang nhà ở xã hội.
Ngoài ra, cơ quan này cũng đề nghị sớm có Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội. Nghị quyết này nhằm tháo gỡ ngay các khó khăn như vấn đề giao đất, dành quỹ đất cho nhà ở xã hội; chọn chủ đầu tư; ưu đãi cho chủ đầu tư nhà ở xã hội; xác định giá bán, thuê, đối tượng và điều kiện hưởng chính sách. Các điểm nghẽn này đang khiến doanh nghiệp, chủ đầu tư không mặn mà với nhà ở xã hội.
Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, năm 2022, nguồn cung nhà ở khan hiếm, cơ cấu sản phẩm nhà ở nghiêng về phân khúc nhà ở trung-cao cấp, nhà ở cho người thu nhập thấp thiếu, cơ cấu sản phẩm bất động sản bình dân giảm dần từ 20% (năm 2019) xuống dưới 5% trong năm 2022, số lượng dự án triển khai rất hạn chế.
Đối với dự án phát triển nhà ở thương mại, cả nước có 126 dự án với 55.732 căn hộ được cấp phép (số lượng dự án bằng khoảng 52,7% so với năm 2021); có 466 dự án với 228.029 căn hộ đang được triển khai xây dựng (bằng khoảng 47,7% so với năm 2021); có 91 dự án với 18.206 căn hộ đã hoàn thành xây dựng (bàng khoảng 55,2% so với năm 2021).
Đối với dự án nhà ở xã hội, trên cả nước có 09 dự án được cấp phép mới với quy mô 5.526 căn hộ; có 114 dự án với 6.196 căn hộ đã hoàn thành xây dựng; có 27 dự án với 8.245 căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai theo thông báo của các Sở Xây dựng.
Đối với nhà ở công nhân, trên cả nước có 02 dự án được cấp phép mới với quy mô 1.729 căn hộ; có 01 dự án với 32 căn hộ đã hoàn thành xây dựng; có 04 dự án với 2.328 căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai theo thông báo của các Sở Xây dựng.
Theo Bộ Xây dựng, năm 2022, cơ cấu sản phẩm không hợp lý, dư thừa sản phẩm, phân khúc cao cấp trong khi “thiếu nhà ở vừa túi tiền, đặc biệt thiếu nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội”, nhà ở có giá phù hợp với khả năng chi trả của các đối tượng thu nhập thấp tại đô thị…
Trong diễn biến có liên quan, được biết, ngày 15/2, Ngân hàng Chính sách Xã hội tổ chức hội nghị nội bộ liên quan đến Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú chủ trì.