"Thêm môn thi thứ 4 có cần thiết nữa không khi các trường THPT đang triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới theo hướng phân hóa mạnh cho phép học sinh lựa chọn các nhóm môn học phù hợp với định hướng nghề nghiệp?", anh Hoàng nói.
Nín thở chờ môn thứ 4
Từ năm 2019, Hà Nội duy trì phương thức thi tuyển vào các trường THPT công lập với 4 môn thi gồm ngữ văn, toán, ngoại ngữ và một môn thứ 4 được chọn trong những môn học còn lại, công bố vào cuối tháng 3 hằng năm.
Nhưng trên thực tế chỉ có kỳ thi diễn ra năm 2019 và 2021 duy trì thi 4 môn và môn thứ 4 được lựa chọn đều là môn lịch sử.
Các năm 2020 và 2022 sau khi bàn tới bàn lui, cộng với áp lực từ dư luận, Hà Nội quyết định chỉ thi 3 môn là ngữ văn, toán, ngoại ngữ. Lý do điều chỉnh vì ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Chính vì điều chỉnh chỉ mang tính tạm thời nên rất có thể kỳ thi năm nay sẽ quay lại với phương án đề ra ban đầu là thi 4 môn. Việc thi 3 hay 4 môn lại đang được phụ huynh quan tâm, là câu chuyện đặt ra trên nhiều nhóm cha mẹ học sinh trên mạng xã hội.
"Đây không phải kỳ thi tốt nghiệp THCS để phải thi nhiều môn tránh việc học sinh học tủ, học lệch. Mục tiêu của kỳ thi là tuyển chọn trong tình huống cầu nhiều hơn cung. Với mục tiêu này thì thi 3 hay 4 môn điều thực hiện được.
Yêu cầu học sinh phải ôn tập thi thêm môn thứ 4 chỉ khiến học sinh bị quá tải. Trong khi vào lớp 10 chưa chắc học sinh đã lựa chọn học tiếp nhóm môn có môn thứ 4 đó" - anh Hoàng chia sẻ.
Những ý kiến tương tự như anh Hoàng cũng xuất hiện ở nhiều nhóm cha mẹ. Các phụ huynh cho rằng vào THPT, nhiều học sinh sẽ không lựa chọn hướng học tập có môn thi thứ 4.
Việc duy trì môn thi thứ 4 cần được xem xét lại dựa trên cơ sở thực tiễn trong bối cảnh đang triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cho phép học sinh lựa chọn các nhóm môn học khác nhau phù hợp với lựa chọn nghề trong tương lai.
Trong một nhóm cha mẹ trên Facebook còn sôi nổi chuyện phương thức thi nên được công bố vào đầu năm học để các nhà trường, cha mẹ và học sinh biết và có sự chuẩn bị.
"Năm nào cũng thế, chỉ còn vài tháng nữa là hết năm học mới có phương thức thi, mới biết thi những môn nào khiến học sinh phải gồng lên ôn tập. Nhiều sở GD-ĐT đã điều chỉnh lịch công bố phương thức thi sớm hơn vào tháng 1-2, chỉ Hà Nội vẫn im lìm" - một phụ huynh nêu vấn đề.
Sốt ruột, lo lắng, một số phụ huynh đã đồng loạt thay hình nền Facebook, ảnh đại diện trên Facebook và Zalo có dòng chữ "Thi môn thứ 4 vào lớp 10 không còn phù hợp". Hình ảnh này được hưởng ứng lan rộng. Kèm theo đó là nhiều bình luận liên quan.
"Nhiều năm nay, Sở GD-ĐT Hà Nội thích chơi ú òa với học sinh lớp 9. Thi môn thứ 4 hay không, lịch thi thế nào đều công bố sát nút khiến học sinh rất áp lực" - một phụ huynh viết sau khi thay hình nền bằng hình ảnh màu đỏ có dòng chữ "Thi môn thứ 4 vào lớp 10 không còn phù hợp".
Không nên
Có hai luồng ý kiến khác nhau của hiệu trưởng, giáo viên THCS. Một luồng ý kiến ủng hộ thi 4 môn theo cách trên vì "có thi học sinh mới chịu học".
Nhưng cũng có luồng ý kiến cho rằng không cần thiết thi thêm môn thứ 4 vì thực chất học sinh đã được xét hoàn thành chương trình (tốt nghiệp) trước khi tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.
Về điều này, một số lãnh đạo trường THPT cho rằng quy định không phù hợp với tính chất của kỳ thi. Vì đây không phải kỳ thi tốt nghiệp để yêu cầu học sinh phải ôn tập đầy đủ các môn học trong chương trình.
Học sinh đã được xét tốt nghiệp THCS sau khi hoàn thành chương trình. Phương thức thi tuyển sinh cần đảm bảo điều kiện chọn lựa và điều kiện tối thiểu về năng lực để học sinh có thể học tiếp THPT.
Trên thực tế, bản chất kỳ thi này ở Hà Nội chỉ để chọn lựa khi chỉ tiêu tuyển sinh vào trường công lập chỉ đáp ứng trên 60% so với số đăng ký dự tuyển. Và với mục tiêu này thì thi 3 hay 4 môn đều đạt được.
Mặc dù những thay đổi (năm 2020, 2021) so với thiết kế ban đầu là do COVID-19 nhưng Hà Nội cũng có 4 năm để đánh giá ưu, nhược điểm, tính phù hợp của phương thức tuyển sinh.
Đặc biệt là đánh giá phương thức cũ còn phù hợp khi áp dụng để tuyển sinh cho những lứa học sinh học chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Việc đánh giá để điều chỉnh nhằm giữ ổn định phương thức thi trong một chặng nhất định, tránh cho phụ huynh, học sinh năm nào cũng lên cơn sốt vì lo như hiện nay.
Tuy nhiên việc này chưa được làm và cho tới thời điểm này, theo một lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội "vẫn chưa chốt phương án thi".
Trao đổi với Tuổi Trẻ, thầy Nguyễn Xuân Khang, hiệu trưởng Trường THCS&THPT Marie Curie (Hà Nội), cho rằng thi tuyển vào lớp 10 trường THPT công lập tại Hà Nội ngoài 3 môn ngữ văn, toán, ngoại ngữ, không nên thêm môn thứ 4.
Với 3 môn thi đã đủ để đạt yêu cầu của kỳ thi (các trường lựa chọn, tuyển sinh đủ chỉ tiêu). Hơn nữa việc thi thêm môn thứ 4 cũng không phù hợp khi từ năm học 2022-2023 học sinh vào lớp 10 đã học chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Phải học cả 6 môn
Khi quyết định phương thức thi tuyển sinh lớp 10 với 4 môn, trong đó có 1 môn công bố muộn, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội thời kỳ đó cho rằng đây là giải pháp nhằm hạn chế việc học sinh học tủ, học lệch, ngăn tình trạng cắt xén chương trình lớp 9 để ôn thi quá sớm.
Cụ thể, với quy định môn thi thứ 4 sẽ được chọn ngẫu nhiên trong số các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân, vật lý, hóa học, sinh học, học sinh sẽ phải ôn tập cả 6 môn thay vì 1 môn để thi "môn thứ 4".
TP.HCM chốt thi 3 môn
Ngày 14-2, thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho biết đề thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2023-2024 ở TP.HCM dự kiến có cấu trúc, nội dung, độ phân hóa giống năm ngoái.
Theo đó, học sinh sẽ vẫn thi 3 môn toán, ngữ văn (mỗi môn 120 phút) và môn tiếng Anh (90 phút). Ba môn đều được áp dụng theo công thức xét tuyển hệ số 1 như năm học 2022-2023.
Những thí sinh dự thi vào lớp 10 chuyên sẽ thi thêm môn chuyên, dự thi vào lớp 10 tích hợp sẽ thi thêm môn tích hợp.
Theo dự kiến của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, môn ngữ văn có thời gian làm bài 120 phút với cấu trúc đề thi gồm ba phần: đọc hiểu (3 điểm), nghị luận xã hội (3 điểm) và nghị luận văn học (4 điểm).
Đề môn toán làm bài trong 120 phút, giữ nguyên cấu trúc với 70% câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu, 30% vận dụng, vận dụng cao.
Đề môn tiếng Anh có thời gian làm bài 90 phút với 40 câu trắc nghiệm. Nội dung đề thi cũng giống như năm ngoái với các chủ điểm ngữ pháp, từ vựng chủ yếu trong chương trình lớp 9. Đề không chú trọng về ngữ pháp, mà nghiêng về kỹ năng, vận dụng và từ vựng.
Đề tiếng Anh có 10-15% câu hỏi mức độ nâng cao để phân hóa thí sinh.
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập tại TP.HCM dự kiến diễn ra vào ngày 11 và 12-6.
Đề thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2023-2024 ở TP.HCM dự kiến có cấu trúc, nội dung, độ phân hóa giống năm ngoái. Thí sinh thi 3 môn toán, ngữ văn và tiếng Anh.
Xem thêm: mth.42493842241203202-nom-4-iahp-uc-oas-iat-ion-ah-o-01-pol-hnis-neyut/nv.ertiout