Với nhiều bậc phụ huynh và học sinh, đại học được mặc định là con đường dẫn đến thành công.
Cá nhân tôi cho rằng việc sở hữu một tấm bằng đại học chưa hẳn là cơ sở đảm bảo cho sự thành công trong tương lai. Ngược lại, nếu không may thất bại trong kỳ thi đại học, mọi thứ cũng không hề rơi vào bế tắc như nhiều người vẫn nghĩ.
Vật vờ ở giảng đường đại học
Đại học không đơn thuần là nơi để "vật lộn" với sách vở và các kỳ thi. Giá trị thật của tấm bằng đại học là ở sự thay đổi trong quá trình nhận thức, tư duy và cách hành xử của bạn trong suốt quãng thời gian ở trường.
Đó cũng là nền tảng giúp ích cho các em vào đời và trải nghiệm với công việc.
Tuy nhiên, nhiều em không nhận ra vấn đề then chốt này nên đi học chỉ như những cái bóng vật vờ, cố gắng vượt qua các bài kiểm tra và những kỳ thi để lấy được tấm bằng đại học.
Suốt quãng thời gian học đại học, các em không ra sức tích lũy đầy đủ tri thức, kỹ năng, thái độ cần thiết để đáp ứng các yêu cầu công việc của xã hội.
Việc đa số các học sinh hiện nay chọn đại học như một cách để tạo dựng tương lai cho mình không hẳn là tín hiệu đáng mừng mà là thực trạng đáng báo động của thị trường lao động Việt Nam.
Thực tế đã chứng minh không ít thanh niên Việt Nam sở hữu bằng đại học trong tay mà vẫn thất nghiệp.
Với sự phát triển và thay đổi liên tục như môi trường xã hội hiện nay, thị trường lao động cũng dần thay đổi.
Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường, các bậc học cũng đồng thời mở ra các lớp học liên thông, liên kết, sẵn sàng chào đón tất cả mọi người có ý chí cũng như nghị lực thay đổi trình độ học vấn và năng lực của bản thân.
Quan trọng là tự học
Quan điểm "học cao sẽ mang đến thành công cao, học thấp sẽ thất bại" đã không còn phù hợp với thực tế hiện nay.
Thị trường lao động luôn sẵn sàng đón nhận tất cả người lao động với cấp bậc chuyên môn, kỹ thuật từ cao đến thấp, tùy người, tùy năng lực, vị trí công việc, điều kiện, môi trường...
Ai học ở bậc nào chỉ cần rèn luyện mình hoàn thiện khả năng ở bậc đó, phát huy tối đa khả năng sẵn có của mình vào công việc, đừng bao giờ từ bỏ cố gắng để trở nên thành công.
Có nhiều học sinh, sinh viên các trường nghề học các ngành như hàn, tiện, may, sửa xe máy, trang điểm... khi ra trường không khó để tìm được việc làm có thu nhập tương đương các bạn tốt nghiệp đại học.
Nhiều em đi làm thuê vài năm lấy kinh nghiệm rồi tự mở quán ăn, nhà hàng, xưởng riêng, ban đầu làm nhỏ nhưng sau đó mở rộng dần.
Dẫu biết rằng học tập là một quá trình cần thiết nhưng con người có thể học và thành công bằng nhiều cách khác nhau, quan trọng nhất vẫn là khả năng tự học.
Nhìn chung, các bậc phụ huynh và mỗi học sinh tại Việt Nam nên thay đổi quan điểm về thành công và cách đánh giá một người.
Một cá nhân không nhất thiết phải chức vụ cao, bằng cấp nhiều mới đáng được nể trọng mà ngược lại bất kỳ người nào biết cách lao động chân chính, có khả năng nuôi sống bản thân, gia đình, mang đến nhiều đóng góp trong cộng đồng thì đều đáng được ghi nhận và tự hào.
Học đại học là cần thiết, nhưng làm sao cho người học học xong có thể làm được việc, làm ngành phù hợp để có cơ hội phát triển bản thân và đóng góp xã hội mới quan trọng.
Ngược lại, cứ học đại học ra trường nhưng thất nghiệp, không làm được việc hay không tự tin để làm việc tạo thu nhập, giá trị thì đó không chỉ lãng phí xã hội, sự thất vọng và ảnh hưởng tâm lý người học cũng như gia đình.
Bạn đọc có email triminhla87@...
Bạn đọc nói gì?
* Học đại học chưa chắc đã kiếm nhiều tiền, nhưng đa số người kiếm được nhiều tiền đều học đại học (mulia2486666@...)
* Học đại học và học nghề đều tốt, tùy vào điều kiện và định hướng nghề nghiệp của mỗi cá nhân hay gia đình. Nhưng trong xã hội hiện tại, bạn muốn làm thầy thì phải học đại học và làm thợ thì học nghề.
Nhưng việc kiếm tiền sau này còn tùy thuộc vào nhiều thứ, chứ không phải học đại là kiếm nhiều tiền hay học nghề là kiếm ít tiền. Thực tế khi làm ở các công ty mà muốn lên vị trí cao (cấp quản lý, cấp thầy) thì chí ít cũng cần có bằng đại học.
Các bạn học nghề sẽ trở thành thợ, thợ giỏi có thể mở tiệm, có tiền đầu tư thì mở công ty chuyên về dịch vụ việc mà mình giỏi - họ thậm chí kiếm cũng rất nhiều tiền. Cuộc sống luôn có các quy luật cân bằng, không thể có một xã hội toàn là thầy hay toàn là thợ. (hunght79@...)
* Rất sai lầm khi cho rằng học đại học là đủ, hay học xong sẽ tự nhiên đạt thành công về tiền bạc hay nghề nghiệp.
Thực tế, thành công chỉ đến khi ta thực sự bắt tay làm việc, vận dụng kiến thức, kỹ năng xử lý công việc, đem lại lợi ích cho người khác.
Nếu không học tốt, không biết cách vận dụng kiến thức, không chuyên cần làm việc, không biết cách phối hợp với người khác hay không gặp thời thì công sức học đại học cũng dễ dàng bị bỏ phí.
Ngược lại, người đi làm ngay mà chuyên cần, gặp cơ may hay biết cách tự học để không ngừng làm việc tốt hơn hoàn toàn có thể đạt được thành công lớn, không cần tấm bằng đại học. (thng20@...)
"Có cần phải học đại học khi nhiều sinh viên ra trường thất nghiệp?" - câu hỏi của một học sinh trong chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại Gia Lai cuối tuần qua thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Xem thêm: mth.26911619051203202-hnid-cam-gnuhn-ob-ut-iahp-coh-iad-coh-nac-oc/nv.ertiout