Liên tiếp xảy ra các vụ quay lén nghiêm trọng
Theo đó, nghi phạm Masaki Mori (46 tuổi) đã thừa nhận cáo buộc. Đối tượng nói rằng mình "kiếm sống bằng cách bán các clip được quay mà không có sự đồng thuận" cho các trang web người lớn, Kyodo News đưa tin.
Đối tượng sử dụng điện thoại hoặc camera dạng nhỏ gắn vào túi xách để quay lén phụ nữ - Ảnh: AsiaOne
Cảnh sát cho biết, Masaki bị bắt vì vi phạm sắc lệnh chống quấy rối của địa phương, khi quay lén dưới váy của 112 phụ nữ bằng các thiết bị như điện thoại thông minh gắn vào túi xách. Các clip được rao bán suốt 12 năm, từ tháng 2 năm 2021 đến tháng 10 năm 2022. Masaki đã thu được hơn 150 triệu yên (1,1 triệu USD) từ các giao dịch bất hợp pháp.
Người đàn ông nhắm đến những cô gái lui tới ở trung tâm thương mại hoặc địa điểm đông người ở Kyoto.
Trước đó, ngày 12/2, cảnh sát ở tỉnh Shizuoka, một điểm đến nổi tiếng tại Nhật Bản với các suối nước nóng tự nhiên, xác nhận đã bắt giữ 16 người đàn ông liên quan đến vụ án quay lén quy mô lớn. Đáng nói, trong số này bao gồm cả một bác sĩ ở Tokyo, giám đốc điều hành cấp cao của công ty và quan chức chính quyền địa phương.
Asahi đưa tin kẻ cầm đầu là Karin Saito (50 tuổi), người thừa nhận đã quay lén hơn 10.000 phụ nữ trong hơn 30 năm tại hàng trăm suối nước nóng lộ thiên trên khắp Nhật Bản. Sau khi quay xong, các đối tượng sẽ gửi clip vào một nhóm kín, rồi tổ chức các bữa tiệc để thưởng thức clip quay được.
Phụ nữ thiếu an toàn vì nạn quấy rối tình dục ở Nhật Bản
Quay phim, chụp hình lén là một trong những kiểu quấy rối gây nhức nhối tại Nhật Bản và đang có dấu hiệu gia tăng trong thời gian gần đây.
Các vật dụng bị cảnh sát tịch thu - Ảnh: Kyodo News.
Theo Cơ quan Cảnh sát Quốc gia, số trường hợp quay lén, trong đó những kẻ phạm tội bị bắt hoặc chuyển đến các công tố viên vào năm 2019 là 3.953 vụ, cao hơn gấp đôi so với 1.741 vụ việc được báo cáo vào năm 2010.
Trong số này, 2.871 trường hợp liên quan đến điện thoại thông minh và 610 trường hợp sử dụng camera siêu nhỏ được giấu kín.
Còn theo Sở Cảnh sát Kyoto, tỉ lệ người phạm tội quay lén đã tăng đến 25% so với cùng kỳ năm ngoái, khiến cảnh sát phải chạy quảng cáo Youtube để cảnh báo những ai có ý định phạm tội.
Mika Kyoshi, chuyên gia phòng chống tội phạm, cho biết: "Việc các camera dạng nhỏ dễ dàng mua được trên mạng đã góp phần vào sự gia tăng tội phạm quay lén. Trước đây những thứ này chỉ được các công ty tư nhân và cơ quan điều tra mua bằng cách xuất trình giấy tờ".
Akiyoshi Saito (42 tuổi, đang làm việc tại Phòng khám Ofuna Enomoto ở thành phố Kamakura, tỉnh Kanagawa và phụ trách công việc hỗ trợ cho những người nghiện rượu phục hồi sức khỏe với 20 năm kinh nghiệm) tác giả của cuốn sách "Những người đàn ông không thể ngừng quay lén" đã phân tích động cơ của 521 người thực hiện hành vi quay lén bất hợp pháp và thu được kết quả bất ngờ. Nghiên cứu cho thấy họ bị ảnh hưởng bởi một xã hội đề cao mối gắn kết giữa nam giới (homosocial society*) ở Nhật Bản.
Phụ nữ Nhật Bản tham gia phong trào MeToo để phản đối nạn quấy rối tình dục - Ảnh: CNN
Saito kể lại, một bệnh nhân nam khoảng 50 tuổi, người được ông hỗ trợ trong 3 năm, bất ngờ bị bắt vì tình nghi xâm hại tình dục một đứa trẻ. Saito rất sốc khi biết được bệnh nhân này đã lặp đi lặp lại rất nhiều lần tội ác trên trong quá khứ. Từ đó, ông Saito nhận ra tội phạm liên quan đến tình dục cũng giống như việc uống rượu, có thể trở nên bị nghiện và cần được điều trị để ngăn ngừa việc tái phạm.
Ông cũng đánh giá, 70% các đối tượng bắt đầu phạm tội ở độ tuổi teen và 20. Một số người nói rằng việc làm này được các bạn nam khác chấp nhận khi họ còn nhỏ. Đặc biệt, theo lời kể của một bệnh nhân, anh ta đã chụp lén một bạn nữ cùng lớp và được các bạn nam khác khen là "tuyệt vời", "dũng cảm". Do vậy, người này đã chuyển sang chụp ảnh bên dưới váy của các nữ sinh. Saito cho rằng đây là một ví dụ điển hình cho "cuộc thử lửa đầu tiên để gia nhập vào xã hội do nam giới thống trị".
“Sự méo mó trong nhận thức là thứ có sẵn trong xã hội. Không ai sinh ra đã có cái nhìn méo mó cả. Khi sống trong một xã hội do nam giới thống trị, tất cả nam giới đều có khả năng trở thành tội phạm liên quan đến tình dục”, chuyên gia Saito đánh giá.
Từ năm 2018, các quy định luật pháp nghiêm khắc về tội quấy rối tình dục đã được thông qua và trong bộ Luật hình sự Nhật Bản, người thực hiện hành vi quấy rối tình dục (nay đã được đặt tên "kyouseiwaisetsu") có thể chịu mức phạt tiền lên 50,000 yên (khoảng 9,6 triệu đồng) hoặc ít nhất 6 tháng tù giam, cùng các hệ quả pháp lý khác. Dù vậy, vẫn có những chỉ trích cho rằng hình phạt này còn quá nhẹ. Ví dụ so với luật pháp Hàn Quốc, hành vi quấy rối tình dục phải đối mặt với khoản phạt lên tới 30 triệu won hoặc ba năm tù giam.
Chuyến tàu chỉ dành cho phụ nữ để chống quấy rối nơi công cộng
Ngày 8/3/2019, Nội các Nhật Bản đã thông qua một loạt dự luật sửa đổi, trong đó cấm mọi hình thức quấy rối ở nơi làm việc và yêu cầu các công ty ngăn chặn tình trạng lạm dụng chức quyền hoặc ức hiếp, bắt nạt. Tuy nhiên, dự luật không đặt ra khung hình phạt đối với những người vi phạm.
Kazuko Ito, luật sư tham gia tích cực phong trào #MeToo (phong trào chống quấy rối tình dục) ở Nhật Bản cho biết, luật pháp của Nhật Bản về tội phạm tình dục đi sau nhiều quốc gia phát triển khác trên thế giới.
Các điều luật có liên quan đến tội phạm tình dục đã được sửa đổi vào tháng 6/2017 sau 110 năm. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề phát sinh trong thực tế chưa thể giải quyết. Thiếu những quy định chặt chẽ của pháp luật, cộng với đó là vấn đề văn hóa lâu đời khiến những phụ nữ bị tấn công tình dục bị tổn thương. "Điều cần thiết lúc này là sự đoàn kết, chung tay của cả xã hội. Hãy khuyến khích những người phụ nữ lên tiếng!", bà Ito nhấn mạnh.