Bạn đọc T.T. (24 tuổi, Bình Dương) thắc mắc: "Năm nay tôi 24 tuổi, thời gian gần đây hàm răng trên cùng của tôi xuất hiện tình trạng đau nhức khiến tôi bị sốt, rất khó chịu. Khi sờ tay thì thấy trong cùng có mọc chiếc răng khôn, xin hỏi bác sĩ tôi có nên đi nhổ răng khôn không?".
Trả lời thắc mắc của bạn đọc về vấn đề này, bác sĩ Trương Ngọc Thân - trưởng khoa răng hàm mặt, Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức - cho biết răng khôn là răng cối lớn thứ ba, mọc trong độ tuổi từ 18 đến 25. Thông thường mỗi người có 4 chiếc răng khôn tại hai hàm trên và hai hàm dưới.
Sở dĩ được gọi là răng khôn vì răng mọc trong độ tuổi trưởng thành, khi đó, xương hàm cũng ngừng tăng trưởng và xương trở nên đặc hơn. Tuy nhiên, không phải ai cũng đều có răng khôn.
Việc nhổ răng khôn hay không tùy vào từng trường hợp.
Với trường hợp răng khôn khi đã mọc hoàn toàn, mọc thẳng, đúng vị trí, không bị sâu, vùng nướu xung quanh, không có dấu hiệu viêm hay sưng tấy, không gây đau nhức và có thể dễ dàng làm sạch thì không cần nhổ.
Với trường hợp dưới đây răng khôn nên nhổ càng sớm càng tốt:
- Mọc răng khôn gây ra các biến chứng sưng, đau, nhiễm trùng lặp đi lặp lại.
- Răng khôn mọc nhưng không có răng đối diện ăn khớp gây loét nướu hàm đối diện, gây nhồi nhét thức ăn, lâu ngày sẽ dẫn đến sâu răng và ảnh hưởng răng bên cạnh.
- Bản thân răng khôn mắc các bệnh nha chu hay sâu…
Theo bác sĩ Thân, khi nhổ răng khôn thì việc sưng, đau và chảy máu là những biến chứng hay gặp nhất sau khi nhổ. Nếu tình trạng sưng, đau, sốt, chảy máu kéo dài, trầm trọng và không kiểm soát được thì nên tái khám bác sĩ chuyên khoa.
"Người dân cần tìm đến các cơ sở y tế, bệnh viện có chuyên khoa răng hàm mặt đã được cấp phép để các bác sĩ thăm khám và tư vấn kịp thời", bác sĩ Thân khuyến cáo.
Không ít người từng đặt câu hỏi "răng khôn hay răng ngu"? Có phải khi răng này mọc là khôn ra không?
Xem thêm: mth.51973229041203202-nohk-gnar-ohn-nen-oc/nv.ertiout