Titanic là câu chuyện hư cấu về một đôi tình nhân tìm cách sống sót trên con tàu đắm bi kịch năm 1912. Nhưng đạo diễn James Cameron đã lấy cảm hứng từ nhiều con người có thật để tạo nên những nhân vật trong phim.
Một trong những nguồn cảm hứng lớn nhất của ông là nữ nghệ sĩ Mỹ Beatrice Wood (1893 - 1998). Bà được coi là nguyên mẫu không hoàn chỉnh của nhân vật Rose DeWitt Bukater. Điều này được chính James Cameron khẳng định.
Xinh đẹp, nổi loạn và cấp tiến
Chuyện được kể lại trong hồi ký của học giả, giám tuyển nghệ thuật Francis Naumann. Năm 1998, đạo diễn James Cameron thăm nhà nữ nghệ sĩ Beatrice Wood khi bà đã 105 tuổi. Ông tặng cho bà 2 cuộn băng là 2 nửa của bộ phim Titanic. Phim đã ra mắt vào tháng 12-1997 và thành công vang dội trên toàn thế giới.
Bà Beatrice hỏi Naumann rằng bộ phim có buồn không. Khi biết phim buồn, bà chỉ xem nửa đầu. Bà nói: "Đời tôi lúc này đã quá muộn để buồn". Beatrice Wood qua đời vào tháng 3-1998, khi chưa xem trọn vẹn Titanic.
105 cũng là độ tuổi của Rose (Kate Winslet đóng thời trẻ, Gloria Stuart đóng thời già) khi bà qua đời trong Titanic. Cũng theo Cameron, bà Beatrice có ảnh hưởng lớn đến Gloria Stuart khi nữ diễn viên nhập vai Rose về già.
Khi xây dựng nhân vật Rose, James Cameron tìm kiếm những đặc điểm như nổi loạn, hoạt bát và hơi nóng nảy. Một người phụ nữ dữ dội bất cứ ai gặp cũng thấy khó quên. Ông tìm thấy điều này khi đọc được cuốn hồi ký mô tả về cuộc đời của Beatrice Wood.
Học giả Francis Naumann cũng nhấn mạnh rằng nữ diễn viên Kate Winslet trông giống Beatrice thời trẻ. Điều đó có nghĩa bà cũng từng có nhan sắc rực rỡ.
Theo Screenrant, giống như Rose, Beatrice sinh ra trong một gia đình giàu có, truyền thống có gốc gác Mỹ. Vốn tính thích phiêu lưu, bà đi khắp châu Âu và Bắc Mỹ. Do đó, bà cũng nhiều lần đi lại bằng tàu biển qua Đại Tây Dương.
Rose và Beatrice đều có thể mô tả là những con người cấp tiến. Ở thời của mình (năm 1912), Rose đã hướng tới bình đẳng giai cấp. Cô hòa nhập với tầng lớp lao động trên con tàu như những người ngang hàng. Cô thấy tù túng khi bị kìm kẹp trong cuộc hôn nhân vì tiền bạc, với những nghi thức cứng nhắc của giới thượng lưu.
Ngoài đời, Beatrice là một họa sĩ và nghệ nhân gốm theo trường phái Avant Garde. Bà có tư tưởng cấp tiến, với những tác phẩm gây sốc thời bấy giờ. Tính cách và lối sống của bà mang bóng dáng Rose - cô gái lớn lên từ nền giáo dục bảo thủ.
Chưa từng đặt chân lên tàu Titanic
Nhưng không giống Rose, Beatrice chưa từng đặt chân lên tàu Titanic. Nói cách khác, bà không hề là hành khách sống sót sau thảm họa đắm tàu Titanic.
Trong khi Rose là một cô gái yêu nghệ thuật, bà Beatrice là một nghệ sĩ thực thụ. Thay vì làm người mẫu, bà tự cầm cọ vẽ tranh. Bà tự học mọi thứ từ vẽ, diễn xuất đến viết tiểu thuyết.
Dù Beatrice chưa từng xác nhận, nhưng một cuốn sách của người cùng thời từng ám chỉ bà có mối tình tay ba với hai nghệ sĩ Marcel Duchamp và Henri-Pierre Roché. Chi tiết này có thể truyền cảm hứng cho mối tình tay ba trong Titanic. Bà cũng có đời sống tình cảm phong phú, từng yêu nhiều đàn ông và cũng nhiều lần tan vỡ trái tim.
Rose và Jack bị ngăn cản bởi sự khác biệt giai cấp, bị chia cắt vì sống chết. Còn ngoài đời, Beatrice cũng có mối tình không thành với một nhà khoa học Ấn Độ vì văn hóa quá khác biệt.
Điểm chung nổi bật nhất giữa Rose và Beatrice là bản tính tự do, không sợ hãi. Trước cả khi gặp Jack, Rose bộc lộ rõ khao khát tự do. Cô mong muốn trải nghiệm cuộc sống phiêu lưu với nghệ thuật, văn hóa, con người.
Còn Beatrice? Chính xác là bà đã làm những điều đó trong suốt cuộc đời mình. Đó cũng là cách Rose đã sống sau khi được cứu lên khỏi làn nước lạnh giá của Đại Tây Dương.
Có lẽ vì quá tiếc nuối anh chàng Jack điển trai, lãng tử trong 'Titanic' phải 'đăng xuất' nên hơn 2 thập kỷ trôi qua, khán giả vẫn kiên trì chê kết phim thiếu logic.
Xem thêm: mth.1282644151203202-cinatit-gnort-neit-pac-ped-hnix-esor-gnan-auc-uam-neyugn-al-ia/nv.ertiout