Bộ GD&ĐT vừa có văn bản giải đáp kiến nghị của cử tri cả nước gửi tới trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Kiến nghị xóa quỹ phụ huynh học sinh
Cử tri Hà Nội cho biết dư luận bức xúc vì một số khoản thu không đúng quy định của Hội Cha mẹ học sinh. Vì vậy đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét lại hoạt động của hội này?
Tương tự, cử tri Đà Nẵng phản ánh thời gian qua tình trạng lạm thu quỹ phụ huynh học sinh và việc thu không thống nhất, mỗi trường, mỗi địa phương thu mỗi kiểu khác nhau đã gây khó khăn cho cha mẹ học sinh. Cử tri kiến nghị nên xóa quỹ phụ huynh học sinh và nếu cần thì quy định thống nhất mức thu chung trên toàn quốc.
Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết Ban đại diện cha mẹ học sinh được quy định tại Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh ban hành kèm theo Thông tư số 55 ngày 22-11-2011. Trong đó nhiệm vụ là phối hợp với nhà trường trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em, học sinh.
Kinh phí hoạt động được quy định trong Điều 10 của Điều lệ. Trong đó nêu Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp các khoản không tự nguyện và các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban như: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường.
Ngoài ra là các khoản mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Tuy nhiên, hiện nay còn có tình trạng một số cơ sở giáo dục chưa thực hiện đúng quy định, vẫn còn lạm thu quỹ phụ huynh học sinh hoặc huy động tài trợ không đúng quy định tại Thông tư 16 ngày 3-8-2018, gây bức xúc cho phụ huynh học sinh.
Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục chỉ đạo các trường làm tốt công tác phối hợp giữa gia đình với nhà trường trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục. Tăng cường công tác truyền thông để phụ huynh học sinh và xã hội hiểu đúng về các quy định, đặc biệt là các khoản thu không đúng quy định.
Tăng cường giám sát việc biên soạn SGK
Nhiều vấn đề liên quan đến câu chuyện SGK chưa thống nhất, chỉ sử dụng một lần gây lãng phí, tốn kém cũng được cử tri cả nước đề cập và được Bộ GD&ĐT giải đáp.
Cử tri Lâm Đồng kiến nghị: Làm rõ có hay không lợi ích nhóm trong biên tập, lựa chọn sách giáo khoa hiện nay, thay đổi sách giáo khoa gây thất thoát, lãng phí tài sản của nhân dân. Từ đó đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo xem xét trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm trong biên tập, lựa chọn sách giáo khoa để xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
Trả lời, Bộ GD&ĐT cho biết hiện quy trình biên soạn SGK được các tổ chức, cá nhân thực hiện theo quy định của Luật Xuất bản, bảo đảm các tiêu chuẩn, tiêu chí về SGK. Ngoài ra, thực hiện việc xã hội hóa khâu biên soạn SGK theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK theo quy định tại Thông tư 33/2017 và Thông tư 05/2022.
Các bài học trong SGK thể hiện đúng, đủ, rõ mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình các môn học, hoạt động giáo dục. SGK các lớp 1, 2, 3, 6, 7 và 10 đã được phê duyệt và đưa vào sử dụng đã đáp ứng được yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, Bộ cũng đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng từ khâu biên soạn, thẩm định, lựa chọn và sử dụng SGK.
Việc lựa chọn SGK được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư 25/2020, trong đó quy trình lựa chọn SGK được quy định tại Điều 8. Các Hội đồng lựa chọn SGK cấp tỉnh dựa trên kết quả lựa chọn SGK của các cơ sở giáo dục phổ thông, đồng thời báo cáo UBND cấp tỉnh về quá trình lựa chọn và tiếp thu kết quả lựa chọn SGK của các cơ sở giáo dục phổ thông.
Tóm lại các quy định của Thông tư bảo đảm tính dân chủ, công khai và minh bạch trong quá trình lựa chọn SGK.
Trong năm qua, Bộ GD&ĐT đã kiểm tra, thanh tra 14 tỉnh, TP. Kết quả cho thấy các cơ sở giáo dục phổ thông và Hội đồng lựa chọn SGK đã thực hiện đúng theo quy định, kết quả lựa chọn SGK của các Hội đồng môn học trùng với kết quả lựa chọn của các cơ sở giáo dục phổ thông.
Bộ GD&ĐT cho biết sẽ tiếp tục tăng cường công tác giám sát việc biên soạn SGK của các tổ chức, cá nhân. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra địa phương trong việc lựa chọn SGK, phát hiện những vướng mắc và xử lý các tiêu cực trong quá trình lựa chọn SGK nếu có.
Vẫn nóng chuyện “chạy trường, chạy lớp, chạy học bạ”
Về kiến nghị ngành giáo dục cần đi vào thực chất, chống hình thức, chấm dứt tình trạng “bệnh thành tích”, chạy trường, chạy lớp, chạy học bạ của cử tri TP.HCM, Bộ GD&ĐT cho biết đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để từng bước nâng cao chất lượng, khắc phục “bệnh thành tích”.
Bộ tổ chức các phong trào thi đua bảo đảm thiết thực, hiệu quả; tinh giản các cuộc thi để giảm áp lực cho giáo viên và học sinh phổ thông. Từ đó chất lượng giáo dục các cấp học và trình độ đào tạo đã có những chuyển biến tích cực.
Bộ tiếp tục giao quyền chủ động cho các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường hướng vào việc phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, thực hiện tốt phương pháp giáo dục tích cực; đổi mới cách đánh giá; thực hiện chuyển đổi số để công khai, minh bạch trong đánh giá kết quả học tập, thi cử, quản lý dữ liệu ngành.
Ngoài ra tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động giáo dục và đào tạo, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực trong ngành.