Hội nghị "Kết nối mở rộng thị trường ngành game Việt Nam" với chủ đề "Vươn tầm thế giới" vào tháng 12/2022.
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, ngành game tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ.
Việt Nam hiện có gần 200 công ty phát hành, sản xuất game trong nước. Khoảng 900 game G1 và hơn 10.000 game G2, G3, G4 đang phát hành tại Việt Nam. Trong lĩnh vực game, Việt Nam có nhiều công ty, doanh nghiệp, cá nhân làm game xuất sắc, trong đó có 1 kỳ lân công nghệ về game. Nhiều tựa game hay do Việt Nam sản xuất đã phát hành ra thị trường toàn cầu.
Trong năm 2021, có đến 28,4 triệu người chơi game tại Việt Nam, doanh thu mang về hơn 665 triệu USD; 50% tựa game mobile được chơi nhiều nhất có nguồn gốc từ Việt Nam; 5/10 game studio hàng đầu Châu Á - Thái Bình Dương và Australia là của Việt Nam; 1/25 game tải trên các kho ứng dụng là của Việt Nam...
Hội nghị Kết nối mở rộng thị trường ngành game Việt Nam là chuỗi hoạt động do Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử khởi xướng, với sứ mệnh phát triển nền công nghiệp game, củng cố và tăng cường mối quan hệ hợp tác trong ngành, khuyến khích phát triển các studio game trong nước lớn mạnh trên đường đua toàn cầu.
Sự kiện lần này được lấy chủ đề “Tầm nhìn mới cho Game Việt” nhằm mang mục đích tháo gỡ những vấn đề cản trở sự phát triển của ngành Game, từ nhận thức cộng đồng, nhân lực chuyên môn đến nguồn vốn.
Trước đó, năm 2022, Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử đã tổ chức thành công Hội nghị Kết nối mở rộng thị trường ngành game Việt Nam với chủ đề "Vươn tầm thế giới".
Hội nghị năm 2023 được kỳ vọng sẽ tạo ra một “điểm chạm”, kết nối các bên liên quan trong lĩnh vực game. Một trong những mục tiêu chính của sự kiện là giúp các doanh nghiệp trong nước xây dựng đội ngũ, studio chất lượng và uy tín nhằm xuất khẩu Game Việt ra thị trường quốc tế.
Hội nghị cũng được kỳ vọng mang đến cho các bạn sinh viên, những người trẻ có cơ hội tiếp cận và tìm hiểu về ngành game Việt Nam một cách đúng đắn hơn, góp phần nâng cao nhận thức về ngành công nghiệp game cũng như cách thức vận hành của các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử sẽ kết nối và thu hút các nhà đầu tư quốc tế, các quỹ đầu tư cũng như các tổ chức tài chính liên quan có quan tâm tới thị trường Game, hỗ trợ họ tìm hiểu và đầu tư vào thị trường Việt Nam, từ đó làm nền tảng cho sự phát triển bền vững của thị trường Game trong nước.
Theo ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử, ngành game Việt Nam đang ngày càng khẳng định được vị thế của mình tại thị trường quốc nội cũng như quốc tế, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển nước nhà. Hoạt động này là bước tiến chiến lược trong công cuộc giúp ngành Game thoát khỏi định kiến và là điểm chạm giúp các doanh nghiệp kết nối với nhau chặt chẽ hơn, hướng tới mục tiêu chung là phát triển diện rộng.
Ông Thái Thanh Liêm, CEO Topebox cho biết, sự kiện này là động thái quan trọng để mở rộng đường cho ngành game Việt. So với các nước trên thế giới, Việt Nam vẫn còn nhiều định kiến về ngành game. Một khi cộng đồng gỡ bỏ những hoài nghi cuối cùng về game, khi các dự án tìm được nguồn lực cần thiết, chúng ta có cơ sở để tin rằng những dự án game Việt sẽ tạo nên điểm nhấn và bức phá mạnh mẽ trong thời gian tới.
Trong khuôn khổ “Hội nghị Kết nối mở rộng thị trường ngành game Việt Nam: Tầm nhìn mới cho Game Việt”, từ ngày 16/2 tới 18/3, cuộc thi “Tìm kiếm dự án Game tiềm năng” sẽ chính thức khởi tranh dành cho các dự án Game Việt Nam tiềm năng nhất.Đây là cơ hội để các doanh nghiệp, studio Game trong nước và những người làm game nghiệp dư được trình bày, thể hiện ý tưởng và đưa dự án của mình tới với các quỹ đầu tư nổi tiếng toàn cầu.
Cuộc thi là một hoạt động quan trọng trong bối cảnh thị trường game đang trở thành một trong những lĩnh vực được quan tâm tại Việt Nam và thế giới với tiềm năng phát triển đáng kể. Với giải Nhất lên đến 10.000 USD cùng cơ hội tiếp xúc và nhận tư vấn từ những chuyên gia đầu ngành và các Quỹ đầu tư uy tín, Ban tổ chức hy vọng cuộc thi sẽ góp phần mang lại những dự án game Việt chất lượng và uy tín.