Theo đó, ông Bùi Xuân Cường chỉ đạo các đơn vị sở, ngành liên quan khẩn trương chủ động rà soát, giải quyết dứt điểm các chỉ đạo của UBND TP.HCM liên quan đến các kiến nghị của Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP.HCM (HoREA) đến thời điểm hiện nay. Trong đó, tập trung xử lý các vướng mắc thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị.
Đối với các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của UBND TP.HCM hoặc bộ, ngành T.Ư thì khẩn trương tham mưu UBND TP hướng giải quyết. Đồng thời có kế hoạch thường xuyên trao đổi, làm việc với các doanh nghiệp BĐS có dự án vướng mắc để hướng dẫn thực hiện.
Đối với các nhóm dự án có vướng mắc liên quan đến Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán, giao các đơn vị liên quan khẩn trương theo dõi, đôn đốc và cập nhật tiến độ cho HoREA, các doanh nghiệp BĐS. Đối với các nhóm dự án có vướng mắc liên quan đến thủ tục về chấp thuận chủ trương đầu tư dự án theo luật Đầu tư, giao Sở KH-ĐT khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý của các đơn vị dự họp, khẩn trương nghiên cứu, đề xuất UBND TP giải quyết các vướng mắc hiện nay.
Sở Xây dựng được giao khẩn trương tiếp thu các ý kiến đóng góp tại cuộc họp, rà soát nghiên cứu tham mưu UBND TP giải quyết các vướng mắc liên quan chuyên đề nhà ở xã hội, nhằm thu hút nguồn lực đầu tư, tạo quỹ nhà, đáp ứng về nhu cầu nhà ở xã hội trên địa bàn TP.
Trước đó, HoREA đã có 4 lần kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, UBND TP.HCM tháo gỡ khó khăn cho hơn 100 dự án BĐS. Trong số đó thì Sở TN-MT chiếm tới 71 dự án, kế đến là Sở KH-ĐT với 28 dự án, Sở Quy hoạch - Kiến trúc 22 dự án, Sở Xây dựng 18 dự án, Cục Thuế TP.HCM có 3 dự án, Sở GTVT có 2 dự án, Sở Tài chính có 1 dự án, Chi cục Tài chính doanh nghiệp (Sở Tài chính) có 1 dự án, UBND TP.Thủ Đức có 2 dự án, UBND quận huyện có 2 dự án, Ban Quản lý khu Nam có 2 dự án.
Theo nhận định của HoREA, thị trường BĐS đang gặp nhiều khó khăn và vướng mắc, trong đó vướng mắc pháp lý là lớn nhất, chiếm 70% khó khăn của các dự án BĐS trong quá trình chuẩn bị đầu tư, xây dựng và kinh doanh, mà nguyên nhân chủ yếu là do một số quy định pháp luật không đồng bộ, thống nhất.