Ông Dương Hoa Xô, Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học kỹ thuật TP.HCM, cho biết TP.HCM đã tổ chức nhiều cuộc họp, thông qua nhiều chính sách mới về thu hút nhân tài nhưng với cơ chế hiện nay, việc thu hút nhân tài rất khó. Ông Xô cho rằng TP.HCM cần tận dụng các nguồn lực xã hội, đào tạo nguồn nhân lực, tận dụng các học bổng từ nước ngoài… Bên cạnh đó, TP cũng cần quan tâm đến đội ngũ trí thức, chuyên gia khoa học đang công tác tại các đơn vị, đảm bảo cho họ đủ điều kiện sống, môi trường làm việc để giữ chân người tài.
Thứ trưởng Bộ KH-CN Lê Xuân Định cho biết đã phối hợp Bộ Tài chính sửa đổi quy định mức chi nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của chủ nhiệm từ 26 triệu đồng lên 40 triệu đồng, nghiên cứu viên từ 8 triệu đồng lên 16 triệu đồng. Dù vậy, những người hỗ trợ nghiên cứu có mức chi khoảng 6 - 8 triệu đồng, khá thấp so với đặc thù về thu nhập, mức sống của TP. Ông Định đề nghị TP.HCM khơi thông nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp để tháo gỡ những khó khăn về trọng dụng nhân tài và cơ chế đặc thù cho các nhà khoa học. Đồng thời, TP.HCM mạnh dạn thử nghiệm các cơ chế chính sách mới, chấp nhận rủi ro trong triển khai ứng dụng công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới.
Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải nhìn nhận lực lượng cán bộ khoa học, công nghệ của TP.HCM 10 năm qua tăng về số lượng nhưng còn thiếu chuyên gia đầu ngành, nhất là trong các lĩnh vực trọng điểm như công nghệ sinh học, công nghệ vi mạch, trí tuệ nhân tạo. Ông Hải nhấn mạnh cần tiếp tục kêu gọi, huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư hạ tầng, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường khoa học công nghệ; tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và phát triển, ứng dụng, chuyển giao các sản phẩm khoa học, công nghệ phục vụ phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng...