Ông Lý chính là nhân chứng 10 năm trước đã kể với chúng tôi về cuộc chiến sáng 17-2-1979 chống quân Trung Quốc, với 45 cán bộ chiến sĩ của đồn hy sinh, qua sự kết nối của thượng tá Bùi Văn Điểm - chính trị viên đồn biên phòng Pò Hèn.
Loạt bài đầu tiên về câu chuyện Pò Hèn bi tráng đăng trên Tuổi Trẻ có được nhờ ông "bắc cầu" với những nhân chứng khác.
Người được chọn
Sau loạt bài về Pò Hèn đúng 10 năm trước, chương trình "Tháng 3 biên giới" ra đời với sự phối hợp của báo Tuổi Trẻ cùng Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng và Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam.
Câu chuyện về trận chiến Pò Hèn với những buồn vui, bi tráng được thức dậy, những đồng đội được kết nối, những kiếm tìm được thắp lên từ tấm lòng người cựu binh là trinh sát của đồn biên phòng Pò Hèn từ cuối năm 1974 đến tháng 2-1979.
Những ngày mưa rát biên ải đầu năm 2013 đó, chúng tôi không thể quên hình ảnh người cựu binh tuổi ngoài 60 trên chiếc xe Kia Morning, mà ông đùa là "con cóc", ngược xuôi trên con đường hẹp nham nhở ổ gà ổ voi từ Móng Cái lên Pò Hèn.
Rồi từ Pò Hèn, ông đưa chúng tôi đi thăm ngôi nhà tình nghĩa của liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm, ra ngôi trường đã từng mang tên chị bên pho tượng đứng ở sân trường...
Gặp lại Hoàng Như Lý trong lần trở lại Pò Hèn này, chứng kiến những gì ông đã làm vì đồng đội suốt 10 năm qua, chúng tôi càng tin ông chính là "người được chọn".
Những người đến với Khu di tích lịch sử quốc gia Pò Hèn chỉ dâng hương, tưởng niệm và tham quan tại đài tưởng niệm, nhưng với Hoàng Như Lý, hình ảnh những đồng đội hy sinh ở chốt đồi Quế, chốt trạm kiểm soát cửa khẩu hay ở đài quan sát đồi Tây luôn ám ảnh ông.
Đã bao năm ông cứ lặn lội tìm lên những điểm chốt xưa, lần theo ký ức để xác định đúng nơi đồng đội hy sinh và đánh dấu lại.
Vậy rồi dịp 27-7-2017, nhân 70 năm Ngày thương binh liệt sĩ, ông tập hợp các đồng đội cũ, vác ba tấm bia đá ghi tên tuổi những anh em hy sinh ở mỗi địa danh rồi vượt núi leo dốc lên dựng bia đúng ngay nơi anh em ngã xuống.
Cắm lên đỉnh đồi một ngọn cờ đỏ sao vàng để anh linh anh em quần tụ. Cứ vài tháng, dịp 17-2 và 27-7, ông lại trèo lên đó làm lễ thay cờ.
Không có một tấm lòng thiết tha trĩu nặng với đồng đội, chắc chắn khó để làm được những việc như ông Lý đã làm.
Lo cho người ngã xuống ở Pò Hèn, ông còn ngược xuôi về tận Hưng Yên để coi sóc ban thờ của anh hùng liệt sĩ Đỗ Sĩ Họa, kết nối với gia đình Vũ Trọng Hùng (con trai liệt sĩ Vũ Trọng Hiên).
Hùng chào đời sau khi bố anh hy sinh sáu tháng. Ngày bố anh hy sinh trong trận Pò Hèn sáng 17-2-1979, anh còn là giọt máu hoài thai từ yêu thương của người lính biên phòng Vũ Trọng Hiên và cô thanh niên xung phong của lâm trường Nguyễn Thị Thê chứ chưa cưới xin gì.
Sau khi Hùng chào đời, những người lính của Pò Hèn, đồng đội của bố anh, đã tìm mọi cách để chị Thê và con được công nhận là vợ và con liệt sĩ. Giờ đây, cùng với ông Lý, Vũ Trọng Hùng cũng là một thành viên tích cực trong các công việc của nhóm mấy anh em đồn Pò Hèn còn lại.
"Ông mai" tổ chức đám cưới cho hai liệt sĩ
Nhưng điều ấn tượng nhất với mọi người là đám cưới của hai liệt sĩ Bùi Văn Lượng và Hoàng Thị Hồng Chiêm mà ông Lý là người chủ xướng. Lần trở lại Pò Hèn này cùng ông Lý vào sáng 5-2-2023, đúng ngày rằm tháng giêng âm lịch.
Thật tình cờ làm sao, cũng đúng ngày này 44 năm trước, ngày 5-2-1979 ông Lý đã cùng đưa cả hai người lên gặp thủ trưởng để chuẩn bị về quê tổ chức lễ cưới, nhưng rồi chiến tranh ập đến và đám cưới ấy mãi mãi không thành hiện thực.
Ông Lý ngậm ngùi nhớ lại: "Ngày 5-2-1979 là ngày mùng 9 tháng giêng năm Kỷ Mùi, Chiêm và Lượng có nhờ tôi đi cùng lên gặp đồn trưởng Vũ Ngọc Mai xin phép để về quê lo chuyện cưới xin, thủ trưởng đồng ý và ủng hộ.
Nhưng sau đó tình hình biên giới căng thẳng, cả hai đều không thể thu xếp được công việc để về quê thưa chuyện với hai bên gia đình cha mẹ, mọi việc riêng tư lúc đó phải dừng lại.
Thế rồi trong trận đánh sáng 17-2-1979 ở Pò Hèn, cả Lượng và Chiêm cùng hy sinh bên nhau.
Mỗi khi nghĩ về hai người đồng đội, ông Lý cứ cảm thấy như mình vẫn còn nợ cả hai một lễ cưới mà lẽ ra nếu không có chiến tranh, rất có thể giờ đây họ cũng đã như ông, hôm sớm vui vầy bên những đứa con và đàn cháu.
Sao lại không thể tổ chức một đám cưới cho hai liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm và Bùi Văn Lượng nhỉ?
Đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh liệt sĩ 27-7-2017, ông Lý và các anh em đồng đội cựu binh quyết định kết nối giữa hai gia đình liệt sĩ Bùi Văn Lượng và gia đình liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm.
Bố mẹ của anh Lượng và chị Chiêm cũng đã qua đời, chỉ còn anh chị em ruột của hai bên. Để kết nối đầy đủ thành viên hai gia đình, thống nhất được câu chuyện về "đám cưới liệt sĩ" là việc chưa từng có, nhưng anh em vẫn cố gắng đi đi về về giữa Hạ Long và Móng Cái để thuyết phục và lên kế hoạch tổ chức lễ cưới.
Sáng ngày 6-8-2017, từ Hạ Long, chiếc xe chở các đại diện nhà trai của "chú rể liệt sĩ" Bùi Văn Lượng xuất phát đi Móng Cái. Anh trai của anh Lượng là ông Bùi Văn Huy làm trưởng đoàn.
Ông Lý nhớ lại: "Khi chúng tôi vào đến nhà gái, theo sự chỉ dẫn của em trai và em dâu của liệt sĩ Chiêm, sau khi hoàn tất việc sắp đặt sinh lễ theo nghi thức, tôi được cử đại diện cho hai họ phát biểu.
Mọi người xếp hàng nghiêm trang đứng trước bàn thờ và ảnh chân dung của hai liệt sĩ. Tôi mới nói được câu "Kính thưa vong linh hai liệt sĩ Bùi Văn Lượng và Hoàng Thị Hồng Chiêm" thì mọi người ai cũng khóc, có người khóc thành tiếng to làm tôi nghẹn ngào khó nói lên lời.
Làm thủ tục cưới xin xong, hai bên gia đình và bạn bè của chị Chiêm anh Lượng cùng nhau dự bữa cơm thân mật mừng lễ vu quy và thành hôn của hai liệt sĩ. Qua giờ ngọ, sắp đến giờ đẹp đã được tính trước, họ nhà trai xin phép được "rước dâu" về Hạ Long.
Tấm di ảnh "cô dâu liệt sĩ" được đem lên xe hoa cùng di ảnh anh Lượng như một đôi tân lang tân nương cùng bên nhau về nhà chồng. Trước lúc tiễn đưa "cô dâu liệt sĩ" lên xe về nhà chồng tận Hạ Long, mọi người lại nước mắt đầm đìa thay cho lời tạm biệt.
Vậy là cuối cùng tôi cũng đã thực hiện được nguyện vọng của cô chú Chiêm và Lượng, trong lòng cảm thấy cũng được thanh thản hơn, giờ đây cũng chỉ cầu mong vong hồn cô chú dưới suối vàng được siêu thoát".
Còn một đồng đội chưa tìm được hài cốt
Trong trận đánh ngày 17-2-1979, Hoàng Như Lý là lính trinh sát đồn Pò Hèn. Ông bị thương và ngất đi rồi bị quân địch bắt qua bên kia biên giới và đến ngày 22-6-1979 được trao trả qua cửa khẩu Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn.
Sau đó, ông chuyển ngành về Lâm trường Hải Ninh. Trong thời gian này, ông cùng đơn vị tham gia xây dựng nghĩa trang liệt sĩ Vày Kháy, quy tập các mộ liệt sĩ hy sinh ở trận Pò Hèn ra an táng.
Nhờ vậy, ông nắm kỹ mộ phần đồng đội và sau 44 năm điều trăn trở nhất của Hoàng Văn Lý là vẫn còn một liệt sĩ của đồn chưa tìm được hài cốt là liệt sĩ Nguyễn Văn Hiện quê Đông Triều, Quảng Ninh.
Những ngày đầu xuân Quý Mão này, chúng tôi trở lại Pò Hèn sau tròn 10 năm kể từ dạo cuộc chiến biên giới phía Bắc được báo chí đề cập trở lại.
Xem thêm: mth.16764709071203202-neh-op-neyuhc-ek-iougn/nv.ertiout