Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản sáng 17/2, đại diện cho doanh nghiệp bất động sản, ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần tập đoàn địa ốc Nova (Novaland) kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước ban hành một quy định cho phép các ngân hàng giãn, hoãn 2-3 năm và giữ nguyên nhóm nợ cho các dự án bất động sản.
"Việc này để giúp các doanh nghiệp có thời gian chờ thị trường hồi phục và hoàn thiện pháp lý dự án. Việc trợ giúp kịp thời rất quan trọng nhằm phòng tránh 10-20% dư nợ của nền kinh tế bị chuyển sang nợ xấu", ông nói.
Bên cạnh đó, ông Nhơn cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo tháo gỡ pháp lý tận gốc cho các dự án của doanh nghiệp trên cả nước.
Với lãi suất, theo ông, từ cuối năm ngoái, tốc độ tăng lãi suất khá nhanh, có khoản vay đã tăng gần 30%. Nếu mức tăng này tiếp tục duy trì thì dự án đang vay mức lãi suất cũ sẽ thành lỗ ở mức lãi suất mới. Do đó, doanh nghiệp đề nghị có biện pháp để giảm mặt bằng lãi suất huy động, qua đó nhanh chóng giảm lãi suất cho vay phục hồi thị trường. Ông cũng đề xuất các ngân hàng thương mại cũng nên giảm biên lợi nhuận để đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp.
Với trường hợp của Novaland, ông Nhơn cho rằng chỉ cần hoàn thiện một số thủ tục pháp lý, doanh nghiệp sẽ đủ điều kiện giải phóng hơn 10.000 tỷ đồng trên tổng số 25.000 tỷ đồng đang bị phong tỏa tại các ngân hàng. Không chỉ vậy, ông mong Thủ tướng chọn khu đô thị vệ tinh Aqua City tại tỉnh Đồng Nai làm dự án thí điểm để Tổ công tác của Thủ tướng cùng địa phương tháo gỡ khó khăn và thời gian tháo gỡ trong 1 tháng.
"Trong 1-2 tháng tới, nếu vấn đề này được giải quyết, Novaland sẽ có nguồn vốn để hoạt động bình thường", ông Nhơn nói.
Khó khăn về vốn cũng được Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nêu tại hội nghị. Ông cho biết, qua khảo sát, các doanh nghiệp đang rất khó khăn trong tiếp cận, vay vốn từ ngân hàng, tổ chức tín dụng. Lãi suất cho vay cuối năm ngoái tăng 2 đợt (vào tháng 9, tháng 11) cũng khiến doanh nghiệp khó khăn trong huy động vốn.
Trong báo cáo gửi trước thềm Hội nghị, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA), dẫn thông tin cho thấy quý III/2022 đã xuất hiện tình trạng doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà ngày càng khó vay vốn tín dụng tại các ngân hàng thương mại, nhiều hợp đồng tín dụng bị ngưng giải ngân giữa chừng. Hiệp hội và nhiều chuyên gia đã đề nghị nới "room" tín dụng năm 2022 thêm 1-2% vào đầu quý IV nhưng đến gần cuối quý này, room mới được nới. Trong năm 2022, đã có 16 ngân hàng thương mại cam kết hỗ trợ giảm lãi vay cho một số đối tượng nhưng chỉ với giá trị khoảng 3.500 tỷ đồng.
Ông Châu cũng đặt vấn đề khi doanh nghiệp nói chung khó khăn, các ngân hàng lại có kết quả kinh doanh "tươi sáng", lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước trong suốt 3 năm Covid-19.
"Hy vọng các tổ chức tín dụng thấu hiểu và chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp như những người cùng trên một con thuyền", ông nói.
HoREA theo đó đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cân nhắc "nới tiêu chí" nhưng không phải là "hạ chuẩn tín dụng" để doanh nghiệp bất động sản được tái cơ cấu khoản nợ vay tín dụng đến hạn' giữ nguyên nhóm nợ, được "khoanh nợ xấu" đối với một số khoản nợ "nhóm 2, nhóm 3" để có thể được vay vốn tín dụng mới đối với dự án bất động sản có đầy đủ pháp lý, có tài sản bảo đảm, có tính khả thi, được tổ chức tín dụng đánh giá có khả năng trả lãi, trả nợ gốc.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty GP.Invest cũng nêu quan điểm, bên cạnh sử dụng vốn chủ sở hữu, doanh nghiệp chỉ dựa vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng và đối tác, kể cả đối tác nước ngoài để bổ sung nguồn vốn. Do vậy, trước thông tin Ngân hàng Nhà nước không siết tín dụng bất động sản vừa qua, doanh nghiệp cảm thấy yên tâm hơn vì sắp phải vay 8.000 tỷ thực hiện các dự án.
Ông đề xuất Ngân hàng nhà nước cho phép sử dụng tài sản hình thành trong tương lai tại dự án để vay vốn nếu phương án kinh doanh đảm bảo hiệu quả mà không phải sử dụng tài sản độc lập khác. Đại diện GP.Invest đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét lại hệ số rủi ro khi đánh giá các khoản vay bất động sản cho từng trường hợp cụ thể tùy thuộc vào tín nhiệm của mỗi khách hàn. Hiện hệ số rủi ro đồng loạt ở mức 200% với tất cả chủ đầu tư.
Ông nhấn mạnh, với bất động sản nói chung, tín dụng vẫn là "nguồn sữa" chính cho các doanh nghiệp nên chúng tôi đề nghị về chính sách tín dụng cần có "dự lệnh" trước khi ra "động lệnh" để tránh những khó khăn đột ngột cho doanh nghiệp như trong thời gian vừa qua.
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng, khẳng định ngân hàng không hạn chế cấp tín dụng đối với ngành bất động sản. Đến cuối năm ngoái, dư nợ tín dụng của mảng này tại ngân hàng tăng 17,46% so với cuối 2021, chiếm 20% tổng dư nợ chung.
Ông cho biết Vietcombank cũng đang ưu tiên cấp tín dụng vào phân khúc bất động sản công nghiệp, khu chế xuất. Với lĩnh vực du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng, văn phòng, cao ốc thương mại, ngân hàng có nhiều hỗ trợ để hạn chế tác động của đại dịch như cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ, áp dụng lãi suất ưu đãi, hạ lãi suất...Ngân hàng cũng sẽ cấp tín dụng có chọn lọc với từng phân khúc bất động sản này.
Với bất động sản đất, nhà ở, ông cho biết định hướng cấp tín dụng của Vietcombank là các khách hàng có nhu cầu mua để ở, có thu nhập ổn định, minh bạch. Ngân hàng cũng duy trì tài trợ với các dự án nhà, đất đáp ứng đầy đủ thủ tục pháp lý.
Nói thêm về vướng mắc trong quá trình cho vay bất động sản, ông Tùng cho rằng nguyên nhân là sự thay đổi văn bản pháp lý, chính sách qua các thời kỳ. Ngoài ra, việc cấp tín dụng cũng bị ảnh hưởng bởi sự thiếu cân đối trong nguồn cung trên thị trường (dư phân khúc cao cấp, thiếu hụt phân khúc phù hợp với túi tiền người dân), tồn tại hiện tượng đầu cơ, lướt sóng.
Ngoài ra, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo ông còn nhiều tồn tại dẫn đến rủi ro thanh khoản của thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng như khả năng tiếp tục huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản qua kênh này. Từ đó, tác động lớn tới khả năng phát triển và hoàn thiện các dự án của doanh nghiệp.
Đức Minh - Anh Minh