Mong sớm hạ lãi suất, gia hạn trả nợ trái phiếu
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc "Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững", ông Nguyễn Quốc Hiệp - chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty GP.INVEST - cho biết, hiện doanh nghiệp đang chuẩn bị một loạt dự án với tổng mức đầu tư khoảng 15.000 tỉ đồng.
“Dự kiến chúng tôi phải vay tín dụng ngân hàng khoảng 8.000 tỉ khi triển khai các dự án này. Vì vậy, đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép sử dụng tài sản hình thành trong tương lai của chính dự án để vay vốn ngân hàng, nếu như phương án kinh doanh đảm bảo có hiệu quả mà không phải sử dụng tài sản đảm bảo độc lập khác".
Doanh nghiệp cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo xem xét lại hệ số rủi ro khi đánh giá các khoản vay bất động sản cho từng trường hợp cụ thể, tùy thuộc vào tín nhiệm của từng khách hàng, từng dự án mà không đánh giá hệ số rủi ro đồng loạt 200% đối với tất cả chủ đầu tư.
Về tổng thể, doanh nghiệp kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có biện pháp chỉ đạo để hạ lãi suất sớm nhất.
Ông đề nghị Thủ tướng giao thẩm quyền cho Tổ công tác yêu cầu các địa phương phải tập hợp cập nhật báo cáo những dự án bị chậm thường xuyên, nêu nguyên nhân cụ thể và đề xuất hướng giải quyết để Tổ công tác xử lý (ví dụ về giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch, định giá đất…).
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, năm 2023 sẽ có một lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp đến hạn thanh toán trong bối cảnh thị trường bất động sản đang trầm lắng. Vì vậy để giải quyết tháo gỡ, trước hết cần thiết phải cho gia hạn các trái phiếu này để tháo bớt áp lực dòng tiền thanh toán cho các công ty phát hành.
Đừng đổ hết lỗi cho siết tín dụng
Tổng giám đốc Vietcombank (VCB) Nguyễn Thanh Tùng cho biết, VCB định hướng lĩnh vực bất động sản mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả, tập trung vốn vào bất động sản phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, bất động sản để đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng, tự sử dụng.
Cụ thể, tính đến 31-12-2022, dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản tại VCB tăng 17,46% so với thời điểm cuối năm 2021 và chiếm hơn 20% tổng dư nợ tín dụng của VCB. Với số liệu về tăng trưởng tín dụng bất động sản trong năm qua như đã báo cáo, có thể khẳng định về phía VCB không có các hạn chế cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tới cuối năm 2022, tổng dư nợ tín dụng bất động sản khoảng 2,58 triệu tỉ đồng, tăng 24% so với năm 2021, chiếm khoảng 21% tổng dư nợ của nền kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước khẳng định, ngành ngân hàng đã dành lượng vốn lớn cho bất động sản, tỉ trọng tín dụng bất động sản ba năm qua duy trì bình quân ở mức 19-21%, riêng năm 2022 là 21,6%, cao nhất 3 năm qua.
Về tỉ lệ tăng trưởng cũng rất cao, riêng năm 2022 là 24,2%, là một trong những lĩnh vực có mức tăng trưởng tín dụng cao nhất, hơn nhiều so với tỉ lệ tăng trưởng tín dụng chung toàn nền kinh tế (14,17%). Trong đó, tín dụng bất động sản với mục đích tự dùng, tự sử dụng tăng trên 30%.
Theo Ngân hàng Nhà nước, áp lực với tín dụng ngân hàng cho bất động sản vừa qua không phải do điều hành tín dụng, Ngân hàng Nhà nước không siết, không thắt chặt tín dụng, mà do những khó khăn trong thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp phát hành trái phiếu để phát triển bất động sản nhưng chọn điều kiện phát hành dễ, không quản lý tốt dòng tiền nên bị động khi có sự cố xảy ra.
Cơ quan quản lý tiền tệ khẳng định, kết quả dư nợ tín dụng bất động sản thể hiện sự cố gắng của ngành ngân hàng bởi ngoài bất động sản, các ngân hàng thương mại còn cho vay nhiều ngành nghề khác, tùy "khẩu vị" rủi ro, nên cần cân đối hợp lý, hài hòa giữa các ngành kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại dành vốn cho các dự án bất động sản đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm và đảm bảo kế hoạch trả nợ, nhất là dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và dự án nhà ở thương mại giá rẻ có hiệu quả cao.
Sẽ kiểm soát rủi ro cấp tín dụng với phân khúc bất động sản cao cấp
Ngân hàng sẽ kiểm soát rủi ro cấp tín dụng với phân khúc bất động sản cao cấp đang dư thừa nguồn cung, không có nhu cầu thực hoặc kinh doanh có tính chất đầu cơ, làm giá, lũng đoạn thị trường.
Các ngân hàng sẽ kiểm toán mức độ tập trung tín dụng vào một số nhóm khách hàng, khách hàng lớn, có liên quan tới cổ đông lớn, cho vay chéo để cân đối tỉ trọng dư nợ cấp tín dụng với bất động sản một cách hợp lý, đảm bảo an toàn cho hoạt động ngân hàng.
Kiểm tra, kiểm soát chặt cấp tín dụng, sử dụng vốn, nhất là với doanh nghiệp, tập đoàn, dự án sân sau.
Hôm nay 17-2, Hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững được tổ chức. Doanh nghiệp kỳ vọng những giải pháp đột phá sẽ được đưa ra để khơi thông vướng mắc, khó khăn về pháp lý dự án.