Theo Autoevolution, một người tên John (hay còn gọi là ST) ở Canada đã mua lại Tesla Model S Performance 2013, mang đến trung tâm dịch vụ của Tesla, sửa một số thứ và xin giấy chứng nhận an toàn để được đăng ký sở hữu xe theo quy định.
Đến đây, vấn đề đã xảy ra. Sau khi sửa và cập nhật, mã lỗi BMS_u029 xuất hiện. Xe bị mắc lỗi này sẽ cần phải thay pin mà theo báo giá của Tesla là 20.000 USD (472,5 triệu đồng). Điều đó đã khiến John “vỡ mộng”.
Chi phí sửa xe Tesla “trên trời”
John cho biết: “Với người cần mua xe mà có mong muốn bảo vệ môi trường, mua xe điện đã qua sử dụng là một lựa chọn tốt. Bảo dưỡng các sản phẩm đã được sử dụng sẽ mang tính bền vững hơn là chế tạo ra xe mới và vứt xe cũ đi sau 200.000km. Tôi khá quan ngại thái độ của Tesla đối với những chiếc xe họ đã làm ra. Điều này có thể dẫn đến núi rác khủng khiếp trong tương lai”.
John đã chi 18.000 CAD (13.497 USD) mua Tesla Model S, 4.000 CAD sửa chữa (không thay pin), rồi phải bán đi với giá 8.000 CAD, khiến anh mất 14.000 CAD (10.498 USD hay 248 triệu đồng) chỉ trong vài tuần.
Tất cả là do hệ thống quản lý pin (BMS) của Tesla không thực hiện các bài kiểm tra theo đúng thiết kế. Chỉ đến khi John mang xe đi sửa, thay thế bộ phận điều khiển phương tiện (MCU), hệ thống mới báo lỗi và yêu cầu thay pin. Về mặt lý thuyết, có thể lỗi này đã tồn tại từ lâu, thậm chí trước cả khi hết hạn bảo hành 8 năm.
“Tôi có đủ khả năng tài chính mua xe mới, nhưng tôi luôn mua xe đã qua sử dụng. Bởi như thế tôi sẽ tránh mất phần giá trị khấu hao những năm đầu không đáng có [ý chỉ những khấu hao “lãng phí” như rời khỏi showroom là mất luôn một phần giá trị - PV]. Sau trải nghiệm này, tôi sẽ tập trung vào việc điều chỉnh cuộc sống sao cho không cần dùng đến ô tô, vì điều đó sẽ giúp giảm lượng khí thải nhiều nhất”, anh chia sẻ.
Sau kinh nghiệm đáng nhớ, John cảnh báo những ai muốn mua xe Tesla cũ cần cẩn thận, đặc biệt nếu bộ pin không còn hạn bảo hành.
“Tôi không khuyên ai mua xe Tesla cho đến khi hãng giải quyết được vấn đề này. Thị trường đã qua sử dụng không cần những chiếc xe phải sửa chữa với giá hàng chục nghìn USD chỉ sau 200.000km”, John kết luận.
“Mất không” cục pin khi sửa xe chính hãng Tesla
John cũng không hài lòng về cách Tesla đối xử với bộ pin bị lỗi “như thể đương nhiên của khách hàng”. “Một điều nữa khiến tôi thất vọng là Tesla không trả tiền thu mua pin cũ. Khi thay pin, họ sẽ lấy luôn pin cũ. Chỉ cần sửa lại một chút là họ có thể bán lại với giá 20.000 USD cho người khác. Đáng ra khách hàng phải được hưởng chính sách thu cũ đổi mới như những công ty khác”, John phàn nàn.
Một chủ xe khác là Donald Bone của kênh YouTube Rich Rebuilds cũng gặp phải vấn đề tương tự. Hãng báo rằng chiếc Tesla Model 3 của anh phải thay pin chỉ vì chất làm mát bị rò rỉ với giá lên tới 16.000 USD (378 triệu đồng) và còn không trả lại pin cũ bị thay. Mang xe đi sửa bên ngoài, anh chỉ mất 700 USD (16,5 triệu đồng).
Nguyện vọng của John có thể hiểu được, bởi pin cũ có thể tái chế thành pin mới. Thậm chí, Volkswagen còn muốn giữ quyền sở hữu nguồn tài nguyên quý này bằng cách cho thuê xe điện cũ. Hay VinFast bán xe và cho thuê pin, giúp giảm gánh nặng từ linh kiện hỏng.
Nhiều người cho rằng sở hữu xe điện sẽ mất ít tiền hơn cho việc nạp năng lượng so với lái xe xăng dầu, thì một nghiên cứu khác lại cho thấy điều ngược lại, ít nhất ở phân khúc giá tầm trung.