Theo UBND TP.HCM, dự án vành đai 3 TP.HCM có vai trò hết sức quan trọng trong kết nối liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Chính phủ đã xác định Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nắm giữ vai trò "đầu tàu", dẫn dắt, phát triển bền vững đối với kinh tế đất nước.
Cụ thể, đường vành đai 3 TP.HCM sẽ kết nối trực tiếp TP.HCM với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An và kết nối liên vùng với các tỉnh khác như Tiền Giang, Vĩnh Long, An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu…
Con đường hình thành sẽ tạo động lực phát triển cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Theo UBND TP, hiện nguồn vật liệu đã xây dựng và đất đắp nền đường cho dự án vành đai 3 TP.HCM cơ bản đã đáp ứng nhu cầu. Riêng đối với nguồn cát xây dựng và cát đắp nền đường vẫn còn thiếu.
UBND TP đề nghị các tỉnh hỗ trợ để đảm bảo đủ vật liệu xây dựng cung cấp cho dự án. Trong đó, có chủ trương cho phép khai thác khoáng sản (cát xây dựng, cát đắp nền) tại các mỏ cát của địa phương để phục vụ cho dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 TP.HCM.
UBND các tỉnh thành chỉ đạo sở tài nguyên và môi trường địa phương, cơ quan chuyên môn, chủ đầu tư dự án thành phần phối hợp tổ công tác rà soát, điều phối nguồn vật liệu xây dựng cung cấp cho dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 TP.HCM làm việc với các chủ mỏ khoáng sản tại địa phương nhằm đảm bảo nguồn vật liệu cung cấp cho dự án.
Dự án vành đai 3 TP.HCM dài 76km có mốc tiến độ khởi công vào tháng 6-2023. Ước tính con đường cần gần 15 triệu m3 vật liệu, dự kiến được lấy từ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Vĩnh Long, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang và An Giang.
Tại buổi làm việc giữa Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM và Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương mới đây, đối với cát xây dựng, Bình Dương và Đồng Nai đảm bảo đáp ứng đủ 70% nhu cầu, 30% khối lượng còn lại dự kiến lấy tại An Giang và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Với cát đắp nền (cát san lấp), các mỏ khoáng sản ở tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long có khả năng đáp ứng khoảng 3,6 triệu m3, tương đương 50% nhu cầu. 50% cát đắp nền còn lại dự kiến lấy tại tỉnh Đồng Tháp (khoảng 20%) và tỉnh An Giang (khoảng 30%).
Hàng loạt dự án giao thông được triển khai tại khu vực miền Trung, Đông Nam Bộ, miền Tây đang đối mặt tình trạng khan hiếm đất đắp nền, cát và đá xây dựng. Nguồn vật liệu này lấy từ đâu, khai thác ra sao đang là vấn đề gây đau đầu.