Nhiều tín hiệu vui ngay từ đầu năm
Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 1/2023 ước đạt 6,8 tỷ USD, giảm 18,6% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, xuất khẩu khoảng 3,72 tỷ USD, giảm 23,6%; nhập khẩu ước khoảng 3,1 tỷ USD, giảm 11,5%.
Xuất khẩu nông sản tháng 1/2023 các mặt hàng từ cá tra, các sản phẩm từ gỗ và gỗ, cà phê đều sụt giảm mạnh tuy nhiên tháng 1 lại ghi nhận tăng trưởng dương với mặt hàng rau quả. Xuất khẩu rau quả tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2022 và đã đạt giá trị 300 triệu USD.
Theo các chuyên gia, sự mở cửa thương mại bình thường trở lại sau Covid-19 của thị trường Trung Quốc cùng với đó nhiều thị trường lớn được mở như: Nhật Bản, New Zealand… chính là nhân tố thúc đẩy tăng trưởng cho mặt hàng này.
Thực tế tháng 1 tại các cửa khẩu ghi nhận sự nhộn nhịp hoạt động giao thương giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Trong đó, rau quả là mặt hàng xuất khẩu chủ lực.
Tại Lạng Sơn, theo thống kê của Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VI, từ ngày 1/1 đến hết ngày 13/2/2023 (khoảng 1 tháng rưỡi), đã có 1.360 lô hàng hoa quả các loại với gần 220.000 tấn đã được xuất khẩu qua 5 cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn, tăng 140% so với cùng kỳ năm 2022.
Riêng tại cửa khẩu Tân Thanh, trong thời gian nói trên, Hải quan cửa khẩu đã làm thủ tục xuất khẩu 827 lô hàng hoa quả với gần 155.000 tấn, tăng gần 200% so với cùng kỳ năm 2022, kim ngạch đạt hơn 48 triệu USD.
Còn tại Lào Cai, ông Vương Trịnh Quốc, Trưởng ban Quản lý khu kinh tế Cửa khẩu Lào Cai cho biết, trong tháng 1 có hơn 6.000 lượt phương tiện xuất nhập hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai, chủ yếu là Cửa khẩu Kim Thành. Trong đó có 2.000 lượt xe xuất và 4.000 lượt xe nhập khẩu, với các mặt hàng chủ yếu là hoa quả tươi, đậu xanh, lạc, sắn trong đó thanh long tươi chiếm 80%.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam đánh giá với việc Trung Quốc mở cửa hoàn toàn, doanh nghiệp xuất khẩu rau quả rất thuận lợi, tiết kiệm được nhiều chi phí. Hàng hóa không chỉ sẽ xuất khẩu được nhiều hơn, thông quan nhanh hơn, chất lượng sản phẩm sẽ đảm bảo hơn nên hiệu quả đem lại chắc chắn cao hơn năm 2022.
Cùng với thị trường Trung Quốc, ngành rau, quả cũng liên tiếp đón tin vui khi một số loại hoa quả được cấp phép xuất khẩu vào những thị trường lớn. Điển hình, ngày 3/1 tại Long An, hơn 10 tấn nhãn tươi đầu tiên của Việt Nam đã được xuất sang thị trường Nhật Bản, mở ra cơ hội tăng trưởng cho trái cây Việt trong năm 2023. Ngày 5/1, sản phẩm cam của các tổ hợp tác ở huyện Cao Phong (Hòa Bình) đã được doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu lần đầu tiên sang Anh với khối lượng 7 tấn…
Nhiều chuyên gia nhận định, một số ngành hàng xuất khẩu dự báo sẽ bị ảnh hưởng mạnh bởi lạm phát, nhưng rau quả sẽ không bị tác động mạnh như các ngành hàng đó. Dự báo, năm 2023 tăng trưởng xuất khẩu sẽ đạt khoảng 20% so với năm 2022. Năm 2022 đạt gần 3,4 tỷ USD thì năm 2023 xuất khẩu rau quả có thể đạt 4 tỷ USD và tiến tới mốc 5 tỷ USD vào năm 2025.
Về con số 4 tỷ USD có thể đạt được, ông Đặng Phúc Nguyên phân tích, năm 2022 riêng xuất khẩu sầu riêng đạt trên 420 triệu USD mà chủ yếu vào quý 4 - sau khi được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Như vậy, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng rau quả khác của năm 2022 đạt gần 3,4 tỷ USD.
“Năm 2023, Việt Nam có thể xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc rất nhiều khả năng có thể đem về được 1 tỷ USD. Thêm 3 tỷ USD các mặt hàng khác như năm ngoái là 4 tỷ USD,” ông Đặng Phúc Nguyên nói.
Tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh
Tuy nhiên theo các chuyên gia, bên cạnh những cơ hội thì ngành rau quả nước nhà đang đối mặt với những sức ép mới và đòi hỏi ngành hàng này phải có những đổi mới về chất để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên đánh giá, năm 2023 ngành xuất khẩu rau, quả của Việt Nam có nhiều cơ hội bứt phá, nhất là tại thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong việc đẩy mạnh xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc là hiện Việt Nam còn tới 7/12 mặt hàng chưa có nghị định thư. Điều này khiến một số mặt hàng chủ lực của Việt Nam như thanh long, xoài, mít khó phát huy hết tiềm năng.
Một vấn đề nữa được ông Nguyên đặt ra là thời gian xét duyệt mã số vùng trồng, mã số đóng gói khá dài. Ví dụ như thanh long cần khoảng 6-7 tháng để được phê duyệt, sầu riêng có tiềm năng và giá trị lớn nhưng mã số cấp còn ít, chiếm khoảng 5% tổng diện tích vùng trồng.
Để nắm bắt cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thành Nam cho biết, mới đây Trung Quốc đã khai thông tuyến đường sắt giữa Lào và Thái Lan. Như vậy, thời gian vận chuyển hàng hóa, trong đó có các sản phẩm nông sản từ Thái Lan sang Trung Quốc sẽ giảm bớt 1 ngày, cùng với đó chi phí vận chuyển sẽ giảm trên 20%. “Nếu doanh nghiệp của chúng ta không cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm và giảm chi phí thì đây là thách thức trong vấn đề xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc”, ông Nam nói.
Về những giải pháp cho xuất khẩu nông sản nói chung và rau quả nói riêng trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân thông tin, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT thúc đẩy các chương trình xúc tiến thương mại trên nền tảng số, ứng dụng công nghệ thông tin để đẩy mạnh xuất khẩu, tiêu thụ nông sản; đồng thời thực hiện có hiệu quả phòng vệ thương mại, xử lý các tranh chấp trong thương mại quốc tế..., tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, đặc biệt là với thị trường Trung Quốc.
“Bộ Công Thương đang xây dựng kế hoạch phối hợp với các bộ, ngành của Việt Nam và các cơ quan liên quan phía Trung Quốc để tổ chức Diễn đàn thương mại Việt Nam - Thượng Hải lần thứ nhất về xuất khẩu chính ngạch nông sản, hải sản Việt Nam vào thị trường Trung Quốc qua cảng Thượng Hải. Dự kiến, diễn đàn sẽ được tổ chức trong tháng 4 tới tại Hà Nội”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết thêm.
Bên cạnh những giải pháp về xúc tiến mở rộng thị trường, các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả cần chủ động ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến; gia tăng xuất khẩu các mặt hàng rau quả chế biến để tăng giá trị.
Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Lê Thanh Hòa nhận định: “Thị trường trái cây và rau quả chế biến của thế giới dự báo đạt khoảng 392 tỷ USD vào năm 2025. Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là trái cây tươi, khó vận chuyển xa do không thể bảo quản được lâu. Vì thế, Bộ NN&PTNT đề nghị doanh nghiệp ngành rau quả tập trung vào phân khúc sản phẩm chế biến. Đây là xu hướng của thị trường trong thời gian tới. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp cần duy trì sản lượng và luôn bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, bởi đây là yếu tố sống còn để chúng ta giữ được thị trường”.
Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các bộ, ngành, doanh nghiệp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nhất là thương mại số. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, tận dụng lợi thế từ các Nghị định thư, cũng như các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới - FTA đã được ký kết chắc chắn sẽ tạo ra động lực lớn cho xuất khẩu rau quả. Do vậy, các vùng trồng rau quả cần tập trung tái cơ cấu sản xuất, chế biến để bảo đảm nguồn cung ổn định và đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt từ thị trường nhập khẩu.
Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, Đại Đoàn Kết, Hà Nội mới)