vĐồng tin tức tài chính 365

Gỡ khó cho doanh nghiệp

2023-02-18 07:55

Ngày 17-2, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên cùng Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan chủ trì Hội nghị gặp gỡ, lắng nghe các đề xuất của doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP HCM.

Đủ bề khó khăn

Tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM (HUBA), cho biết nhiều DN trong lĩnh vực từ dệt may, đồ gỗ… phản ánh họ đang bị thiếu đơn hàng và bị cạnh tranh gay gắt về giá, không ít khách hàng đưa ra mức giá chỉ bằng 50% so với mức bình thường, thậm chí có khách hàng đưa ra chỉ bằng 40%. Nhiều DN đã phải cắt giảm lao động, giảm quy mô sản xuất từ cuối năm 2022.

Bên cạnh đó, những khó khăn từ thị trường bất động sản cũng lan sang các ngành khác, thậm chí khiến một số ngành "vạ lây". Cụ thể, giá thép giảm 60% do lượng cung quá lớn trong khi nhu cầu giảm, sản lượng xuất khẩu thép giảm 69,3%; nhà máy xi măng ế ẩm, xuất khẩu giảm 55%, thị trường trong nước cũng sụt giảm khi đầu tư công và dự án bất động sản đình đốn. "Sự sụt giảm của niềm tin trên thị trường bất động sản khiến mọi thứ gần như đóng băng và có khả năng còn kéo dài" - ông Nguyễn Ngọc Hòa nói.

Đại diện các hiệp hội ngành nghề trên địa bàn TP HCM còn phản ánh DN đang rất khó khăn trong tiếp cận vốn và phải chịu lãi suất cao. Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may - Thêu đan TP HCM, thông tin thêm không chỉ lãi suất cho vay quá cao, ngân hàng kiểm soát chặt vốn tín dụng mà một số ngân hàng còn định giá lại tài sản thế chấp chỉ bằng 50% năm ngoái rồi giảm hạn mức tín dụng, càng khiến DN khó khăn hơn. "Hiện nhiều DN chỉ sản xuất cầm chừng, tối thiểu, trong bối cảnh này cộng thêm dòng tiền gặp khó sẽ dễ dẫn tới nợ xấu" - ông Phạm Văn Việt lo lắng.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vietravel, ví von trong bối cảnh sức khỏe tài chính của DN yếu đi sau COVID-19 và chưa thể phục hồi thì việc khó tiếp cận vốn giống như DN không có "ôxy" để thở, rất khó khăn.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Thực phẩm TP HCM, cho rằng lãi suất tăng cao đang ăn mòn lợi nhuận của các DN trong ngành thực phẩm, dù đây là ngành hiếm hoi vẫn duy trì được năng lực sản xuất thời gian qua.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Thực phẩm TP HCM, phát biểu tại hội nghị

Giải quyết từng kiến nghị

Ngoài khó khăn về vốn, các DN phản ánh còn nhiều vấn đề khác liên quan đến thu hút đầu tư, giá thuê đất, quy hoạch, xây dựng, hoạt động xúc tiến thương mại và bán hàng, quảng bá kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh…

Các DN kiến nghị lãnh đạo TP HCM cần tiếp tục tập trung siết chặt vấn đề kỷ luật, kỷ cương hành chính, cải cách thủ tục hành chính tối đa để tạo hành lang thông thoáng cho DN phát triển. Lãnh đạo HUBA phản ánh vẫn còn rất nhiều công chức thờ ơ và chưa tích cực, chuyển biến theo chỉ đạo của UBND TP. "Thủ tục thực hiện dự án đầu tư xây dựng hiện nay khó khăn hơn trước do các cơ quan sợ trách nhiệm, cán bộ công chức không nhiệt tình với công việc. Kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch cấp chủ trương đầu tư, cấp chứng nhận đầu tư, giấy phép xây dựng… là những vấn đề kiến nghị thành phố quan tâm tháo gỡ kịp thời" - Chủ tịch HUBA nói.

Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP HCM, cho hay cơ khí là ngành công nghiệp cơ bản nhưng tại Việt Nam lại chưa phát triển tương xứng. Nếu không có sự hậu thuẫn chính sách thì ngành rất khó phát triển. Ngay với chương trình kích cầu đầu tư giúp hỗ trợ các DN đổi mới thiết bị, công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường đã triển khai thời gian qua nhưng thành phố vẫn chưa duyệt hỗ trợ lãi suất cho vay với chương trình này.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan cho biết ông đã ghi nhận tất cả ý kiến tại hội nghị và đề nghị HUBA cụ thể hóa từng kiến nghị cũng như đề xuất giải pháp xử lý. TP HCM sẽ giao cho từng sở, ngành và có thể mời từng DN giải quyết những vướng mắc cụ thể. Bởi các vướng mắc phản ánh không chỉ liên quan tài chính mà còn liên quan đất đai, xây dựng, đầu tư… "Đề nghị các sở, ngành có liên quan cần chủ động mời từng nhóm hoặc từng DN cụ thể để lắng nghe và tìm giải pháp tháo gỡ. Với những nội dung liên quan chính sách dài hạn, chiến lược dài hạn nhất là ngành công thương cần xem xét đưa vào đề án quy hoạch, phát triển các ngành. Khó khăn của DN nhiều nhưng liên quan chính đến pháp lý, chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị trung ương nếu vượt thẩm quyền; còn trách nhiệm công vụ cần nâng cao, cải thiện chất lượng" - Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan khẳng định.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên hoan nghênh UBND TP đã tổ chức cuộc họp lắng nghe DN và khẳng định những vấn đề khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của trung ương, thành phố sẽ tiếp tục kiến nghị. Với những tồn tại, ông đề nghị UBND TP cần đẩy nhanh tốc độ tháo gỡ thông qua những chính sách trong thẩm quyền. Cần soi từng đầu việc để tìm giải pháp, từng đề xuất của DN ở từng ngành cụ thể cũng được chỉ rõ để tháo gỡ sớm nhất.

Thành phố cũng cần tiếp tục chuyển đổi số, đẩy mạnh hơn nữa và cải cách ở từng cơ quan cho đến hệ thống chính quyền. Phải làm sao công khai, minh bạch, bình đẳng, lành mạnh các mối quan hệ giữa DN và chính quyền. Thủ tục là phải tối giản nhưng trong bối cảnh càng khó khăn thì sự nỗ lực càng phải tiếp tục. "TP HCM cam kết tiếp tục chỉ đạo, khó khăn ở đâu tháo gỡ tới đó và khuyến khích các DN nếu thấy chính sách nào không phù hợp cũng cần đề xuất ngay cho lãnh đạo TP" - Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh. 

Chính sách cho du lịch thiếu đột phá

Chia sẻ thêm tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Kỳ khẳng định DN Việt Nam không thiếu động lực, khát vọng hay quyết tâm nhưng chính sách hiện nay đang dập tắt tất cả. Trong khi ngành du lịch Việt Nam đang chật vật phục hồi với bài toán làm sao đón 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023, Thái Lan lại vừa điều chỉnh mục tiêu đón từ 20 triệu lên 30 triệu lượt, cho thấy chúng ta đang có sự tụt hậu.

Theo ông, một bất cập lớn dù các DN liên tục kiến nghị nhưng chưa được tháo gỡ là chính sách visa. "Với chính sách visa hiện nay du lịch Việt Nam không thể phục hồi nhanh được. Hiện trung bình mỗi ngày cơ quan chức năng của Việt Nam chỉ xử lý gần 2.000 hồ sơ visa điện tử, như vậy trung bình một năm có khoảng 740.000 khách quốc tế được cấp visa điện tử vào Việt Nam, chưa bằng 10% của mục tiêu 8 triệu lượt, vậy số khách 7 triệu còn lại vào bằng những cách thức nào? Chính vì không đưa khách vào được, du lịch đã bỏ lỡ các mùa đón khách cao điểm" - ông Nguyễn Quốc Kỳ phân tích.

Xem thêm: mth.60094701271203202-peihgn-hnaod-ohc-ohk-og/et-hnik/nv.moc.dln

Comments:0 | Tags:No Tag

“Gỡ khó cho doanh nghiệp”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools