Toàn cảnh hội nghị RIVF lần thứ 16
Mục tiêu của hội nghị
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang trở thành cuộc chạy đua quyết liệt giữa các quốc gia, tập đoàn lớn trên thế giới. Những kế hoạch phát triển đầy tham vọng đã và đang được nhiều nước triển khai.
Trong bối cảnh đó, lĩnh vực Công nghệ Thông tin và Truyền thông (CNTT&TT) tại nước ta cũng đã cho thấy những bước tiến vượt bậc trong vài năm trở lại đây bằng những đóng góp to lớn trong việc giúp xã hội thích nghi với những biến động do dịch COVID-19 gây nên.
Nhằm phát huy hơn nữa thế mạnh về lĩnh vực Công nghệ Thông tin và Truyền thông, cũng như tạo cơ hội cho các nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên trong lĩnh vực này tiếp xúc với các nhà khoa học ngoài nước cũng như tiếp cận các hướng nghiên cứu đang được cộng đồng các nhà khoa học trên thế giới quan tâm, HUFLIT đã đăng cai tổ chức hội nghị quốc tế RIVF 2022.
Đây cũng là dịp cho các nhà nghiên cứu, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên tại các trường đại học trong và ngoài nước gặp gỡ, thảo luận về các vấn đề nóng, các vấn đề mới nổi và thiết lập sự hợp tác học thuật trong các lĩnh vực Công nghệ Thông tin và Truyền thông.
Theo GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy - Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Công nghệ thông tin, Trưởng ban chỉ đạo hội nghị quốc tế RIVF: "Ngoài các giá trị thực tiễn như giúp nâng cao chất lượng các bài báo, báo cáo khoa học hay kết nối vùng, hội nghị là cơ hội để các nhà khoa học trong và ngoài nước gặp gỡ, giao lưu và hướng đến triển khai thực tiễn.
Đặc biệt, Hội nghị lần thứ 16 là một tín hiệu đáng mừng cho lĩnh vực nghiên cứu khoa học khi thu hút sự quan tâm và tham gia của nhiều nghiên cứu sinh trẻ. Và RIVF cũng có những học bổng dành cho các nghiên cứu sinh báo cáo tại hội nghị".
RIVF thu hút sự tham gia của nhiều nghiên cứu sinh trẻ tại lĩnh vực CNTT&TT
Các chủ đề chính của hội nghị
Hội nghị RIVF 2022 xoay quanh 5 chủ đề chính gồm: Xử lý hình ảnh, ngôn ngữ, giọng nói; Truyền thông & Mạng máy tính, An ninh mạng; Hệ thống phân tán, Internet vạn vật, Điện toán đám mây; Trí tuệ nhân tạo, Khoa học dữ liệu, Phân tích dữ liệu lớn, Máy tính thông minh; Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin, Mô hình tính toán.
GS. TS. Dương Quang Trung - Giám Đốc Nghiên Cứu Viện Hàn Lâm Kỹ Thuật Hoàng Gia Anh báo cáo chuyên đề tại Hội nghị
Được biết, Hội nghị RIVF năm nay đã nhận được gần 200 bài báo khoa học của các chuyên gia, nhà nghiên cứu từ 20 quốc gia trên thế giới. Đây là con số cao nhất trong 16 lần tổ chức hội nghị từ trước đến nay.
Hội nghị đã chọn được gần 100 bài báo chất lượng tập trung vào chủ đề để báo cáo trong các tiểu ban, thu hút sự quan tâm tham gia thảo luận của rất nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông và công nghệ thông tin.
Chia sẻ tại hội nghị, PGS. TS. Trần Mạnh Hà, Phó Hiệu trưởng HUFLIT cho biết: "Hội nghị quốc tế RIVF lần thứ 16 do HUFLIT tổ chức là một cột mốc ý nghĩa cho công tác nghiên cứu khoa học của trường sau 30 năm hình thành và phát triển.
Quy mô hội nghị cùng số lượng bài cáo đăng ký tham gia kỷ lục năm nay không chỉ một lần nữa khẳng định uy tín và chất lượng của HUFLIT, mà qua đó còn là động lực để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động nghiên cứu mang tầm vóc quốc tế nhằm mục đích hỗ trợ hoạt động đào tạo và liên kết quốc tế".
TS. Nguyễn Anh Tuấn - Hiệu trưởng HUFLIT chia sẻ tại hội nghị
Các hội nghị RIVF được khởi đầu năm 2003 từ nỗ lực của các giáo sư Patrick Bellot, Marc Bùi, Dương Nguyên Vũ, ... tại Pháp và đồng nghiệp ở nhiều nước, giáo sư Nguyễn Đình Trí và các giáo sư của Học viện Tin học Pháp ngữ IFI (Institut de la Francophonie pour l’Informatique) ở Hà Nội.
Đến năm 2007, RIVF từ một hội nghị về tin học của cộng đồng Pháp ngữ tổ chức tại Việt Nam, đã được chuyển thành một hội nghị quốc tế của IEEE (tổ chức kỹ sư điện và điện tử quốc tế) với nội dung về cả CNTT&TT và chất lượng được nâng cao.
Kể từ hội nghị lần thứ 9 vào năm 2012, RIVF đã được tổ chức khoảng 18 tháng một lần, luân phiên giữa miền Bắc và miền Nam của Việt Nam. RIVF 2022 là hội nghị thứ 16 trong chuỗi sự kiện này.
Xem thêm: mth.59421640171203202-61-uht-nal-fvir-et-couq-ihgn-ioh-cuhc-ot-tilfuh/nv.ertiout