Không có hoạt động M&A nào trong quý IV
Chiều 17/2, Công ty Cổ phần Bamboo Capital (HoSE: BCG) đã tổ chức buổi hội thảo gặp mặt nhà đầu tư nhằm cập nhật kết quả kinh doanh Quý IV/2022 và Định hướng chiến lược năm 2023.
Theo đó, quý IV/2022, doanh thu thuần của công ty đạt 1.221 tỷ đồng, tăng hơn 78% so với cùng kỳ năm ngoái. Cơ cấu doanh thu quý IV chủ yếu từ ba mảng chính là mảng bất động sản với 272 tỷ đồng, năng lượng tái tạo 207 tỷ đồng và xây dựng - hạ tầng với 616 tỷ đồng.
Đại diện BCG giải thích, do hoạt động M&A trong quý bị đóng băng vì thị trường khó khăn, thêm chi phí tài chính tăng cao nên cả quý, tập đoàn lỗ sau thuế 338 tỷ đồng, cùng kỳ lãi 271 tỷ đồng.
Đáng chú ý, biên lợi nhuận gộp quý IV/2022 chỉ đạt hơn 10%, thấp nhất trong vòng ba năm qua. Trả lời cổ đông về việc này, ông Phạm Minh Tuấn - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc công ty giải thích, hằng quý, công ty sẽ có 1 - 3 thương vụ M&A và mảng này có biên lợi nhuận cao. Do thị trường khó khăn trong quý cuối năm nên công ty không thực hiện thương vụ mua bán sáp nhập nào. Đây cũng là lý do khiến biên lợi nhuận gộp của công ty giảm mạnh.
Cả năm 2022, doanh thu của BCG đạt 4.596 tỷ đồng, tăng 75% so với 2021. Tuy nhiên, nhờ các quý trước có lãi nên cả năm, BCG lãi sau thuế 546 tỷ đồng, bằng 55% cùng kỳ.
Trong cơ cấu doanh thu năm 2022, ban lãnh đạo cho biết BCG đã giảm sự phụ thuộc vào Tracodi (mảng xây dựng và đầu tư cơ sở hạ tầng) nhưng mảng này vẫn đóng góp lớn nhất vào doanh thu chung của tập đoàn. Kế tiếp sau đó là BCG Energy (mảng năng lượng) và BCG Land (mảng bất động sản).
Không có ý định bán dự án năng lượng tái tạo
Chia sẻ về định hướng năm tới, ông Tuấn cho biết, mảng năng lượng tái tạo năm 2023 và 2024 có thể sẽ bị ảnh hưởng rất lớn vì sự chưa rõ ràng và độ trễ của các chính sách. Cụ thể, Đề án Quy hoạch điện VIII của Bộ Công Thương chưa được phê duyệt trong năm trước, trễ đến 18 tháng.
Về giá cho các dự án chuyển tiếp, đến ngày 7/1/2023, Bộ Công Thương mới đưa ra mức giá cho các dự án này, do đó, phần còn lại của dự án điện mặt trời Phù Mỹ và 32 dự án hạ tầng trọng điểm cũng sẽ được đổi mới trong thời gian sắp tới.
Ông Tuấn cho rằng, các dự án không phải là dự án chuyển tiếp hiện cũng chưa có những chính sách rõ ràng. Chính vì vậy, về mặt phát triển dự án năng lượng tái tạo, quan điểm của Tập đoàn trong năm 2023 là sẽ tiếp tục phát triển dự án đồng bộ với những thông tin về chính sách vĩ mô của Chính phủ cũng như về quy hoạch năng lượng ngành.
Do đó, BCG sẽ chỉ tập trung vào việc phát triển các dự án điện mặt trời, áp mái và hoàn thiện đầu nối của những dự án đã xây cũng như tiếp tục chuẩn bị xây dựng cho những dự án mà đã nằm trong Đề án quy hoạch điện VII khi chính sách giá rõ ràng hơn.
Trả lời về việc liệu doanh nghiệp có thực hiện thoái vốn khỏi mảng này hay bán các dự án cho đối tác, ông Tuấn giải thích, mục đích BCG kêu gọi các nhà đầu tư để có thể tiếp cận được nguồn vốn trên thị trường quốc tế.
Do vậy, những nhà đầu tư này chỉ tham gia vào các dự án với vai trò đối tác và BCG vẫn nắm quyền chi phối trong việc phát triển dự án cũng như đảm bảo công tác vận hành, tuân thủ các điều kiện và quy định pháp luật của Việt Nam.
Mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo của Tập đoàn là xây dựng được một nền tảng để huy động được nguồn vốn rẻ trên thị trường quốc tế, đón nhận nguồn tín dụng xanh từ các nhà đầu tư cũng như là những chương trình ưu đãi cho các dự án phát triển bền vững. Điển hình là những nguồn ưu đãi 15,5 tỷ USD dành cho chuyển dịch năng lượng tái tạo mà các tổ chức tài chính quốc tế đã cam kết dành cho Việt Nam, đây là những nguồn để tập đoàn tận dụng phát triển năng lượng tái tạo.
Đối với mảng xây dựng, dự kiến trong năm 2023, BCG cũng sẽ tập trung vào việc tham gia vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như các dự án giao thông, đón nhận làn sóng về đầu tư cơ sở hạ tầng của Chính phủ, nâng cao khả năng tham gia vào các gói thầu lớn của công ty Tracodi.
Đối với bảo hiểm, theo Phó Chủ tịch HĐQT Phạm Minh Tuấn, BCG sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển doanh thu trong năm 2023 kỳ vọng là sẽ tăng gấp 2 lần so với năm 2022.
Chia sẻ về việc không tiếp tục góp vốn vào công ty bảo hiểm AAA, ông Tuấn đính chính, BCG đang điều chỉnh kế hoạch sử dụng vốn, vì hiện đang có vướng mắc khi ngành bảo hiểm là ngành kinh doanh có điều kiện. Chính vì vậy, quá trình tăng vốn phải được phê duyệt của Bộ Tài chính. Thời điểm hiện tại, hồ sơ và quá trình tăng vốn chưa được phê duyệt đồng nhất nên Tập đoàn phải điều chỉnh kế hoạch sử dụng vốn để đảm bảo tiến độ tăng vốn phù hợp với nhu cầu của hoạt động kinh doanh cũng như thị trường.
"Đối với bảo hiểm AAA, BCG vẫn sẽ tiếp tục thực hiện cam kết cũ, khi có phê duyệt từ Bộ Tài chính về việc chấp thuận tăng vốn thì chúng tôi cũng sẽ vẫn tiếp tục đóng góp vào việc phá triển của AAA", ông Tuấn khẳng định.
Về mảng bất động sản, BCG sẽ hoàn thiện các dự án đang xây dựng dở dang, đồng thời nỗ lực cùng phối hợp với chính quyền cũng như các nhà thầu để hoàn thiện thủ tục pháp lý của các dự án đang dở dang này.