Mới đây, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành hai quyết định xử phạt hành chính đối với hai công dân ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) có hành vi vi phạm quy định về nhập ngũ với số tiền phạt 125 triệu đồng (mỗi người bị phạt 62,5 triệu đồng).
Một số bạn đọc bất ngờ với mức phạt đối với hành vi vi phạm quy định về nhập ngũ nghiêm khắc như vậy. Cũng có không ít bạn đọc thắc mắc pháp luật quy định về mức phạt vi phạm hành chính trước đây và hiện tại đối với hành vi như trên như thế nào?
Luật sư Trịnh Ngọc Hoàn Vũ, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết: Theo Điều 7, Nghị định 120/2013 sẽ phạt tiền từ 1,5 triệu đồng đến 2,5 triệu đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung ghi trong lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do chính đáng.
Điều 7 của Nghị định này cũng quy định về biện pháp khắc phục hậu quả là buộc chấp hành lệnh gọi nhập ngũ.
Tuy nhiên, kể từ ngày 22-7-2022, Nghị định 37/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu,.. bắt đầu có hiệu lực. Trong đó, Nghị định 37 đã sửa đổi, bổ sung Điều 7, Nghị định 120/2013.
Cụ thể, đối với hành vi vi phạm quy định về nhập ngũ sẽ có mức phạt hành chính như sau:
Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung ghi trong lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do chính đáng.
Phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với hành vi gian dối nhằm trốn tránh thực hiện lệnh gọi nhập ngũ sau khi đã có kết quả khám tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự đủ điều kiện nhập ngũ theo quy định.
Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 75 triệu đồng đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, trừ hai trường hợp nêu trên.
Về biện pháp khắc phục hậu quả thì buộc thực hiện nghĩa vụ quân sự.Như vậy, đối với các hành vi vi phạm nhập ngũ, trước đây Nghị định 120/2013 chỉ phạt về hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung ghi trong lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do chính đáng (mức phạt tiền từ 1,5 triệu đồng đến 2,5 triệu đồng). Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc chấp hành lệnh gọi nhập ngũ.
Hiện nay, ngoài hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung ghi trong lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do chính đáng thì Nghị định 37/2022 đã bổ sung thêm 2 hành vi khác cho phù hợp với thực tế gồm: Hành vi gian dối nhằm trốn tránh thực hiện lệnh gọi nhập ngũ sau khi đã có kết quả khám tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự đủ điều kiện nhập ngũ theo quy định; Hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ.
Trong đó, hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ (trừ hai trường hợp đã nêu) thì sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 75 triệu đồng. Mức phạt trung bình là 62,5 triệu đồng. Cả 3 hành vi vi phạm nghĩa vụ quân sự đều có biện pháp khắc phục hậu quả là buộc chấp hành lệnh gọi nhập ngũ.
Theo Luật Nghĩa vụ quân sự, công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của luật này. Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân.