Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Bình Phước bán đấu giá tài sản thanh lý của Công ty cao su Phú Riềng là 265.009 cây cao su trên diện tích 631,59ha, giá khởi điểm là hơn 129,5 tỉ đồng.
Xin giãn thanh toán: người cho, người không?
Vào ngày 13-1, cuộc đấu giá diễn ra thành công với giá trả cao nhất là 160,5 tỉ đồng thuộc về Công ty TNHH Ngọc Giàu. Tổng cộng số tiền phải nộp, gồm cả tiền bảo lãnh hợp đồng là hơn 176,5 tỉ đồng.
Do giá trị lô hàng lớn và quá gần Tết Nguyên đán (ngày 18-1 ký hợp đồng đã là 27 tháng chạp) nên người trúng đấu giá chủ động xin giãn một phần tiến độ thanh toán để làm việc với các ngân hàng, thu xếp tài chính.
Sau đó, tiền trúng đấu giá đã liên tục được nộp vào tài khoản của Công ty cao su Phú Riềng và đến ngày 9-2 đã nộp đủ 100%. Tuy nhiên, ngày 10-2, Công ty cao su Phú Riềng ra thông báo hủy hợp đồng.
Đại diện Công ty Ngọc Giàu cho rằng cùng đặc điểm là các đơn vị trúng đấu giá cây thanh lý nhưng có trường hợp trúng đấu giá được cho đàm phán tiến độ thanh toán thành nhiều lần, trong khi lại "cự tuyệt" cho gia hạn với lô cao su thanh lý tới 631,59ha.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online về có hay không việc "phân biệt đối xử" giữa những người trúng đấu giá, một lãnh đạo Công ty cao su Phú Riềng cho rằng "đặc điểm của mỗi hợp đồng là khác nhau", tuy nhiên không nói cụ thể tiêu chí khác nhau là gì.
25,9 tỉ chuyển lòng vòng
Quan điểm xử lý đối với trường hợp đấu giá thành 631,59ha cây cao su đang bỏ ngỏ, trong khi các bên "đá" trách nhiệm cho nhau, còn số tiền đơn vị trúng đấu giá nộp bị chuyển lòng vòng.
Ông Ngô Điền Long - giám đốc Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Bình Phước - cho rằng cuộc đấu giá đã kết thúc nên việc Công ty cao su Phú Riềng tự chuyển số tiền đặt trước 25,9 tỉ đồng của Công ty Ngọc Giàu về cho trung tâm là không đúng.
Trung tâm đã chuyển trả toàn bộ số tiền đặt trước về lại Công ty cao su Phú Riềng và đề nghị người trúng đấu giá liên hệ công ty này để được giải quyết.
Còn ông Huỳnh Văn Kỷ - giám đốc Công ty Ngọc Giàu - cho biết đã gửi nhiều công văn tới chủ tài sản tha thiết xin được thực hiện hợp đồng, vừa để tạo việc làm cho người lao động trong lúc khó khăn, đồng thời để không làm ảnh hưởng tới tài sản Nhà nước.
Lô cây cao su đã được đấu giá tăng thêm tới 30,9 tỉ đồng, Công ty Ngọc Giàu đã nộp đủ tiền và sẵn sàng cưa cắt cây ngay để kịp bàn giao mặt bằng cho Công ty cao su Phú Riềng.
Nếu tổ chức đấu giá lại sẽ mất thời gian, ảnh hưởng tới việc tái canh cây cao su. Đối với số tiền chậm nộp chỉ chiếm một phần nhỏ (chưa đến 30%) và chỉ trong ít ngày (5 ngày làm việc theo thỏa thuận hạn chót là ngày 2-2).
Tới ngày 9-2 Công ty Ngọc Giàu đã nộp hết và sẵn sàng chịu lãi phạt đối với phần chậm nộp theo thông lệ giao dịch thương mại.
Ông Trương Văn Hội - phó tổng giám đốc Công ty Cao su Phú Riềng, cho biết trước khi bán đấu giá đã chuẩn bị sẵn cây giống, phân bón... để tái canh nên cũng rất muốn việc thanh lý đúng quy định, đảm bảo tiến độ chứ không "làm khó" người trúng đấu giá.
Công ty đã có văn bản báo cáo đơn vị chủ quản là Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam để có ý kiến chỉ đạo.
Khuyến khích hai bên đàm phán
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam cho biết có nắm thông tin về lô cao su thanh lý của Công ty cao su Phú Riềng.
Tuy nhiên, vị lãnh đạo tập đoàn cho rằng thẩm quyền hoàn toàn thuộc về Công ty cao su Phú Riềng, có thể tự quyết định theo luật dân sự.
Vị lãnh đạo này cho biết đã có trao đổi với Công ty cao su Phú Riềng theo hướng khuyến khích công ty trao đổi, đàm phán với người trúng đấu giá theo quy định của pháp luật dân sự, hạn chế tạo cao trào, tránh xung đột không đáng có.
TTO - Hằng năm, có hàng chục ngàn hecta cao su thuộc sở hữu nhà nước được thanh lý để tái canh hoặc bàn giao đất để làm khu công nghiệp.
Xem thêm: mth.88643223181203202-tohc-oig-ar-ad-ib-peihgn-hnaod-gnuhn-us-oac-aig-uad-gnurt/nv.ertiout