Báo cáo mới đây của Hiệp hội Xi măng Việt Nam đưa ra dự đoán trong năm nay, nguồn cung có thể đạt hơn 120 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ nội địa chỉ ở mức 63-65,5 triệu tấn. Chiếu theo kịch bản này, nhu cầu trong nước chỉ giúp hấp thụ được hơn một nửa lượng cung xi măng, số còn lại phụ thuộc vào xuất khẩu. Trong khi đó, tiêu thụ của thị trường nước ngoài thường thấp hơn hẳn sức mua trong nước.
Năm ngoái, tổng sản lượng tiêu thụ xi măng tại thị trường trong nước đạt gần 62,7 triệu tấn, tương đương năm 2021. Theo Hiệp hội, con số trên chững lại do chu kỳ đi xuống của thị trường bất động sản, giải ngân vốn đầu tư các công trình công còn chậm. Tiêu thụ thấp, trong khi chi phí sản xuất liên tục tăng cao, khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất xi măng tiếp tục giảm tốc.
Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) năm ngoái ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 1.530 tỷ đồng, giảm hơn 30%. Các công ty con thuộc Vicem cũng có kết quả kinh doanh đứng yên hoặc đi lùi so với trước. Vicem Bỉm Sơn bị hụt hơn 19% lợi nhuận sau thuế. Xi măng Hà Tiên lãi thấp nhất kể từ năm 2014, giảm 29% so với năm 2021.
Kịch bản này dự báo duy trì tiếp trong năm 2023. Đại diện Vicem - doanh nghiệp nắm giữ 35% thị phần, đánh giá ngành xây dựng dân dụng phục hồi chậm kết hợp với việc các công trình, dự án chậm triển khai, có thể khiến tiêu thụ xi măng khó tăng trưởng trong năm nay.
Chưa kể trong năm 2022, toàn ngành có thêm hai dây chuyền đi vào sản xuất là Xi măng Đại Dương 1 (công suất 2,3 triệu tấn mỗi năm) và Xi măng Long Sơn 4 (công suất 2,5 triệu tấn mỗi năm). Theo kế hoạch trong năm nay tiếp tục có thêm hai dây chuyền mới đi là Xi măng Xuân Thành 3 (công suất 4,5 triệu tấn mỗi năm) và Xi măng Long Thành (công suất 2,3 triệu tấn mỗi năm).
Sức tiêu thụ không cải thiện trong khi lượng cung càng thêm dồi dào, kịch bản dừng hoặc giảm năng suất lò nung, tương tự ngành thép, nhiều khả năng sẽ xuất hiện. Ngay đầu năm, một số dây chuyền xi măng đã cho dừng lò kết hợp sửa chữa thiết bị, nhằm giảm tải áp lực về tiêu thụ. Các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với tình trạng giá điện tăng. So với mức khung cũ, giá bán điện tối thiểu tăng 220 đồng, giá tối đa tăng 538 đồng một kWh.
Cũng cho rằng mức tiêu thụ xi măng trong nước sẽ đi ngang nhưng nhóm phân tích của Công ty chứng khoán SSI Research nhìn thấy điểm tích cực nằm ở kế hoạch đầu tư công ước tính tăng 25% so với cùng kỳ. Điều này đóng vai trò là động lực hỗ trợ tiêu thụ xi măng trong nước.
Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu có thể phục hồi trong nửa cuối năm nay nhờ Trung Quốc mở cửa trở lại. Ngay trong quý IV/2022, đã có dấu hiệu phục hồi của xuất khẩu xi măng khi đạt mức tăng trưởng 32% so với quý trước đó. Tuy nhiên, kênh này có thể bị ảnh hưởng do việc tăng thuế xuất khẩu clinker từ 5% lên 10% nhằm hạn chế xuất khẩu khoáng sản theo nghị định mới.
Nếu xuất khẩu được cải thiện và giá than đầu vào điều chỉnh hợp lý, SSI Research kỳ vọng tỷ suất lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp xi măng sẽ cải thiện trong năm 2023. Biên độ cải thiện có thể trong mức 2-3% so với cùng kỳ.
Tất Đạt