"Có rất nhiều khinh khí cầu trên khắp thế giới, vậy Mỹ sẽ bắn hạ tất cả chúng sao?", ông Vương Nghị phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich ở Đức ngày 18-2, theo Hãng tin Reuters.
Ông là cựu ngoại trưởng Trung Quốc và hiện là chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác ngoại sự Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Trước đó, chỉ trong thời gian ngắn gần đây, có bốn vật thể đã bị bắn rơi ở khu vực Bắc Mỹ, gồm: khinh khí cầu Trung Quốc bị bắn rơi ngoài khơi bang South Carolina của Mỹ (ngày 4-2), vật thể thứ hai bị bắn rơi ngoài khơi bang Alaska của Mỹ (10-2), vật thể thứ ba bị bắn hạ trên bầu trời vùng Yukon của Canada (11-2), vật thể thứ tư bị bắn rơi trên bầu trời hồ Huron ở bang Michigan của Mỹ (12-2).
Ông Vương Nghị bị xoay vụ khinh khí cầu
Trong vụ đầu tiên, Mỹ nói rằng khinh khí cầu Trung Quốc - nghi dùng cho mục đích do thám - đã "vi phạm rõ ràng" chủ quyền của Mỹ cũng như luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, phía Trung Quốc nói rằng đây là "khinh khí cầu dân sự" vô tình bay lạc vào không phận Mỹ.
Vụ việc trên đã khiến Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hoãn chuyến thăm dự kiến vào đầu tháng này tới Trung Quốc, càng làm trầm trọng thêm mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh.
Tại Hội nghị An ninh Munich, người điều phối hội nghị đặt ra nhiều câu hỏi cho ông Vương về vụ khinh khí cầu nói trên, trong số đó có việc liệu ông Vương có gặp các đại biểu Mỹ cũng đang ở hội nghị để khôi phục đối thoại Mỹ - Trung không.
"Chúng tôi yêu cầu Mỹ thể hiện sự chân thành và sửa chữa sai lầm của mình, đối mặt và giải quyết vụ việc này. Vụ việc đã gây tổn hại cho quan hệ Trung - Mỹ", ông Vương trả lời.
Ông Blinken chưa gặp ông Vương
Nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc hy vọng Mỹ "có thể theo đuổi chính sách thực tế và tích cực với Trung Quốc, đồng thời hợp tác với Trung Quốc để thúc đẩy quan hệ Trung - Mỹ trở lại con đường phát triển lành mạnh".
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken được cho là đã cân nhắc gặp ông Vương Nghị bên lề hội nghị, nhưng cho đến đầu ngày 18-2 (giờ địa phương), chưa có cuộc gặp nào như vậy được xác nhận, theo Hãng tin Reuters.
Ông Blinken dự kiến rời Munich, Đức ngày 19-2.
Lời đề nghị điện đàm của Tổng thống Mỹ Joe Biden với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang được kỳ vọng sẽ mở ra một lối thoát cho hai siêu cường vốn đang vướng vào cuộc khẩu chiến vì những chiếc khinh khí cầu.
Xem thêm: mth.87720019181203202-uac-ihk-hnihk-uv-iod-ud-ym-hcirt-ihc-ihgn-gnouv-gno/nv.ertiout