Bài hát lớn lên cùng con (NXB Kim Đồng) là cuốn sách đầu tiên của nhà báo Phạm Hồng Tuyến.
Qua việc kể lại hoàn cảnh sáng tác của những bài hát thiếu nhi mà bố mình đã viết như Đêm pháo hoa, Trường cháu là trường mầm non, Cả tuần đều ngoan, Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội...; tác giả còn cho thấy những lát cắt sinh động về cuộc sống sinh hoạt, chuyện trường lớp, chuyện sơ tán, chuyện ở khu tập thể... của người Hà Nội những năm 1970-1980.
Bên cạnh những mẩu chuyện là một số hình ảnh tư liệu về nhạc sĩ Phạm Tuyên, bút tích viết tay của một số bài hát.
Ở mỗi bài viết đều có một mã QR code để người đọc có thể nghe hoặc xem clip bài hát này, trong đó có những bản thu âm đầu tiên do chính con gái Hồng Tuyến của nhạc sĩ hát.
Trong buổi giao lưu sáng 18-2 tại Hà Nội, tác giả ít nói về cuốn sách của mình mà dành để các em thiếu nhi hát các bài hát của Phạm Tuyên và các độc giả chia sẻ.
"Về Bắc Ninh tôi được nghe câu "Cơm nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn", tôi rất tán đồng. Thời bao cấp chúng tôi sống, cơm không đủ nuôi phần xác nhưng hát thì luôn đầy ắp để nuôi phần hồn, trong đó không thể thiếu những bài hát thiếu nhi của Phạm Tuyên.
Tôi không hình dung được cái thời chúng tôi cơm không đủ no ấy mà không có những bài hát ấy thì chúng tôi sẽ lớn lên như thế nào", nhà thơ Thụy Anh bày tỏ niềm yêu thương của chị và thế hệ chị với những ca khúc của Phạm Tuyên.
Nhà văn Lê Phương Liên - thế hệ đầu tiên hát Chiếc đèn ông sao rồi Tiến lên đoàn viên như bà chia sẻ - cho biết bà không chỉ được lớn lên từ những bài hát thiếu nhi của Phạm Tuyên như bạn bè thế hệ mình, mà còn tiếp tục được nuôi dưỡng tình yêu với âm nhạc của ông và người nhạc sĩ rất hiền từ này qua công việc biên tập những cuốn sách của ông.
Trong lần biên tập cuốn Cánh én tuổi thơ năm 1998, bà rất xúc động với chi tiết nhà thơ Trần Đăng Khoa nhắc tới câu thơ về loài hoa cúc đắng của Phạm Tiến Duật để nói về Phạm Tuyên trong lời giới thiệu.
Vừa đón sinh nhật tuổi 94, nhạc sĩ Phạm Tuyên ngồi lặng lẽ suốt buổi giao lưu, cuối buổi ông chỉ nói một câu ông rất xúc động, bằng giọng nói ấm áp và rền vang đáng kinh ngạc.
Rồi, trong bộ complê lịch lãm, ông ngồi hiền như một ông bụt để đàn con cháu mến mộ vây quanh chụp ảnh cùng.
Rõ ràng bao thế hệ người Việt yêu người nhạc sĩ ấy không chỉ vì âm nhạc. Người ta còn yêu cái tấm lòng của "Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng/Nở hoa vàng bên suối để ong bay" (thơ Phạm Tiến Duật) của nhạc sĩ Phạm Tuyên - người con trai của cụ Phạm Quỳnh.
TTO - Ca khúc 'Khúc hát đôi bàn tay' được nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác từ đại dịch SARS năm 2003 đã được gia đình ông làm thành video tặng khán giả vào mùa dịch COVID-19.
Xem thêm: mth.21395909091203202-noc-gnuc-nel-nol-tah-iab-av-neyut-mahp-is-cahn/nv.ertiout