Phía Sacombank cho rằng ngân hàng chưa có bất kỳ văn bản nào đề nghị Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) tăng tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài từ 23,63% lên 30% và yêu cầu VSD khắc phục đưa room ngoại cổ phiếu STB về mức cũ.
Câu hỏi được đặt ra lúc này là khắc phục bằng cách nào khi tỉ lệ sở hữu của khối ngoại đã lấp đầy?
Nan giải vì tiền đã trả, cổ phiếu đã cầm
Trong diễn biến mới nhất, Sacombank lại tiếp tục có văn bản yêu cầu VSD làm rõ những vấn đề bất thường trong việc nới room ngoại của cổ phiếu STB khi không có văn bản yêu cầu từ Sacombank và VSD phải có hướng giải quyết với ngân hàng và chịu trách nhiệm với nhà đầu tư nước ngoài.
Sacombank cũng cho biết sẽ tiếp tục làm việc với cơ quan hữu quan, Ngân hàng Nhà nước để bảo vệ quyền lợi hợp pháp đối với vấn đề này.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, chuyên gia Phan Dũng Khánh cho hay đây là câu chuyện chưa từng có tiền lệ. Ở trường hợp bán chui cổ phiếu FLC diễn ra trước đây, cơ quan quản lý phát hiện và hủy giao dịch ngay khi cổ phiếu chưa về tài khoản, nhưng ở sự việc cổ phiếu STB của Sacombank bị nới room lên 30% và khối ngoại liên tục mua vào cổ phiếu này dẫn đến lấp đầy hết room ngoại thì đã diễn ra từ tháng 11-2022 và kéo dài cho tới tháng 2-2023.
"Bây giờ khắc phục chỉ có thể theo hướng giảm tỉ lệ sở hữu của khối ngoại nhưng điều này chỉ thực hiện được khi họ bán ra cổ phiếu. Mà khi nào họ bán thì còn phải tùy thuộc vào nhiều yếu tố chứ khó ép họ bán vì không phải lỗi của họ", chuyên gia Phan Dũng Khánh nói.
Trong khi đó ông Huỳnh Anh Tuấn, tổng giám đốc Công ty chứng khoán Đông Á, cho hay nhà đầu tư ngoại mua cổ phiếu của Sacombank là hợp pháp vì cổ phiếu có hở room thì họ mới mua được.
"Việc này chỉ có thể khắc phục theo hướng khóa room từ từ. Tức khi nào nhà đầu tư nước ngoài bán ra thì khóa bớt room để hạ tỉ lệ sở hữu của khối ngoại về mức mong muốn. Nhưng cách này đòi hỏi phải có thời gian và tùy thuộc ở động thái của khối ngoại", ông Huỳnh Anh Tuấn nói.
Đồng thời ông Tuấn cũng đặt câu hỏi về việc theo dõi, giám sát vì để lấp đầy room cổ phiếu STB của Sacombank không phải một sớm một chiều mà khối ngoại phải mua ròng rã nhiều tháng. Ngày nào cũng có thống kê về động thái mua bán của quỹ ngoại, vậy vì sao đến nay mới phát hiện việc này?
Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán từng đề xuất mở bung room ngoại
Trên thực tế câu chuyện kiểm soát room ngoại không phải bây giờ mới nóng. Năm 2020 Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán đã từng đề xuất không tiếp tục trao quyền cho doanh nghiệp định đoạt tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.
Điều này có thể hiểu nôm na là cơ quan quản lý muốn mở bung room ngoại lên mức tối đa cho phép của từng ngành nghề, thay vì cho doanh nghiệp được định đoạt miễn trong giới hạn được phép như hiện nay.
Lý do mà Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán nêu ra là việc giao quyền quyết định room ngoại cho các doanh nghiệp có thể dẫn đến việc thường xuyên thay đổi tỉ lệ này, ảnh hưởng tính minh bạch của thị trường.
Do vậy cần thay đổi nhằm làm minh bạch hóa vấn đề tỉ lệ sở hữu nước ngoài trong doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đề xuất này khi đó đã vấp phải sự phản ứng của các ngân hàng bởi đây là ngành đặc thù, ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ quốc gia.
Không phải không có lý do khi Ngân hàng Nhà nước từ trước đến nay luôn xét duyệt rất kỹ cổ đông lớn nước ngoài của các ngân hàng.
Ngoài yếu tố năng lực còn rất nhiều điều kiện khác. Do đó, nếu mở bung room ngoại của các ngân hàng như các doanh nghiệp khác sẽ dễ dẫn đến nhiều rủi ro, nhất là ở những ngân hàng mà dư địa cho nhà đầu tư nước ngoài mua còn nhiều.
Một trong những rủi ro là tình trạng "núp bóng", tức đối tác ngoại mua gom cổ phiếu và chia nhỏ ra để cho nhiều cá nhân đứng tên nhằm lách quy định khai báo thông tin và cơ quan quản lý cũng không nắm được nhà đầu tư ngoại ẩn danh là ai.
Do vậy cũng không phải không có lý do khi thời gian qua cơ quan quản lý chỉ cho phép room ngoại tối đa tại ngân hàng 30% trong khi tại các doanh nghiệp là 49%.
* TS Nguyễn Hữu Huân (trưởng bộ môn thị trường tài chính Đại học Kinh tế TP.HCM):
Sacombank yêu cầu khắc phục là chính đáng
Sự việc trên làm ảnh hưởng đến cơ cấu cổ đông của ngân hàng, đi ngược lại với nghị quyết của hội đồng quản trị. Không phải doanh nghiệp nào cũng muốn mở rộng cửa cho nhà đầu tư nước ngoài, bởi khi nhóm ngoại vào có thể đưa vào hàng loạt yêu cầu.
Không loại trừ trường hợp khối ngoại gom cổ phiếu, sau đó vào kiểm soát, chiếm quyền sở hữu doanh nghiệp hoặc quyền phủ quyết. Bởi 35% là đã có quyền phủ quyết.
Đồng thời, doanh nghiệp (ngân hàng) cũng muốn tìm được đối tác phù hợp, khi đó mới mở room, và sẽ phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược này, giá phát hành cũng thường cao hơn so với giá giao dịch trên thị trường.
Để khắc phục, VSD có thể hủy bỏ giao dịch và giảm tỉ lệ xuống mức trước đó (23,63%), bồi thường cho nhà đầu tư nước ngoài vì sai sót của mình. Đồng thời có văn bản nhận sai và rút kinh nghiệm.
BÔNG MAI
Ngân hàng khóa room vì muốn… "kén rể"
Trên thực tế, một số ngân hàng còn tự giới hạn room sở hữu nước ngoài dưới 30%, như VPB: 15%, TCB: 22,5%, MBB: 23%, HDB: 21,5%, hay STB muốn ở mức 23,63%.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, tổng giám đốc một ngân hàng cho biết lý do ngân hàng phải quản rất kỹ room ngoại là để chọn lọc chàng rể "môn đăng hộ đối" - là các nhà đầu tư dài hạn, chiến lược tham gia vào quản trị, hợp tác phát triển ngân hàng chứ không mở bung room.
Với những ngân hàng tốt, tiềm năng thì việc thỏa thuận giá bán tốt cũng giúp đem lại thặng dư vốn cao hơn cho ngân hàng. Do vậy, nhiều ngân hàng đề xuất chỉ nên cho phép tỉ lệ giao dịch trôi nổi trong room ngoại dưới 5% để tạo thanh khoản nhưng cũng không dẫn đến mất kiểm soát.
Sacombank yêu cầu Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) làm rõ những vấn đề bất thường trong việc nới room ngoại của cổ phiếu STB khi không có văn bản yêu cầu từ Sacombank, có hướng giải quyết với ngân hàng và chịu trách nhiệm với nhà đầu tư nước ngoài.
Xem thêm: mth.75255900091203202-gnohk-coud-ial-uht-iaogn-moor-ion-ol-naohk-gnuhc/nv.ertiout