Tháng 4.2017, trong bữa cơm cảm ơn những người đã cứu giúp mình, ông Hàn Đức Long (64 tuổi, trú H.Tân Yên, Bắc Giang; người phải ngồi tù oan suốt 11 năm) nói việc muốn làm nhất là sửa lại căn nhà cho tử tế, để bù đắp cho vợ con sau những ngày tháng "địa ngục trần gian".
Tháng 2.2023, tức 6 năm sau, ước mong ấy của ông Long vẫn chỉ là mong ước. Căn nhà của gia đình ông - nơi có 7 người đang sinh sống - dường như không thay đổi gì, trừ sự xuống cấp đã tăng thêm đôi phần.
XIN LỖI ĐÃ 6 NĂM NHƯNG CHƯA BỒI THƯỜNG
Ông Hàn Đức Long là người từng 4 lần bị tuyên án tử hình, đây cũng là một trong những vụ án mà người bị oan phải chịu cảnh giam cầm lâu nhất. Năm 2017, ông được TAND cấp cao tại Hà Nội tổ chức xin lỗi công khai, tiếng oan giết người mà ông và gia đình phải chịu đựng suốt hơn thập niên được gột rửa.
Ngày được xin lỗi, mà theo lời ông là thời điểm có thể ngẩng cao đầu với thiên hạ, ông Long cầm chặt tay vợ, tự tin nghĩ về một tương lai tươi sáng sau thời gian đen tối, đằng đẵng chốn lao tù. Ông mường tượng về khoản tiền bồi thường, dù không thể cứu vớt lại cuộc đời bị hàm oan, nhưng sẽ giúp vực dậy phần nào sự kiệt quệ của kinh tế gia đình kể từ khi bị cuốn vào vụ án. Trả hết nợ nần, sửa sang lại căn nhà cho ngay ngắn, đó là 2 ước nguyện ông muốn làm ngay tức thì cho vợ con, sau khi có tiền.
Thế nhưng đến nay, dự định ấy của ông Long vẫn chưa thể thực hiện. Căn nhà ngày càng xuống cấp trong khi số người sinh sống tăng lên. Vợ chồng ông, vợ chồng người con trai cùng 3 đứa cháu nhỏ sinh hoạt trong cảnh chen chúc. Việc bồi thường oan sai lẽ ra phải xong từ lâu vẫn giẫm chân tại chỗ.
Giờ chỉ mong có được khoản tiền bồi thường để bù đắp cho vợ con, cho những tháng năm lẽ ra tôi phải ở bên cạnh họ, nhưng chờ đợi lâu quá. Có những vụ án oan tổ chức xin lỗi sau tôi, nhưng họ đã được nhận tiền bồi thường, còn tôi thì vẫn bặt vô âm tín.
Theo lời kể, trước khi ông Long bị bắt, kinh tế gia đình thuộc diện khá giả trong thôn, đến bây giờ thì đã xuống hàng "bét bảng". 11 năm ông Long bị giam cầm cũng là quãng thời gian gia đình thiếu vắng trụ cột. Để có kinh phí đi kêu oan, vợ ông đã bán tất cả những gì quý giá nhất trong nhà rồi vay mượn khắp nơi. Ngày ông được trở về với tự do cũng là lúc gia đình kiệt quệ, nợ nần chồng chất.
Ông Long cho hay sau khi xin lỗi công khai, TAND cấp cao tại Hà Nội từng làm việc với ông và luật sư. Phía tòa án yêu cầu gia đình thu thập giấy tờ, tài liệu chứng minh các khoản thiệt hại để làm căn cứ bồi thường. Vợ chồng ông tới các cơ quan chức năng địa phương để liên hệ, xin xác nhận. Mọi giấy tờ đã được chuyển cho luật sư, nhưng suốt một thời gian dài vẫn không nhận được thông báo gì mới.
"Giờ chỉ mong có được khoản tiền bồi thường để bù đắp cho vợ con, cho những tháng năm lẽ ra tôi phải ở bên cạnh họ, nhưng chờ đợi lâu quá. Có những vụ án oan tổ chức xin lỗi sau tôi, nhưng họ đã được nhận tiền bồi thường, còn tôi thì vẫn bặt vô âm tín", ông Long nói và mong muốn cơ quan chức năng sớm giải quyết, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho gia đình.
Người bạn đời của ông Long, bà Nguyễn Thị Mai (53 tuổi), bảo rằng từ ngày được ra tù, sức khỏe chồng yếu đi rất nhiều, chỉ quanh quẩn ở nhà chứ không làm được việc nặng nhọc. Hai vợ chồng gần như trông chờ vào mấy sào ruộng, vài con gà, lợn, do một mình bà tần tảo gánh vác. "Con cái đi làm xa, các cháu đều còn nhỏ, nợ nần treo trên đầu, nhà cửa ngày càng xập xệ, chúng tôi chỉ mong sớm được bồi thường để bớt đi phần nào khổ cực", bà Mai gửi gắm.
"VỤ ÁN LẤY ĐI MỘT NỬA ĐỜI TÔI"
Năm 2005, thi thể một bé gái 5 tuổi trong thôn được phát hiện. Ông Hàn Đức Long bị xác định là thủ phạm, bị khởi tố, bắt giam rồi 4 lần tuyên án tử hình (2 bản án sơ thẩm và 2 bản án phúc thẩm) về tội giết người và hiếp dâm trẻ em. Hơn 11 năm sau, ông được minh oan.
"Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại", ông Long hiểu cảm giác ấy hơn ai hết, nhất là khi bản thân đang chịu cảnh hàm oan. Ông kể ngày bị bắt đang rất khỏe mạnh, đến lúc ra tù thì đã sức tàn lực kiệt, trở thành gánh nặng cho vợ con.
"Vụ án lấy đi một nửa cuộc đời bình thường của tôi, thay vào đó là những tháng ngày tăm tối", ông nhớ lại. "Suốt 11 năm, không đêm nào tôi ngủ ngon giấc, chỉ cần một tiếng động nhẹ giữa đêm cũng giật mình vì nghĩ sẽ có người mở cửa dẫn đi thi hành án bất cứ lúc nào", ông kể và cho hay đến giờ nhiều đêm vẫn bị ám ảnh. Không chỉ bản thân, vợ con ông ở nhà cũng bị thiên hạ dè bỉu, nguyền rủa, thậm chí "vứt mảnh chai thủy tinh xuống ruộng, dùng đá ném vỡ mái nhà".
TÒA ÁN ĐANG TÍCH CỰC GIẢI QUYẾT
Ông Hàn Đức Long đang ủy quyền cho một luật sư thực hiện việc đòi bồi thường oan sai. Gia đình và phía luật sư từng thống nhất đưa ra con số khoảng 17 tỉ đồng. Luật sư cho biết đã đề xuất những yêu cầu của gia đình ông Long, đồng thời cung cấp các tài liệu, chứng cứ với tòa án, nhưng đến nay chưa có kết quả chính thức.
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Tĩnh, Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội, cho hay cơ quan này rất quan tâm đến vụ việc của ông Long; bản thân ông thường xuyên chỉ đạo, đốc thúc các cán bộ, đơn vị có trách nhiệm đẩy nhanh quá trình giải quyết. Tuy nhiên, nguyên tắc việc bồi thường oan sai là phải dựa trên sự thương lượng giữa hai bên, để tìm ra tiếng nói chung, nhất là về số tiền bồi thường. Đến nay, giữa luật sư và tòa án vẫn đang tìm kiếm phương án để thống nhất.
Ông Tĩnh nhấn mạnh, các khoản bồi thường oan sai phải dựa trên cơ sở quy định của pháp luật, "chứ không thể cảm tính". Gia đình yêu cầu bồi thường khoản gì thì cần có căn cứ để chứng minh cho yêu cầu đó, ví dụ mức thu nhập ở địa phương là bao nhiêu, chi phí đi lại trong quá trình kêu oan, mỗi lần di chuyển từ Bắc Giang đến Hà Nội ra sao…
Bày tỏ sự chia sẻ khi đã hơn 6 năm mà việc bồi thường cho gia đình ông Long chưa thể thực hiện, ông Tĩnh nói TAND cấp cao tại Hà Nội đang tích cực giải quyết, đồng thời mong muốn gia đình và luật sư phối hợp hơn nữa để tìm ra tiếng nói chung.
Nhưng cũng thật may mắn cho ông Long, khi ông có một người vợ thủy chung, nghĩa tình. Ròng rã cả thập niên, người đàn bà chân lấm tay bùn ngược xuôi hàng trăm lần, đội hàng ngàn lá đơn để gõ cửa các cơ quan tố tụng, kêu oan cho chồng, với niềm tin "chồng tôi chắc chắn không phải thủ phạm, nhiều người trong thôn cũng biết rõ điều này".
Vụ án đến nay đã tạm khép lại nhưng bà Nguyễn Thị Mai vẫn nhớ như in quãng thời gian cùng cực ấy. Mỗi ngày ông Long bị giam cầm cũng là mỗi ngày bà đi gửi đơn rồi về nằm khóc vì tủi nhục, cô đơn. Dù luôn tin chồng không phải thủ phạm, nhưng đã có lúc bà hoàn toàn suy sụp khi thấy tòa án tuyên tử hình rồi hủy án, tiếp tục tuyên tử hình rồi lại hủy án. Đã không ít lần, bà quay lưng vào tường, cắn chặt răng mà khóc, sợ các con biết.
Bà cũng không quên những ngày cùng con trai bỏ quê lên Hà Nội làm phụ hồ để tiện việc kêu oan, chủ thầu cho ăn gì thì hai mẹ con ăn đó, tuyệt đối không dám động vào tiền công, vì phải dành dụm mà tiếp tế cho chồng. Với bà, thời gian 11 năm chồng bị oan sai là chặng đường khổ nhục không ngôn từ nào tả siết. Sức mạnh lớn nhất giúp gia đình đến hôm nay vẫn còn vẹn nguyên có lẽ là niềm tin, sự kiên trì và tình yêu thương mà các thành viên dành cho nhau.