Vườn không, nhà trống
Xế chiều, bà chủ tiệm tạp hóa bên bến phà Thủ Trước (xã Mỹ Long Bắc, huyện Cầu Ngang, Trà Vinh) có chút băn khoăn khi nghe người lạ tìm đường ra cồn mới. "Để tụi nó đi cào về rồi hỏi coi có chịu đưa qua bển không? Hay là con mướn đại chiếc tàu đi cho tiện...", bà ta nói.
Sau nhiều cuốc điện thoại, bà thông báo cái phà đi qua bên kia bờ Cổ Chiên đồng ý "tấp" vào cho khách lên cồn Bần với điều kiện khách phải giữ liên lạc. "Con mà chần chừ là ở bển luôn đó", bà cảnh báo. Bởi bà không chắc chúng tôi có gặp được ai hay không khi bước chân lên cồn. "Giờ người ta qua đất liền sống. Hổng biết còn ai ở bên cồn hay không", bà chia sẻ.
Sông Cổ Chiên bắt nguồn từ một nhánh của Mekong chia ra tại thành phố Vĩnh Long, rồi xuôi hướng đông nam ra biển. Hành trình dài hơn 80 cây số ấy, sông đã dựng lên hàng chục cù lao, cồn bãi.
Càng về cuối hành trình, Cổ Chiên lại "nặn" ra nhiều cồn mới. Đó là những vùng đất vẫn còn tiếp tục sinh sôi. Có các địa danh đã định hình như cù lao Long Trị, cồn Phụng, cồn Chim, cồn Cò... lâu nay được biết đến như là những vùng đất trù phú, nơi con người sống hồn hậu, tính cách đậm chất dân miền châu thổ.
Xa hơn nữa là cồn Bần và cồn Nghêu. Trong đó, cồn Nghêu gần như lấn xa ra biển, vẫn còn là vùng đất hoang vu, lãnh địa những đàn khỉ cát cứ nhiều năm nay, hiếm dấu chân người. Ngược về phía sông là cồn Bần, có người sinh sống, trước khi sông Cổ Chiên hòa với Biển Đông.
Đúng như những lo lắng của bà chủ tiệm tạp hóa ở bến phà Thủ Trước, chúng tôi đặt chân lên cồn Bần mà không tìm thấy bóng người. Dấu tích của cư dân ở đây là những đàn gia cầm được thả rông trên những bờ bao vuông tôm. Gõ cửa nhà nào thì chỉ gặp vườn không nhà trống. Những căn nhà lá nằm cách nhau hàng trăm mét đầy nét tạm bợ, khiến người mới đến nghi ngờ rằng đã từng có xóm làng với nhiều kỳ vọng ở vùng đất mới này. Chúng tôi rời cồn mà không gặp được những cái tên theo chỉ dẫn của người bên kia sông.
Vài hôm sau, chúng tôi trở lại cồn Bần, cũng trên chiếc phà đón khách vượt dòng Cổ Chiên. Sau nhiều lần gõ cửa những căn nhà vắng, thiết bị chúng tôi mang theo báo về có người trong căn nhà lá phía bờ bắc của cồn. Đó là người đầu tiên cũng là người duy nhất chúng tôi gặp ở cồn Bần.
Anh Nguyễn Văn Nhuệ (52 tuổi) một mình trong căn nhà lá trống huơ trống hoác. Tài sản đáng chú ý trong nhà có lẽ là chiếc radio anh luôn mang theo "cho có tiếng người".
Anh Nhuệ giải thích sở dĩ xung quanh có nhà nhưng không có người ở là vì dân cư đã về đất liền tái định cư. "Ở đây làm gì có tương lai. Điện không, nước ngọt không, trường học không, đường sá không, thuốc men không... Chưa kể mưa bão đi qua thì dân cư ở đây lãnh đủ. Người ta còn nhà ở đây là để giữ vuông. Giờ thì cá tôm cũng không còn như xưa, nên thôi về đất liền cho con cái có cuộc sống tốt hơn...", anh nói.
Đào đất đắp cồn
Hơn 30 năm trước, đoạn sông Cổ Chiên đổ ra biển bỗng trở nên nguy hiểm với tàu bè. Từ đáy sông mọc lên đụn cát dài làm tàu ghe qua lại lớp bị mắc kẹt, lớp bị chìm.
Chẳng ai biết được cồn cát có hình thù ra sao. Chỉ đoán nó như con cá quẫy đuôi với phần đầu tiếp giáp cồn Phụng và kéo dài đến đâu cũng chưa ai biết.
Dấu hiệu cho sự sống bắt đầu khi cây bần, cây lát nhú lên khỏi mặt nước. Chúng giăng thành hàng, rồi lan rộng, sinh sôi về hướng biển. Khi cây lớn lên thành rừng, thì cá tôm cũng theo về. Cồn cát trở thành túi cá.
Anh Nhuệ nói gia đình có 14 anh em, đông nhất nhì vùng. Trong cuộc sinh kế đó, hễ nơi nào có thể kiếm cơm được là có mặt anh em nhà Nhuệ. Như chuyện túi cá xuất hiện giữa dòng Cổ Chiên càng không thể vắng họ.
Thời đó, những ụ cát ngầm mà họ chài lưới hằng ngày cứ thay đổi liên tục. Lúc thì kéo dài, khuyết sâu, khi lại nhô lên mặt nước rồi lặn mất theo hải triều giống như những đứa trẻ chơi trò trốn tìm dưới nước.
Hải triều xuống thì cồn cát nhô lên, hải triều lên thì cồn cát lặn xuống... Cứ vậy cho tới khi người ta quyết tâm "tóm" lấy nó, không cho nó ngụp lặn nữa.
Một ngày, anh em lớn nhà Nhuệ quyết định giăng dây đào đất đắp bờ. Cứ hải triều xuống thì họ lại đào đất đắp lên cao. Hải triều lên, nước dâng tới ngực.
Họ biết để giữ được đất thì phải đào những bờ đất cao tới đầu. Tất cả đều đào bằng tay. Anh Nhuệ kể bắt đầu đào cục đất đầu tiên năm 15 tuổi.
Nước lên thì họ chài lưới kiếm cơm hằng ngày. Nước xuống thì họ đào đất đắp bờ tạo dựng cuộc sống tương lai...
Bốn năm kiên trì đào đất đắp bờ của anh em nhà Nhuệ cũng có kết quả, khi căn chòi đầu tiên mọc lên trên nền đất mới. Gã trai 19 tuổi đã có thể tự hào là chủ bãi đất rộng 20 công, thành quả mấy năm ròng rã vun vén từng cục đất be bờ.
Cùng thời gian anh em nhà Nhuệ đào đất đắp bờ, thì cũng có những hộ dân ở Vĩnh Kim tìm ra cồn cát giăng dây bao đất. Họ trồng thêm cây bần để giữ đất, vừa làm ranh giới cho phần khai khẩn của mình.
"Đối với vùng đất mới ở đây, chỉ có cây bần mới trụ lại được. Cây bần chịu ngập tốt, lại bám rễ rất sâu, giữ được phù sa, chống sạt lở...", anh Nhuệ giải thích rằng cây bần có vai trò lớn với cồn này.
Lúc chưa có cây nào khác có thể trụ được thì cây bần nhanh chóng chiếm ưu thế. Đến khi cồn bãi được hình thành, cây bần tiếp tục tiến về hướng biển, mở rộng thêm diện tích đất cồn. Phía đuôi cồn ngày nay, cánh rừng bần tiếp tục nở ra chiếm diện tích gần một phần ba cồn.
Trở lại công cuộc tôn tạo cồn mới nổi, vài năm sau khi gia đình anh Nhuệ lập đất, cất nhà, nhanh chóng cũng có hàng chục gia đình khác dọn ra kiếm kế sinh cơ.
Tổng cộng có 27 nóc gia mọc quanh cồn. Họ định cư trên phần đất do công sức mình tôn tạo. Đây có thể xem phần nào là cồn nhân tạo đầu tiên của dòng Mekong, tất cả được làm bằng tay.
Cuộc sống mưu sinh chủ yếu là giăng bắt cá tôm. Khi mới đặt chân lên đây, họ là những người trẻ hoài bão, để coi nhẹ cuộc sống thiếu thốn giữa cửa sông.
Cho đến khi một thế hệ trẻ em được sinh ra trên đất cồn. Bọn trẻ cũng cần trường lớp, cần chăm sóc y tế, cần tiện nghi tối thiểu, điều mà cuộc sống trên cồn mới không có.
Tránh để các con bị cảnh thất học, các gia đình đã gửi con về cho ông bà, họ hàng ở đất liền. Còn các cặp vợ chồng thì ở lại bám cồn, giữ lấy thành quả mà mình dày công khổ cực tạo nên.
Nhiều năm trong cuộc sống thiếu tiện nghi không làm khó được các gia đình vốn quen khổ cực. Vậy nhưng, điều họ lo lắng là mỗi mùa mưa bão đến, những cơn bão từ biển đánh úp vào cồn.
"Chạy bão" là nỗi ám ảnh của cư dân cồn Bần. Mấy năm trước, địa phương đã xây dựng khu tái định cư, di dời các hộ dân sống ở cồn Bần về đất liền sinh sống. Nhanh chóng, nhiều gia đình đã di dời con cái vào khu ở mới. Xóm làng trên cồn vắng hoe.
Về phần anh Nhuệ cũng đưa vợ con về đất liền để con cái được học hành. Còn phần mình, thỉnh thoảng anh lại giong xuồng ra cồn, nơi có căn nhà trống huơ trống hoác để chài lưới mưu sinh.
Hôm chúng tôi đến, anh tâm sự nếu có điều kiện, anh cũng sẽ quay trở lại cồn Bần sinh sống. Với anh và nhiều người khác, nó không chỉ là nơi để ở, bởi cồn bãi đó đã như là một phần cuộc đời...
Cồn bãi sông Mekong - Kỳ 4: Cái cồn bị… đứt đôi Một ngày đẹp trời, cồn Khương có vị trí đắc địa nhất nhì Cần Thơ bỗng dưng bị… đứt đôi, và thẻo đất bị "đánh rơi ra sông" trở thành cồn bãi mới xa dần phần còn lại với nhiều chuyện người xưa, tích cũ. |
Xem thêm: mth.30571749091203202-neihc-oc-gnod-iouc-nab-noc-iouc-yk-gnokem-gnos-iab-noc/nv.ertiout