Ngày 16/2, Thanh tra Chính phủ có báo cáo về kết quả giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri gửi trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Cử tri cho rằng vấn đề tham nhũng trong đại án mua sắm kit test Việt Á chưa được giải quyết thoả đáng. Người vi phạm đã và đang bị xử lý nhưng quyền lợi của người dân thì chưa nghe nhắc đến.
Thanh tra Chính phủ cho hay đã tổ chức các cuộc thanh tra chuyên đề và thấy rằng ngành y tế đã có nhiều nỗ lực trong chỉ đạo, tổ chức mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế. Từ đó, việc công tác khám chữa bệnh được phục vụ kịp thời trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn nhiều thiếu sót, vi phạm trong xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tổ chức mua sắm. Cơ quan thanh tra đã lập 3 đoàn thanh tra tại Bộ Y tế, Hà Nội, TP HCM và hướng dẫn các địa phương thanh tra chuyên đề việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, kit xét nghiệm, thuốc phòng, chống Covid-19.
9/20 Bộ, ngành và 61/63 tỉnh, thành phố thành lập đoàn thanh tra để kiểm tra hơn 21.000 gói thầu với tổng giá trị hơn 15.000 tỷ đồng.
Sau khi vào cuộc, thanh tra phát hiện một số hàng hóa nhập khẩu chưa thể hiện đầy đủ các thông tin về chất lượng, nguồn gốc, giá cả. Nhiều hàng mua bán còn thông qua nhiều khâu trung gian làm tăng giá sản phẩm cao hơn so với giá gốc.
Đặc biệt, 54/61 tỉnh, thành phố tổ chức thanh tra có gần 5.000 gói thầu vi phạm, trong đó có một số vụ có một số vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.
Một số địa phương có tỷ lệ gói thầu vi phạm cao như Đà Nẵng 100%, Hải Phòng 95,8%, Quảng Trị 95,2%, Nam Định 91,3%, Bình Thuận 90,7%; Cần Thơ 89,3%, Vĩnh Long 85,5%, Cao Bằng, Điện Biên, Ninh Bình, Hà Giang đều trên 70%...
Từ đó, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị chuyển 40 vụ việc cho cơ quan điều tra đế xem xét, xử lý theo thẩm quyền.
Về quyền lợi của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại trong đại án kit test Việt Á như kiến nghị của cử tri thì quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cấp có thẩm quyền sẽ làm rõ và xử lý theo quy định. Nếu tổ chức, cá nhân có căn cứ cho rằng bị thiệt hại thì liên hệ với cơ quan chức năng để được xem xét, giải quyết.
Cử tri: 'Tham nhũng ở các vụ án ngày càng nghiêm trọng'
Theo báo cáo, cử tri thành phố Đà Nẵng cho rằng công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua đã có kết quả tích cực nhưng tình trạng tham nhũng ở các vụ án ngày càng nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, "tham nhũng ở cấp thấp không được điều tra kịp thời mà phải đến khi họ giữ chức vụ cao hơn mới được phát hiện để xử lý".
Do đó cử tri kiến nghị cần tăng cường biện pháp quản lý khoa học, nhất là quản lý dòng tiền và nguồn thu nhập của cán bộ; không nên áp dụng việc kê khai và giám sát việc kê khai tài sản theo kiểu bốc thăm như hiện nay.
Trả lời vấn đề này, Thanh tra Chính phủ cho rằng hiện đã có quy định cụ thể kiểm soát tài sản, thu nhập với người có chức vụ, quyền hạn nhằm quản lý dòng tiền. Thanh tra Chính phủ đang xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập trong phạm vi cả nước.
Kết quả điều tra ban đầu xác định, nhằm thu lợi bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào. Trong doanh thu khoảng 4.000 tỷ đồng, Việt Á chi "hoa hồng" lót tay cho các đơn vị, cá nhân gần 800 tỷ đồng.
Vụ án Việt Á thuộc diện theo dõi, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Sai phạm này được coi là điển hình về "tham nhũng có hệ thống" do tính quy mô, xảy ra từ cơ quan, bộ ngành trung ương đến các địa phương.
Trong năm 2022, toàn ngành thanh tra đã triển khai hơn 8.500 cuộc thanh tra hành chính, hơn 222.000 cuộc thanh tra chuyên ngành. Từ đó phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 85.000 tỷ đồng và kiến nghị thu hồi hơn 26.000 tỷ đồng, 574 ha đất.
Xem thêm: lmth.9522754-ig-mal-iahp-a-teiv-tset-tik-na-iad-gnort-iah-teiht-ib-iougn/ten.sserpxenv