Có lẽ vậy mà tuổi thơ tôi gắn với những loài bông súng, lục bình, ngũ sắc, xuyến chi, trinh nữ...
Chúng tôi thường lang thang trên những cánh đồng lộng gió ngay trước mặt nhà mình mà chẳng phải cất công đi đâu xa. Tuy nhiên, trong ký ức tôi, căn nhà lợp tôn mới là nơi chứa đựng nhiều kỷ niệm tuổi thơ nhất.
Chính vì thế mà sau này dù lập nghiệp ở xa, mấy anh em tôi cũng cố gắng thu xếp trở về sum họp gia đình mỗi khi Tết đến xuân về.
Tôi còn nhớ như in lúc tôi lên 5 tuổi, để cất căn nhà ở khu đất mới này, ba tôi phải phát một thửa ruộng cỏ lau mọc um tùm. Lúc đó, nhà tôi còn ở khu tập thể bệnh viện - nơi mẹ tôi công tác. Để giúp ba dọn cỏ, tôi dẫn hai O (em gái ba) đi bộ từ khu tập thể lên đây gần hai cây số.
Chẳng biết lúc đó khù khờ thế nào mà tôi dẫn hai O đi lạc. Hồi ấy chưa có điện thoại như bây giờ nên chỉ còn cách quay lại con đường cũ chờ gặp người quen để liên lạc về nhà. Đó là một kỷ niệm tuổi thơ nhớ đời mà mãi đến tận bây giờ đã hơn 35 năm trôi qua mọi người vẫn còn nhắc lại.
Sau khi phát hết cỏ dại, ba tôi đào đất đắp nền lên cao, chỗ lấy đất trở thành một cái hồ trồng rau muống. Sẵn có tre mọc xung quanh vườn, ba tôi chặt làm cột kèo và đan thành phên để ngăn cách ngôi nhà thành ba gian.
Những chiếc phên tre được trét đất sét trộn với tro và phân trâu kết dính như một lớp hồ chắc chắn, giữ ấm vào mùa đông và mát vào mùa hè. Còn mái nhà thì lợp tôn, bốn phía bao quanh tôn mè (một loại tôn bằng nhôm trắng) và nền nhà nện đất sét chặt cứng.
Vào mùa mưa, những lỗ thủng trên mái tôn dột xuống ướt sũng, nước chảy lênh láng khắp nền đất và ứ đọng thành từng vũng nhỏ dù chúng tôi đã huy động hết tất cả xô, chậu trong nhà đem ra hứng. Nhưng niềm vui nhất vẫn là sau những trận mưa lớn, cá rô trằn lên đường vượt lũ, chúng tôi chỉ việc thò tay xuống bắt.
Những hồ rau muống nước dâng xăm xắp mặt đường cũng là dịp tôm tép đua nhau trồi lên mặt nước. Chúng tôi làm thính thật thơm để cất rớ, đặt nơm hoặc thả lưới ở những cống nước chảy xiết từ hồ này qua hồ khác.
Cứ tới mùa mưa thể nào cũng có những mẻ cá tươi rói. Dưới ngôi nhà ấy lại thơm phức mùi cá kho mẹ nấu, ăn với cơm dẻo hạt đầu mùa. Mấy anh em tôi cứ thế mà thi nhau bới hết chén này tới chén nọ trong niềm vui của ba mẹ.
Cũng vào mùa mưa năm đó, vì mải chơi khi bắt cá lia thia dưới hồ rau muống thả xuống giếng mà em tôi bị ngã. Cái giếng ba tôi đào sâu hơn 2m, phía trên đóng cọc tre và vây quanh bằng tấm dầu hắc. Lúc đó em tôi mới 3 tuổi, còn tôi lên 6, anh tôi lên 8.
Tôi chỉ biết đứng khóc nhìn em chới với dưới giếng nước, còn anh trai thì gào thét kêu cứu đến khản giọng. May mà có thầy Hòa ở cạnh nhà, hôm đó nghỉ dạy và đang chuẩn bị đi xay lúa nghe thấy tiếng kêu cứu thì chạy băng qua hàng rào nhảy tùm xuống giếng vớt lên.
Ba mẹ tôi được hàng xóm đạp xe đi thông báo, bệnh viện (nơi mẹ tôi làm) điều xe cấp cứu đến sơ cứu kịp thời giúp em tôi qua cơn nguy kịch.
Vào mùa hè, những trận gió Lào nắng rát, những tấm tôn hấp thụ nhiệt nóng hổi khiến mồ hôi chúng tôi đổ đầm đìa như tắm. Đó là lúc mấy anh em tôi được ba cho ra sau hè, mắc võng dưới bụi tre nằm ngủ cho mát.
Tuy nhiên, những chiếc lông sâu róm rụng xuống khiến da đứa nào đứa nấy nổi mẩn đỏ và ngứa. Từ đó, chúng tôi có cớ để theo chúng bạn ra đồng thả diều, đá bóng và bắt châu chấu về cho chim, cho vịt. Tuổi thơ cứ thế mà lớn lên hồn nhiên, trong trẻo.
Để dụ chúng tôi ở nhà thường xuyên, ba tôi bắt chim sẻ mới ra ràng trên những vòm mái ngói khu tập thể cơ quan cho chúng tôi nuôi. Khi chim lớn, chúng mến người suốt ngày bám lấy chân chúng tôi ngay cả khi đi ra đồng.
Mùa hè cũng là mùa dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh, cả nhà tôi gồm ba, mẹ và bà nội đều bị bệnh nặng phải nhập viện điều trị cả tháng trời. Khi nghe tin ba mẹ tôi ra viện trở về nhà, tan học tôi chạy một mạch từ trường về đến đầu ngõ thì dừng lại.
Lúc đó không hiểu sao nước mắt tôi cứ trào ra không dứt dù cố gắng kiềm chế cảm xúc. Tôi đành trốn ra sau hè ngồi khóc một mình cho đến khi bình tĩnh lại mới vào gặp.
Những hôm mẹ đi công tác xa nhà, tôi thường ra đầu ngõ ngồi dưới cây xoan tím bên hồ rau muống hóng mẹ về. Hễ nghe tin tức xe đò bị lật ở đèo thì lòng tôi như lửa đốt. Cái ngõ trước sân dần dần tự lúc nào trở thành một nơi quen thuộc để tôi ngồi đợi và hy vọng một điều gì đó xa xăm mỗi khi chiều về.
Rồi cuộc sống cũng khấm khá, ngôi nhà được xây dựng lại khang trang hơn nhưng vị trí ngôi nhà cùng với giếng nước, sân vườn và ngõ nhỏ vẫn nằm nguyên trên khu đất cũ chứa đựng bao ký ức đẹp đẽ của tuổi thơ.
Cho dù bây giờ anh em tôi ai cũng có nhà riêng ở phố nhưng căn nhà xưa vẫn là nơi chốn đi về vào những dịp lễ, Tết bởi nơi đó luôn có ba mẹ mong chờ và chở che chúng tôi những lúc mệt mỏi, va vấp trên đường đời.
Tôi chợt nhận ra mình thật sự may mắn và hạnh phúc khi có một nơi chốn để quay về và ở đó có những người thân để yêu thương.
Cảm ơn 770 bạn đã gửi bài Về nhà
Cuộc thi viết "Về nhà" là nơi để bạn đọc chia sẻ những cuộc trở về nhà - trở về gia đình yêu dấu của mình trong mùa xuân với những cuộc đoàn tụ đong đầy cảm xúc, để rồi từ đó ở lại hay ra đi rồi cũng hướng tới sống tốt hơn, chăm chút hơn cho gia đình và xã hội.
Cuộc thi Về nhà dành cho mọi bạn đọc trong và ngoài nước. Bài viết không quá 1.200 chữ, ưu tiên kèm ảnh hoặc video giới hạn 5 phút... và gửi về địa chỉ email venha@tuoitre.com.vn.
Giải thưởng: 1 giải nhất - 20 triệu đồng, 1 giải nhì - 15 triệu đồng, 1 giải ba - 10 triệu đồng, 10 giải khuyến khích - 5 triệu đồng/giải.
Tính đến ngày 20-2, cuộc thi đã nhận được 770 bài dự thi. Hạn chót nhận bài: ngày 1-3.
BAN TỔ CHỨC
Những ngày giáp tết năm đó, nhận phác đồ điều trị bệnh ung thư từ bác sĩ, bạn loay hoay trong cơn hoảng loạn nhưng rồi cũng nhanh chóng cân bằng.
Xem thêm: mth.57474538081203202-ev-yauq-nohc-cuhp-hnah/nv.ertiout