Suốt vài tuần lễ qua, fanpage hai đội bóng giàu truyền thống nhất nước Anh ngập tràn những bài đăng về tin đồn các tỉ phú thuộc thế giới Ả Rập hỏi mua đội bóng. Sheikh Jassim Bin Hamad Al Thani - tỉ phú có khối tài sản ròng ước tính hơn 300 tỉ USD của Qatar - là cái tên được nhắc đến nhiều nhất.
Khối tài sản khổng lồ đến choáng váng của vị tỉ phú người Qatar tạo nên một làn sóng háo hức mạnh mẽ trong cộng đồng CĐV Liverpool và M.U. Sau khi truyền thông cho biết tỉ phú Sheikh Jassim nghiêng về phía M.U, fan Liverpool cũng lập tức... chuyển đối tượng. Những tin đồn về một tỉ phú khác muốn hỏi mua Liverpool xuất hiện, và lần này là hoàng thân Mohammed Bin Rashid Al Maktoum của UAE, người có khối tài sản cũng lên đến 150 tỉ USD.
Hơn một thập niên kể từ khi các tỉ phú thuộc cộng đồng Ả Rập lao vào làng bóng đá đỉnh cao, người hâm mộ bóng đá giờ đây đã dần quen thuộc với túi tiền không đáy của họ. CĐV của các CLB hàng đầu giờ đây đều mơ đến ngày đội bóng con cưng của họ sớm đổi đời trong tay các tỉ phú túi tiền không đáy này. Đặc biệt, làn sóng bất mãn xuất hiện dữ dội ở những CLB có giới chủ người Mỹ - những người luôn bị chỉ trích là keo kiệt, hút máu CLB.
Nhưng sự thật là, chính giới chủ người Mỹ đã góp phần tạo ra một Premier League vĩ đại như hiện tại. Có đến 8/20 CLB Premier League hiện tại được sở hữu bởi các doanh nhân người Mỹ, bao gồm Arsenal, Aston Villa, Bournemouth, Chelsea, Crystal Palace, Leeds, Liverpool và M.U. Nếu mở rộng ra Giải hạng nhất, con số này tăng lên 11.
Trong số này, Liverpool là đội bóng nhận được tác động tích cực nhất từ giới chủ Mỹ. Năm 2010, tỉ phú John Henry của Tập đoàn FSG bỏ ra 270 triệu USD để sở hữu Liverpool, đồng thời trả khoản nợ 71 triệu USD của đội bóng khi đó. Sau 13 năm, Liverpool giờ đây được định giá khoảng 4-5 tỉ USD. Chừng đó là đủ cho thấy khả năng quản lý đội bóng của Tập đoàn FSG tốt đến thế nào. Henry không chỉ mang về những danh hiệu lớn cho đội bóng, mà còn duy trì tình hình tài chính ổn định tuyệt đối cho đội bóng.
Báo cáo tài khóa của Premier League vào năm 2020 cho thấy M.U và Liverpool là 2 đội có doanh thu cao nhất giải đấu, lần lượt là 651 triệu euro và 627 triệu euro. Và khác với Man City - đội đang bị điều tra về việc ngụy tạo các khoản thu, không ai đặt nghi ngờ về 2 đội bóng giàu truyền thống nhất nước Anh. Một báo cáo khác về tỉ lệ quỹ lương so với doanh thu cho thấy M.U, Liverpool và Leeds là 3 trong 5 đội ổn định nhất Premier League; khi quỹ lương chỉ chiếm khoảng 63-65% so với doanh thu.
Khi đọc tin tức về bóng đá, người hâm mộ thường chỉ quan tâm đến những cuộc mua bán cầu thủ ồn ào, trong khi khả năng kinh doanh, quản lý tài chính của giới chủ thường bị xem nhẹ. Khi nhìn nhận một cách công bằng, người hâm mộ sẽ nhận ra rằng trong thời đại của các ông chủ Mỹ, M.U hay Arsenal chưa bao giờ vướng vào những bê bối tài chính, còn Liverpool luôn khôn ngoan trong hầu hết các quyết định chuyên môn.
Các tỉ phú từ thế giới Ả Rập mang lại cảm giác bùng nổ cho Premier League. Nhưng chính những ông chủ người Mỹ mới duy trì sự ổn định cho giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh.
Premier League trở lại
Trận cầu tâm điểm của vòng 24 Premier League đã kết thúc theo cách ít ai ngờ tới - Liverpool kết liễu chóng vánh Newcastle chỉ sau 30 phút đầu. Nunez và Gakpo lần lượt ghi bàn cho Liverpool từ đầu trận. Đến phút 22, thủ thành Nick Pope vụng về chơi bóng bằng tay khi lao ra cản phá đường phát bóng chuẩn xác của Alisson dành cho Salah. Trọng tài ngay lập tức rút ra thẻ đỏ cho thủ môn phía Newcastle. Cũng từ đó, nhịp độ trận đấu giảm hẳn khi Liverpool cũng muốn giữ sức cho Champions League giữa tuần này.
Chung cuộc Liverpool thắng 2-0 và qua đó rút ngắn khoảng cách với Newcastle chỉ còn 6 điểm (đồng thời Liverpool cũng đá ít hơn 1 trận).
Dông tố chờ đón M.U Dù đang có phong độ thăng hoa nhưng trong khoảng thời gian tới, M.U hoàn toàn có thể sụp đổ với giai đoạn dông bão của họ. |
Xem thêm: mth.23695140102203202-ym-uhc-ioig-ueiht-eht-gnohk-eugael-reimerp/nv.ertiout