Internet đã thay đổi nhiều phương diện của cuộc sống, đến nỗi chẳng ai còn nhớ lần cuối trải qua hết một ngày mà không hề động vào Internet là từ bao giờ. Trong thời gian dịch COVID-19 bùng nổ, nhờ có Internet mà chúng ta vẫn có thể duy trì công việc tại nhà, gặp gỡ bạn bè, mua sắm và giải trí.
Máy giặt và Internet, thứ nào làm thay đổi nền kinh tế thế giới cũng như cuộc sống của nhân loại nhiều hơn? Ai cũng cho rằng Internet chính là phát minh có tầm ảnh hưởng vĩ đại nhất. Nhà kinh tế người Hàn Quốc Ha-Joon Chang lại lập luận rằng máy giặt mới phải. Theo như ông nói, chúng ta đã đánh giá thấp các thiết bị tự động hóa việc nhà và quá mức đề cao tầm quan trọng của Internet.
Việc xác định xem thứ nào quan trọng hơn đối với nền kinh tế có thể là chìa khóa mở cửa động lực cho các nước nghèo, ví dụ, nên mang Internet hay máy giặt đến cho họ để phát triển kinh tế chẳng hạn.
Máy giặt được phát minh từ những năm 1850. Tuy nhiên, cỗ máy này ngốn rất nhiều năng lượng trong khi hồi đó các gia đình hầu như đều không có điện. Nhà nào giàu có, đủ tiền để mua "cỗ máy thần kỳ" này thì lại không cần dùng đến nó vì đã có người hầu lo việc giặt giũ.
Đến những năm 1930, mọi thứ bắt đầu thay đổi. Dù cuộc Đại suy thoái đang diễn ra, nhưng gần như nhà nào cũng đã có điện. Trong Thế chiến thứ 2, các cỗ máy tự động biết làm việc nhà trở nên cực kỳ quan trọng vì người ta cần nữ giới tham gia lực lượng lao động, bước vào dây chuyền sản xuất khi đàn ông phải ra trận. Giặt quần áo bằng tay cho một gia đình có thể mất cả ngày. Trong thời đại mà người phụ nữ phải ở nhà làm nội trợ thì không sao. Nhưng khi họ phải đi làm bên ngoài thì việc ngồi hàng tiếng đồng hồ chỉ để hoàn thành một công việc giữa hàng tá nhiệm vụ khác đang chờ là một gánh nặng quá sức. Máy giặt, máy hút bụi, bàn là và những thiết bị mà chúng ta thấy là "quá đỗi bình thường" ngày nay đã tiết kiệm rất nhiều thời gian cho phụ nữ. Nhờ đó, nhiều người đã có thể tham gia lực lượng lao động lâu dài, ổn định. Ngay cả khi Thế chiến thứ 2 kết thúc, nhiều người còn đổ xô đi mua các thiết bị gia dụng giúp ích cho cuộc sống từ số tiền họ đã kiếm và dành dụm được.
Trong kinh tế học, chúng ta đã làm quen với khái niệm "năng suất lao động", một trong những thước đo quan trọng nhất của nền kinh tế nhưng thường bị lãng quên. Năng suất lao động được tính bằng: giá trị của hàng hóa và dịch vụ được tạo ra chia cho số giờ lao động. Ví dụ, năng suất lao động trung bình ở Mỹ là 73 USD/giờ lao động. Tăng năng suất là việc rất quan trọng vì người lao động có thể được trả lương cao hơn mà không giây ra lạm phát, từ đó nâng cao mức sống và làm giàu cho nền kinh tế. Để nâng cao năng suất, ta có thể đào tạo người lao động lên trình độ cao hơn, cung cấp công cụ lao động hữu ích hơn. Dưới đây là biểu đồ cho thấy sự khác biệt giữa Mỹ và Canada.
So sánh năng suất lao động giữa Mỹ và Canada. Nguồn: Economics Explained
Tuy có kỹ năng ngang ngửa nhau nhưng người lao động ở Mỹ có năng suất cao hơn 20 USD/giờ vì các doanh nghiệp ở đây đầu tư rất nhiều vào công cụ và thiết bị để hoàn thành được nhiều việc hơn trong cùng một khoảng thời gian.
Nhìn chung, năng suất lao động có xu hướng đi lên khi nền kinh tế đang đi xuống. Ở Mỹ, năng suất lao động tăng rõ rệt sau cuộc Khủng hoảng tài chính năm 2008.
Năng suất của các ngành phi nông nghiệp ở Mỹ. Nguồn: Economics Explained
Nguyên nhân là các doanh nghiệp thường sa thải từ những công nhân yếu kém trước nhất. Những người còn lại vừa có năng lực lại vừa có thêm nhiều cơ hội dày đặc để sử dụng máy móc và công cụ. Họ cũng làm việc cật lực hơn vì sợ bị mất việc.
Phụ nữ chính thức bước vào lực lượng lao động một cách rõ rệt kể từ thập niên 60 của thế kỷ trước, vừa làm tăng tỉ lệ tham gia lao động, vừa làm tăng năng suất lao động. Điều này có mâu thuẫn không, vì đáng nhẽ một số lượng lớn những người lao động thiếu kinh nghiệm khi bước vào sẽ kéo năng suất lao động trung bình xuống mới phải? Trên thực tế, lực lượng lao động mới này tiếp quản các công việc đơn giản, từ đó tạo điều kiện cho các công nhân cũ có cơ hội làm những thứ khó hơn và nâng cao tay nghề. Điều này cũng giống như việc một luật sư thuê trợ lý xử lý các việc bên lề như xuất hoá đơn, ghi chép sổ sách, để tập trung hoàn toàn vào chuyên môn.
Ngoài ra, nhờ bước chân vào lực lượng sản xuất, phụ nữ cũng mở ra một thị trường tiêu dùng mới vì đây là lần đầu tiên họ có tiền riêng để mua sắm những gì mình thích. Giải phóng một nửa dân số khỏi công việc nội trợ toàn thời gian nhưng không lương, đưa họ vào lực lượng lao động, giúp họ trở thành người tiêu dùng không phụ thuộc là một trong những động lực thúc đẩy kinh tế mạnh mẽ nhất trong thế kỷ vừa qua. Tất cả cũng là nhờ các thiết bị gia dụng như máy giặt.
Điều này cũng cho thấy chúng ta không cần phải lo sợ trước "sự xâm chiếm" của máy móc hay trí tuệ nhân tạo. Chúng sẽ tiếp quản nhiều công việc nhưng lại giúp chúng ta có thêm nhiều thời gian để thực hiện những thứ mang lại giá trị cao hơn. Thay vì tính từng phép toán bằng tay, chúng ta có máy tính bỏ túi rồi cả Excel để rồi có thể làm những tác vụ phức tạp hơn như làm báo cáo tài chính, chạy dự báo hay đọc và phân tích dữ liệu. Chúng ta không bị mất việc vì "Excel", ngược lại, có nhiều công việc mới được tạo ra và chúng ta chỉ mất việc vì "những người biết dùng Excel". Trí tuệ nhân tạo mai sau cũng vậy.
Internet là một công cụ cần thiết cho doanh nghiệp nhưng ảnh hưởng của nó không nhiều như chúng ta tưởng. Internet mang lại khả năng liên lạc từ xa, nhưng trước đó, chúng ta vẫn có máy fax, điện thoại và điện tín. Các công ty có thể gửi thông tin cho nhau tương đối nhanh. Internet đúng là đã có thể giúp ta truyền đi các thông tin phi văn bản như video, audio một cách dễ dàng hơn. Nhưng phần lớn các công ty không sử dụng các định dạng file này thường xuyên.
Nhà kinh tế học Ha-Joon Chang nói rằng điện tín đã giảm thời gian liên lạc giữa châu Mỹ và châu Âu từ 3 tuần xuống còn 30 phút, tức nhanh hơn 2000 lần. Nhưng gửi 4 trang thông tin bằng máy fax mất khoảng 30 giây, còn qua email thì mất 3 giây. Như vậy email chỉ nhanh hơn máy fax 10 lần và sự thay đổi này không lớn bằng.
Có nhiều công ty tận dụng Internet để thu được lợi nhuận lớn. Ví dụ như những người giao dịch hàng hóa sử dụng dòng chảy thông tin liên tục để đầu cơ các hợp đồng tương lai. Đúng là có lợi nhuận nhưng nó đóng góp rất ít vào nền kinh tế nói chung. Các công ty làm về mạng xã hội cũng cung cấp các dịch vụ giải trí cho chúng ta qua Internet. Bạn có thể tự quyết định xem giá trị chúng mang lại cho xã hội là bao nhiêu. Nhưng theo Ha-Joon Chang, những thứ này lại gây xao nhãng nhiều hơn là tăng năng suất.
Quan điểm của Ha-Joon Chang không phải nhằm phủ nhận tầm quan trọng của Internet, mà là để nhấn mạnh rằng tiện ích này không đóng góp cho nền kinh tế nhiều như các thiết bị gia dụng có khả năng nhân đôi lực lượng lao động kia. Chúng ta không dành vài tiếng đồng hồ mỗi ngày bên máy giặt vì nó tự chạy nhưng lại ngốn hàng đống thời gian không làm gì hữu ích khi lướt mạng.
Tham khảo từ: Economics Explained