Ngày 20-2, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Tông Thắng - phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh - cho biết, toàn tỉnh hiện có 2.968 tàu cá, trong đó có 513 tàu hoạt động vùng lộng, 107 tàu hoạt động vùng khơi, số tàu còn lại hoạt động ở vùng biển ven bờ.
Với ngư trường rộng, nguồn thủy sản dồi dào, cộng với việc ngư dân triển khai đa dạng nhiều hình thức đánh bắt thủy sản nên năm 2023 tỉnh Hà Tĩnh phấn đấu sản lượng khai thác thủy sản đạt 37.200 tấn, giá trị sản lượng đạt 1.852 tỉ đồng; trong đó sản lượng khai thác biển đạt 33.200 tấn, khai thác nội địa đạt 4.000 tấn.
Trước câu hỏi, hiện nay Hà Tĩnh có 2 cảng cá nhưng đều có hiện tượng bồi lấp khiến cho tàu thuyền ra khơi gặp khó khăn, việc này có ảnh hưởng đến mục tiêu sản lượng khai thác năm 2023 của ngành, ông Thắng cho biết, năm 2022 sản lượng khai thác thủy sản đạt gần 37.000 tấn, trong năm 2023 ngành chỉ đặt ra mục tiêu khai thác sản lượng "nhỉnh" hơn một chút so với năm trước là 37.200 tấn.
Ông Thắng giải thích, sở dĩ mục tiêu khai thác sản lượng thủy sản đặt ra chỉ cao hơn một chút so với năm ngoái vì nhiều nguyên nhân như tàu thuyền ở Hà Tĩnh chủ yếu có công suất nhỏ, số lượng tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ ít, hơn nữa các cảng cá, luồng lạch đang có hiện tượng bồi lấp cũng ít nhiều ảnh hưởng đến quá trình ra khơi của ngư dân.
"Cảng cá bị bồi lấp ảnh hưởng lớn đến việc làm và thu nhập của ngư dân khi sống dựa vào cảng. Hơn nữa, hiện chủ trương đang vận động ngư dân đóng tàu lớn để đánh bắt xa bờ hơn, tuy nhiên cảng cá bị bồi lấp chưa được nạo vét, tàu lớn khó khăn khi ra vào cảng nên ngư dân cũng không mạnh dạn để đầu tư đóng tàu lớn" - ông Thắng nói.
Ông Nguyễn Tông Thắng cho rằng nhiều năm nay các cảng cá bị bồi lấp đã ảnh hưởng nghề khai thác thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá tại cảng. Trước đây, tại cảng cá Cửa Sót có chính sách xã hội hóa nạo vét, quá trình thực hiện Nhà nước không mất ngân sách, trong khi đó doanh nghiệp có một khoản lợi nhuận từ bán cát để thực hiện nạo vét luồng lạch.
"Thời gian xã hội hóa nạo vét luồng lạch được thực hiện một thời gian ngắn thì bị dừng lại do vướng một số quy định. Mấy năm gần đây tại các cảng đã bồi lấp nghiêm trọng nên tôi cho rằng cần sớm có phương án nạo vét để người dân thuận lợi ra khơi, nâng cao hơn nữa sản lượng khai thác thủy sản của địa phương" - ông Thắng nhìn nhận.
Ông Bùi Tuấn Sơn, giám đốc các cảng cá Hà Tĩnh, cho hay hiện nay các cảng cá Xuân Hội, Cửa Sót và khu neo đậu tàu thuyền ở Cửa Nhượng đang bị bồi lấp nghiêm trọng, các tàu thuyền lớn phải phụ thuộc vào thủy triều lên mới có thể ra vào cảng được.
Cách đây chừng 6 năm, tại cảng Cửa Sót thực hiện nạo vét theo hình thức xã hội hóa, nhưng chỉ thực hiện được ít năm rồi dừng vì vướng quy định liên quan.
Trước tình trạng ngày càng bồi lấp nghiêm trọng, đơn vị này nhiều lần báo cáo tình trạng trên đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo, kiến nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh bố trí nạo vét. Thế nhưng, để nạo vét cần nguồn kinh phí rất lớn, trong khi ngân sách địa phương còn khó khăn.
"Tôi kiến nghị Nhà nước nghiên cứu để điều chỉnh các quy định theo hướng khuyến khích được xã hội hóa trong nạo vét cảng biển, luồng lạch, từ đó Nhà nước không phải mất nguồn ngân sách nạo vét mà ngư dân cũng được ra vào cảng thuận lợi, yên tâm bám biển hơn" - ông Sơn kiến nghị.
Cảng cá Xuân Hội là một trong hai cảng cá lớn ở Hà Tĩnh, mỗi tháng cảng này có hàng trăm lượt tàu thuyền ra vào song thời gian gần đây cảng cá bị bồi lấp nghiêm trọng gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của ngư dân.
Xem thêm: mth.15345919002203202-man-nas-yuht-nat-000-73-ueit-cum-tad-ohk-pal-iob-ib-ac-gnac/nv.ertiout