Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên thông tin ngày 10-2 tiếp nhận trường hợp bệnh nhi L.M.Q. (7 ngày tuổi, trú huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) trong tình trạng tím toàn thân, bụng chướng căng.
Theo người nhà kể lại, sản phụ sinh con thứ ba và sinh tại nhà. Sau sinh một tuần, gia đình không thấy trẻ đại tiện, bụng chướng, bú kém nên đã đưa trẻ đến cơ sở y tế.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ Mai Thị Tâm, trưởng khoa nhi bệnh viện, cho hay do cha mẹ trẻ là người đồng bào dân tộc Mông, thuộc vùng sâu vùng xa nên kiến thức chăm sóc sức khỏe còn hạn chế, đưa trẻ đến viện muộn.
"Trẻ nhập viện trong tình trạng tỉnh chậm, da tái, vân tím toàn thân, mạch nhanh, bụng chướng căng. Qua thăm khám phát hiện trẻ không có lỗ hậu môn, trẻ được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn - nhiễm khuẩn huyết/tắc ruột muộn do dị tật không có lỗ hậu môn.
Do đến muộn, trẻ trong tình trạng suy nhược và sốc nặng, vì vậy các bác sĩ đã hồi sức tích cực trước rồi thực hiện mổ cấp cứu làm hậu môn nhân tạo. May mắn, trải qua 2 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã phẫu thuật thành công cho trẻ.
Sau 6 ngày phẫu thuật, trẻ bú được, không sốt, ruột đã lưu thông. Hiện tại trẻ tiếp tục được chăm sóc theo dõi tại bệnh viện", bác sĩ Tâm thông tin.
Bác sĩ Tâm khuyến cáo dị tật hậu môn trực tràng là dị tật thường gặp ở trẻ sơ sinh. Nếu trẻ được sinh ở bệnh viện sẽ được bác sĩ thăm khám và phát hiện sớm, can thiệp kịp thời, khả năng điều trị thành công cao hơn.
Do đó cha mẹ cần lưu ý, trẻ sơ sinh sau 24 giờ đầu đời, nếu không đi đại tiểu tiện được, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và tư vấn điều trị.
TTO - Nhiều trẻ sinh ra không có hậu môn hoặc hậu môn nằm sai vị trí. Các bác sĩ nhi cho biết dị tật hậu môn - trực tràng có thể để lại biến chứng, thậm chí tử vong nếu không phát hiện, điều trị kịp thời.
Xem thêm: mth.57444800202203202-nom-uah-oc-gnohk-ert-neih-tahp-iom-yagn-7-ahn-iat-noc-hnis/nv.ertiout